Để đầu tư công dẫn dắt, thành "vốn mồi" kiến tạo phát triển
Để đầu tư công dẫn dắt, thành "vốn mồi" kiến tạo phát triển
Đầu tư công là nguồn tiềm năng cho tăng trưởng nếu được khơi thông. Nguồn: Internet
"Hiến kế" cải thiện chất lượng đầu tư công
Dẫn kinh nghiệm quốc tế, bản kiến nghị chính sách quý II/2025 của nhóm nghiên cứu của Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) gửi đến Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ban, ngành Trung ương nhận định, Hàn Quốc là một ví dụ điển hình trong việc sử dụng đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua các chính sách đột phá trong công nghệ và hạ tầng.
Nên tại Hàn Quốc, trong 30 năm (1960-1990) tăng trưởng GDP trung bình đạt 9,58%/năm, có 14 năm đạt mức tăng trưởng trên 10%; cao nhất đạt 14,8% (năm 1973).
Bối cảnh mới của phát triển quốc gia – bao gồm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển hạ tầng chiến lược, đô thị thông minh và thích ứng với biến đổi khí hậu – cũng đang đòi hỏi đầu tư công phải đóng vai trò dẫn dắt, mở đường cho các thành phần kinh tế khác phát triển theo các xu hướng này.
Trung Quốc, với chiến lược phát triển nền kinh tế theo hướng mở cửa và đổi mới trong những thập kỷ qua, đã tận dụng tối đa vai trò của đầu tư công để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao.
Các chiến lược đầu tư công của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào hạ tầng và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đồng thời kết hợp với cải cách thể chế và thu hút đầu tư tư nhân.
Nên Trung Quốc trong 30 năm cải cách (1977-2007), tăng trưởng GDP bình quân là 10,02%/năm; mức tăng trưởng cao nhất (năm 1984) là 15,14%; có 15 năm tăng trưởng GDP đạt hơn 10%.
Tại Việt Nam, thực tế cho thấy dư địa của đầu tư công vẫn chưa được phát huy hết. Tình trạng giải ngân vốn còn chậm, hiệu quả đầu tư hạn chế, kết nối vùng và ngành chưa chặt chẽ, cùng mức độ lan tỏa sang khu vực tư nhân chưa cao.
Đầu tư công là nguồn tiềm năng cho tăng trưởng nếu được khơi thông, nên nhóm nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư công, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2026-2030.
Trước hết là cần thay đổi tư duy, phân bổ vốn đầu tư công theo hướng dẫn dắt các lĩnh vực ưu tiên của mô hình tăng trưởng mới.
Theo các chuyên gia của NEU, đầu tư công phải mang ý nghĩa “kiến tạo” cho phát triển, tập trung vào các lĩnh vực chiến lược như công nghệ cao, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, hạ tầng xanh và chống biến đổi khí hậu.
Vì thế, cần đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng phục vụ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo như các trung tâm nghiên cứu, khu công nghệ cao, vườn ươm khởi nghiệp, cùng với hạ tầng số nền tảng như mạng 5G và trung tâm dữ liệu.
Khi đó, đầu tư công sẽ trở thành “bệ đỡ” cho mô hình tăng trưởng dựa vào tri thức và công nghệ, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân đóng góp nhiều hơn vào việc nâng cao năng suất.
Bên cạnh đó, đầu tư công phải góp phần hỗ trợ, kiến tạo và thúc đẩy đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thay vì dàn trải, nguồn vốn cần tập trung vào các dự án có tính lan tỏa cao, kích thích cầu liên ngành và tạo chuỗi liên kết với khu vực tư nhân.
Đồng thời, cần tái cấu trúc danh mục đầu tư, đẩy mạnh phương thức đối tác công tư (PPP) để biến đầu tư công thành “vốn mồi” hiệu quả, thu hút mạnh mẽ nguồn lực xã hội.
Để đảm bảo hiệu quả, việc phân bổ vốn cần dựa trên các tiêu chí khách quan và định lượng, các chuyên gia cho rằng cần thiết lập hệ thống tiêu chí phân bổ vốn dựa trên năng lực hấp thụ của địa phương, nhu cầu thực tiễn và hiệu quả của từng dự án, được đo lường bằng các chỉ số như tốc độ tăng trưởng GRDP, tác động lan tỏa về việc làm và thu ngân sách.
Ngoài ra, việc tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý đầu tư công theo hướng hiện đại và minh bạch là yêu cầu cấp thiết. Trong đó, cần thiết lập cơ chế giám sát, đánh giá độc lập và đề cao trách nhiệm giải trình trong toàn bộ quá trình, từ phân bổ vốn, thực hiện đến vận hành kết quả đầu tư.
Giải pháp từ tinh gọn bộ máy đến nguồn thu bền vững
Cũng tại bản kiến nghị, để có đủ nguồn lực tài chính cho các dự án đầu tư công quy mô lớn, các chuyên gia của NEU cho rằng, Việt Nam cần thực hiện đồng thời nhiều giải pháp quyết liệt về tài khóa.
Đó là cần thu hẹp đáng kể chi thường xuyên, quyết liệt tinh gọn bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu quả. Việc tiết kiệm được nguồn vốn lớn từ chi thường xuyên có thể được tái phân bổ cho đầu tư phát triển hạ tầng.
Các chuyên gia cũng đề xuất cơ quan quản lý cần mạnh dạn thoái vốn khỏi các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả, đặc biệt trong những ngành mà Nhà nước không cần nắm giữ. Nguồn thu từ việc thoái vốn cũng có thể được sử dụng để tham gia cùng các doanh nghiệp tư nhân vào các dự án trọng điểm thông qua PPP.
Ngoài ra, cần tích cực tìm kiếm các nguồn thu bền vững mới. Trong đó có thể cân nhắc đánh thuế đối với căn nhà thứ hai trở đi để hạn chế đầu cơ, làm lành mạnh thị trường bất động sản và tăng nguồn cung.
Đồng thời nên sử dụng chính sách thuế như một công cụ định hướng, như áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp dựa trên tỷ lệ nội địa hóa để khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu phát triển công nghiệp phụ trợ; nhanh chóng áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu và có các biện pháp quyết liệt để giải quyết vấn đề chuyển giá, tạo sự bình đẳng về nghĩa vụ thuế giữa các khu vực kinh tế.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhận định, hiệu quả của đầu tư công phụ thuộc rất lớn vào chất lượng thể chế và sức sống của khu vực kinh tế tư nhân. Do đó, cần coi việc hoàn thiện thể chế và tháo gỡ các nút thắt cho kinh tế tư nhân là nhiệm vụ song hành.
Nên các chính sách cần xác định rõ vai trò của các thành phần kinh tế: kinh tế nhà nước giữ vai trò định hướng, dẫn dắt; kinh tế tư nhân là động lực chính, quan trọng nhất; kinh tế FDI là nguồn lực bổ trợ quan trọng.