Thứ sáu, 30/05/2025 - 05:20

Nghị quyết số 68-NQ/TW: Tháo gỡ điểm nghẽn để thúc đẩy kinh tế tư nhân bứt phá

Nghị quyết số 68-NQ/TW: Tháo gỡ điểm nghẽn để thúc đẩy kinh tế tư nhân bứt phá

 

Đơn giản hóa  thủ tục về liên quan đến đất đai cho doanh nghiệp.

Đơn giản hóa thủ tục về liên quan đến đất đai cho doanh nghiệp.

Tập trung cắt giảm thủ tục hành chính

Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân đã yêu cầu cắt giảm ít nhất 30% chi phí tuân thủ trong năm 2025. Trên thực tế, tỷ lệ chi phí tuân thủ chúng ta có khả năng cắt giảm sẽ cao hơn rất nhiều khi được triển khai đồng bộ với các giải pháp đảm bảo 100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến, thông suốt, minh bạch, giảm tối đa giấy tờ; tổ chức thực hiện thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh, hoàn thành trong năm 2025.

Tuy nhiên, trên thực tế, chi phí tuân thủ mà doanh nghiệp chờ được cắt giảm không chỉ ở việc tuân thủ thủ tục hành chính. Bởi theo tổng hợp của các chuyên gia về môi trường kinh doanh, chi phí tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp cần phải tính các loại chi phí gia nhập thị trường, chi phí tuân thủ các quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh, điều kiện đầu tư, các chi phí liên quan đến tiếp cận thông tin, tiếp nhận và giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp, chi phí thời gian, chi phí cho các hoạt động thanh tra, kiểm tra và cả chi phí không chính thức...

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2024 đã ghi nhận số doanh nghiệp phải dành 10% doanh thu để trả chi phí không chính thức tiếp tục giảm, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức lại tăng, nhất là trong lĩnh vực thanh tra, kiểm tra, thực hiện thủ tục kinh doanh có điều kiện và thủ tục liên quan đến đất đai. Nguyên nhân là các văn bản luật và quy định được áp dụng không nhất quán, thiếu thiếu đồng bộ ở quy định và cơ chế thực thi.

Không phải đến bây giờ chúng ta mới kiên quyết triển khai thực hiện cắt giảm, đơn giản hơn nữa thủ tục hành chính, mà từ năm 2007, Chính phủ đã ban hành Quyết định 30/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 - 2010. Khi đó, 30% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính được cắt giảm, tiết kiệm cho người dân và doanh nghiệp tương đương 30.000 tỷ đồng/năm...

Sau đó, từ năm 2014 đến nay, nỗ lực cải cách được đẩy mạnh với Nghị quyết 19/NQ-CP (sau được đặt tên là Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh). Như vậy, nhiệm vụ và chỉ tiêu cụ thể đã từng bước mở rộng đến hoạt động đăng ký kinh doanh, nộp thuế, tiếp cận điện năng, xác lập quyền sở hữu, bảo vệ nhà đầu tư, các thủ tục xuất nhập khẩu, giải thể và minh bạch kinh doanh...

Nhà nước và doanh nghiệp cùng đồng hành

Tại Hội thảo khoa học “Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế”, ông Trần Đình Thiên - Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng cho rằng, muốn kinh tế tư nhân phát triển, cần đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ là tháo gỡ trói buộc thể chế và tạo dựng những yếu tố mới. Trong đó, cải cách bộ máy Nhà nước cần đi đôi với cải cách thị trường để kiến tạo một môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các khu vực kinh tế.

Cần phải kiến tạo một môi trường kinh doanh bình đẳng.

Cần phải kiến tạo một môi trường kinh doanh bình đẳng.

Theo ông Thiên, đã đến lúc phải “thay máu” lực lượng doanh nghiệp bằng cách phát triển mô hình doanh nghiệp hiện đại, xây dựng cấu trúc tổ chức phù hợp với thời đại. Cùng với đó là hệ thống thể chế tương thích, tạo điều kiện để doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh và nâng cao năng lực quốc gia.

Đặc biệt, ông Trần Đình Thiên cũng đánh giá cao tính đồng bộ, xuyên suốt trong hành động từ Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân đến Chương trình hành động của Chính phủ. Những chính sách này không đặt trọng tâm vào ưu đãi mà tập trung vào tạo lập công bằng, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, xóa bỏ thanh tra, kiểm tra chồng chéo, không áp dụng hồi tố bất lợi và tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận nguồn lực như đất đai, vốn.

Bên cạnh đó, cũng cần định vị lại vai trò của Nhà nước trong quan hệ với doanh nghiệp, chuyển từ “quản lý” sang “hỗ trợ và thúc đẩy phát triển”. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân phải được đặt làm trung tâm trong tiến trình cải cách, song song với hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị sản xuất nội địa nhằm gia tăng nội lực và giá trị gia tăng của nền kinh tế.

Để Nghị quyết số 68-NQ/TW đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, ông Phan Đức Hiếu - Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng, cần sự song hành chặt chẽ giữa Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Kinh tế tư nhân chỉ có thể phát huy vai trò động lực quan trọng của nền kinh tế khi môi trường thể chế được cải thiện một cách đồng bộ, minh bạch.

Tuy nhiên, không chỉ Nhà nước, chính các doanh nghiệp cũng cần chủ động nâng cao năng lực quản trị, cải thiện năng suất và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, cần nâng cao vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp bởi đây là cầu nối thiết yếu giữa Nhà nước và doanh nghiệp, là lực lượng phản biện chính sách, đề xuất giải pháp và hỗ trợ hội viên tiếp cận thị trường, công nghệ. Nếu muốn có khu vực tư nhân vững mạnh, không thể thiếu những hiệp hội doanh nghiệp mạnh, chuyên nghiệp và có khả năng dẫn dắt.

Lượt xem: 6
Tác giả: Nguyệt Hà
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật