Thứ bảy, 05/07/2025 - 01:52

Dự kiến xếp lại bảng lương một số chức danh nhà giáo

Bộ GD&ĐT dự kiến tham mưu Chính phủ xếp lại bảng lương của một số chức danh nhà giáo.

(Ảnh: THẾ ĐẠI).
(Ảnh: THẾ ĐẠI).

Bảo đảm mức sống của nhà giáo

Luật Nhà giáo đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2026. Một trong những chính sách nổi bật của Luật là quy định về chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ với với nhà giáo.

Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho hay, tại dự thảo Nghị định quy định chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ hỗ trợ, thu hút đối với nhà giáo trong hồ sơ dự án Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT dự kiến tham mưu Chính phủ xếp lại bảng lương của một số chức danh nhà giáo như: giáo viên mầm non, phổ thông, dự bị đại học, giáo viên giáo dục nghề nghiệp hạng IV… để bảo đảm tính thống nhất về bảng lương áp dụng với các chức danh nghề nghiệp viên chức nhà giáo và viên chức các ngành, lĩnh vực khác; đồng thời, bảo đảm mức sống của nhà giáo, giúp nhà giáo an tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

Đồng thời, dự thảo Nghị định cũng quy định hệ số lương đặc thù đối với nhà giáo với mức từ 1,1 đến 1,6 tùy theo cấp học, trình độ đào tạo bảo đảm lương nhà giáo cao hơn viên chức cùng bảng lương áp dụng của các ngành, lĩnh vực khác; giảm cách biệt về tiền lương giữa nhà giáo trẻ và nhà giáo lâu năm ở cùng vị trí việc làm.

Những giải pháp dự kiến này thực hiện trong bối cảnh việc trả lương vẫn đang thực hiện theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP và sẽ là căn cứ để thực hiện sắp xếp lại tiền lương khi Chính phủ ban hành chính sách tiền lương mới bảo đảm lương của nhà giáo “được xếp cao nhất”.

Hiện tại, ngoài tiền lương theo bảng lương quy định chung đối với viên chức các ngành, lĩnh vực, nhà giáo còn được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo; phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo góp phần nâng cao thu nhập của nhà giáo. Ngoài ra, nhà giáo công tác tại các trường chuyên biệt, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn được hưởng một số loại phụ cấp, trợ cấp tương ứng.

Bên cạnh đó, ở một số vị trí việc làm, đối với một số loại công việc, nhà giáo còn được chi trả thêm các khoản phụ cấp, trợ cấp, thù lao khác như phụ cấp chức vụ, phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, phụ cấp lưu động, chính sách ưu đãi trong giáo dục hòa nhập...

ongvuminhduc.jpg

Cục trưởng Cục Nhà giáo và quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo Vũ Minh Đức (Ảnh: THÀNH ĐẠT).

Lương nhà giáo được xếp cao nhất…

Thực tế cho thấy, việc áp dụng bảng lương nhà giáo chung như các viên chức các ngành, lĩnh vực khác chưa thể hiện được mức độ phức tạp của từng ngành, nghề khác nhau.

Bảng lương áp dụng đối với đa số nhà giáo (chiếm tỷ lệ khoảng 90% số lượng nhà giáo là giáo viên mầm non, phổ thông, dự bị đại học) đang xếp thấp hơn so với viên chức các ngành khác như y tế (bác sĩ, dược sĩ), xây dựng (kiến trúc sư, kỹ sư), văn hóa – thể thao (đạo diễn, diễn viên, họa sĩ, huấn luyện viên…), khoa học công nghệ (nghiên cứu viên, kỹ sư), thông tin truyền thông (phóng viên, biên dịch viên, đạo diễn truyền hình)…

Chính vì vậy, khi xây dựng Luật Nhà giáo, Cơ quan soạn thảo mong muốn cụ thể hóa tối đa những chủ trương của Đảng và Nhà nước thành các chính sách cụ thể tại Luật Nhà giáo.

Theo đó, điểm b khoản 1 Điều 23 quy định “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” và giao Chính phủ quy định chi tiết về chính sách tiền lương đối với nhà giáo.

Ông Vũ Minh Đức nhấn mạnh, đây là căn cứ quan trọng để Chính phủ có những quy định điều chỉnh liên quan đến tiền lương của nhà giáo bảo đảm chủ trương “xếp cao nhất”.

Bên cạnh đó, điểm c khoản 1 Điều 23 Luật Nhà giáo quy định “Nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo ở một số ngành, nghề đặc thù được hưởng chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn…” để thu hút nhà giáo và bảo đảm công bằng với những nhà giáo làm việc trong điều kiện bình thường.

dh-dong-thap-4.jpg

Môi trường học tập thân thiện tại Trường ĐH Đồng Tháp.

Trọng dụng nhà giáo

Ngoài quy định về chính sách tiền lương, phụ cấp, ông Vũ Minh Đức cho hay, Luật Nhà giáo còn quy định chính sách hỗ trợ và thu hút, trọng dụng đối với nhà giáo. Về chính sách hỗ trợ, tất cả nhà giáo được hưởng chế độ trợ cấp theo tính chất công việc, theo vùng; chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng; chế độ hỗ trợ chăm sóc sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp; phụ cấp lưu động đối với nhà giáo làm công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, biệt phái, dạy tăng cường, dạy liên trường, dạy ở các điểm trường và các chính sách hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

Đồng thời, nhà giáo khi đến công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được thuê nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật về nhà ở hoặc được bảo đảm chỗ ở tập thể.

Trường hợp không bố trí được chỗ ở tập thể hoặc nhà ở công vụ thì nhà giáo được hỗ trợ tiền thuê nhà ở theo mức hỗ trợ thuê nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật.

Những chính sách hỗ trợ này không hẳn là mới nhưng lần đầu có quy định tổng thể để bảo đảm tất cả nhà giáo không phân biệt công lập hay ngoài công lập đều được hưởng các chính sách hỗ trợ bảo đảm các điều kiện để nhà giáo phát triển nghề nghiệp liên tục.

Chính sách thu hút, trọng dụng được thực hiện đối với người có trình độ cao, người có tài năng, người có năng khiếu đặc biệt, người có kỹ năng nghề cao; người đến làm việc tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nhà giáo làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục, nghiên cứu khoa học trong một số lĩnh vực trọng yếu, thiết yếu theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Chính sách thu hút, trọng dụng bao gồm ưu tiên trong tuyển dụng, tiếp nhận; tiền lương, phụ cấp; đào tạo, bồi dưỡng; quy hoạch, bổ nhiệm; điều kiện làm việc, trang thiết bị làm việc; phúc lợi và các chính sách khác theo quy định của pháp luật.

"Những quy định nêu trên tại Luật Nhà giáo là căn cứ pháp lý quan trọng để Bộ GD&ĐT ban hành theo thẩm quyền hoặc tham mưu Chính phủ ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể để thực hiện chính sách tiền lương, chế độ ưu đãi đối với nhà giáo thể hiện sự tôn vinh của xã hội, sự chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ nhà giáo" - ông Vũ Minh Đức khẳng định.

Lượt xem: 7
Nguồn:giaoducthoidai.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật