Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để xây dựng hệ sinh thái du lịch bền vững
Du lịch vốn là trong một trong những ngành kinh tế mũi nhọn và cũng không nằm ngoài guồng quay chuyển mình trong kỷ nguyên số đầy biến động. Ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang chủ động triển khai đa dạng hoạt động ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xây dựng hệ sinh thái du lịch bền vững, cũng như thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện.
* Đáp ứng trải nghiệm du lịch thông minh
Trong kỷ nguyên số, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), internet vạn vật (IoT), blockchain và công nghệ thực tế ảo (VR/AR) đang làm thay đổi căn bản cách con người sống, làm việc và tương tác. Hành vi của du khách ngày nay cũng thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi ngành du lịch phải nắm bắt xu hướng mới liên tục xuất hiện và đáp ứng những trải nghiệm được cá nhân hóa, tiện lợi, an toàn và thông minh.
Từ góc độ quản lý ngành, ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, cần nhận thức rõ du lịch thông minh không còn là một lựa chọn mà là điều kiện tiên quyết để ngành thích nghi và phát triển trong thời đại số. AI không còn là khái niệm xa vời mà ứng dụng này là công cụ hiệu quả trong phân tích từ hành vi du khách, dự báo xu hướng thị trường, chatbot tư vấn thông minh… cho đến tạo lập nội dung cá nhân hóa chiến dịch tiếp thị. Điều này đã tác động tạo nên sự thay đổi rõ rệt trong chuỗi giá trị ngành du lịch.
Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục và công nghệ hàng đầu cả nước, không chỉ đặt mục tiêu phục hồi ngành du lịch hậu COVID-19 mà còn định hướng xây dựng một hệ sinh thái du lịch thông minh, bền vững, tích hợp công nghệ cao. Trong đó, Sở Du lịch Thành phố đã chú trọng ứng dụng AI để mang đến những trải nghiệm khác biệt cho du khách.
Ghi nhận thực tế, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức du lịch trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp du lịch - lữ hành thực hiện nhiều giải pháp chuyển đổi số. Trong đó, nổi bật là Trung tâm điều hành du lịch thông minh; ứng dụng bản đồ tương tác 3D và công nghệ thực tế ảo (VR); nền tảng App Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tích hợp thông tin đa chiều và tính năng cá nhân hóa; số hóa ấn phẩm du lịch qua mã QR, tích hợp quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội đa kênh…
“Những nỗ lực của Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua không chỉ góp phần nâng cao trải nghiệm cho du khách mà còn gia tăng hiệu quả quản lý ngành, tối ưu chi phí truyền thông và quan trọng hơn là thúc đẩy sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, AI sẽ không thể phát huy trọn vẹn nếu thiếu một hệ sinh thái hợp tác đa ngành, nơi chính quyền - doanh nghiệp - nhà khoa học - startup và cộng đồng cùng hành động”, ông Lê Trương Hiền Hòa nhấn mạnh.
Liên quan đến du lịch thông minh, định nghĩa của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) chỉ ra rằng “Du lịch thông minh là việc ứng dụng công nghệ và dữ liệu để nâng cao trải nghiệm du khách, tối ưu hóa quản lý điểm đến và thúc đẩy phát triển bền vững”. Vì vậy, một số chuyên gia nhận định, cần có sự kết nối nguồn lực giữa nhà quản lý - doanh nghiệp - giới công nghệ - học thuật nhằm hình thành một hệ sinh thái du lịch số thông minh, linh hoạt và nhân văn. Trong đó, cơ quan quản lý ngành phải cam kết tiên phong trong chuyển đổi số toàn diện ngành du lịch; trở thành đầu mối xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh liên ngành, bao gồm lưu trú, vận chuyển, văn hóa, y tế, tài chính… Đặc biệt, cơ quan quản lý ngành nên kết nối chặt chẽ cùng doanh nghiệp, cộng đồng và các start-up công nghệ nhằm kiến tạo một ngành du lịch không chỉ phát triển mạnh về doanh thu mà còn hài hòa giữa giá trị kinh tế - văn hóa - xã hội.
* Chuyển đổi số tăng lợi thế cạnh tranh
Theo dự báo, chuyển đổi số trong du lịch sẽ có thể đóng góp tới 305 tỷ USD lợi nhuận vào năm 2025. Chuyển đổi số sẽ cung cấp những ứng dụng và nền tảng công nghệ cần thiết, hỗ trợ tối ưu cho việc tiếp cận du lịch thông minh, tăng doanh thu và lợi nhuận cho ngành du lịch nhưng vẫn đảm bảo phát triển bền vững.
Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Liên minh Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, bản chất của chuyển đổi số là chuyển đổi phương thức sản xuất để tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ số. Đối với hệ sinh thái du lịch có thể kể đến gồm: di chuyển, lưu trú, nghỉ ngơi, tham quan, ăn uống, mua sắm… Cụ thể, chuyển đổi số trong lĩnh vực khách sạn giúp tăng doanh thu thông qua nền tảng tích hợp đa dịch vụ mở rộng nguồn doanh thu từ quảng cáo, thương mại điện tử và dịch vụ giá trị gia tăng. Hơn thế nữa, chuyển đổi số nâng cao trải nghiệm khách hàng, tối ưu hóa quy trình vận hành, quản lý và tiết kiệm chi phí.
Mặt khác, ứng dụng AI vào du lịch bền vững có thể hiểu là kết hợp công nghệ và trách nhiệm để xây dựng tương lai du lịch đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không tổn hại đến nhu cầu của thế hệ tương lai. Trên thực tế, AI đã chứng minh được vai trò trong ngành du lịch như cá nhân hóa trải nghiệp du khách, dự báo hành vi và lượng khách, tối ưu hóa vận hành và tài nguyên…
Thống kê tại Việt Nam, khoảng 74% du khách thích và lựa chọn khách sạn có dịch vụ cá nhân hóa theo sở thích của khách hàng. Khoản doanh thu mới cho khách sạn còn được tạo ra từ không gian thứ ba, biến những khu vực như tiền sảnh, phòng chờ trở thành khu làm việc chung, chăm sóc sức khỏe hay sử dụng không gian để quảng bá sản phẩm... để có thể thu hút cả khách hàng địa phương và khách du lịch muốn trải nghiệm.
Về tín hiệu thị trường, chính sách miễn thị thực có hiệu lực từ ngày 1/3 đến hết ngày 31/12/2025 cho phép khách quốc tế với mục đích du lịch có thể lưu trú tại Việt Nam không cần thị thực tối đa 45 ngày. Điều này đang góp phần mở rộng cơ hội cho du khách châu Âu đến khám phá điểm đến đa dạng của Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Thống kê dựa trên dữ liệu tìm kiếm nơi lưu trú trên nền tảng Agoda vừa mới công bố cho thấy, số lượng tìm kiếm lưu trú tại Việt Nam từ Ba Lan đã tăng vọt lên 306%, Cộng hòa Séc 155% và Thụy Sĩ 68% so với cùng kỳ năm 2024. Du lịch Việt Nam đang nhận được sự quan tâm đáng kể sau khi chính sách miễn thị thực cho công dân đến từ 3 quốc gia này được áp dụng. Những điểm đến được những nước châu Âu này ưa chuộng nhất gồm: Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, đảo Phú Quốc và Nha Trang.
Theo các doanh nghiệp du lịch - lữ hành trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, nếu vượt qua những thách thức như thiếu dữ liệu đồng bộ từ các địa phương, đầu tư công nghệ cao còn hạn chế… thì AI có thể mang lại cơ hội cho Việt Nam trở thành điểm đến thông minh và bền vững. Ngoài ra, AI sẽ giúp Việt Nam tạo ra những lợi thế cạnh tranh mới với du lịch trách nhiệm, trải nghiệm cá nhân hóa… không chỉ tại thị trường nội địa mà có thể tăng sức hút trên thị trường quốc tế và hấp dẫn du khách toàn cầu./.
Mỹ Phương