Thứ sáu, 30/05/2025 - 05:56

Kỳ vọng bứt tốc nguồn cung nhà ở xã hội năm 2025

Với những tín hiệu khả quan thời gian qua, phân khúc nhà ở xã hội được kỳ vọng sẽ cải thiện nguồn cung trong năm 2025 và tăng tốc trong thời gian tới, giúp giấc mơ an cư đến gần hơn với công nhân, người thu nhập thấp.

Kỳ vọng bứt tốc nguồn cung nhà ở xã hội năm 2025

Hoàn thiện thi công một dự án nhà ở xã hội tại Hà Nam. Ảnh: Hải Nguyễn

Nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn

Là một trong những thủ phủ công nghiệp của miền Bắc, nơi tập trung hàng trăm nghìn công nhân, lao động, những năm qua nhu cầu về nhà ở xã hội (NƠXH) tại tỉnh Bắc Ninh luôn rất lớn.

Đến nay, địa phương này thực hiện 54 dự án NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, với tổng diện tích đất khoảng 173ha. Trong đó, đã có 16 dự án NƠXH hoàn thành với hơn 18.000 căn hộ.

Theo ghi nhận của phóng viên Lao Động, tại dự án NƠXH Cát Tường Smart City (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) cứ mỗi đợt mở bán hàng trăm căn hộ, người dân đăng ký mua hết chỉ trong vòng vài ngày. Trong đó, có rất nhiều hộ gia đình, cả hai vợ chồng đều làm việc trong các khu công nghiệp gần đó.

Anh Nguyễn Đăng Minh (SN 2000) làm việc trong KCN Yên Phong cho hay, sau khi được phê duyệt đủ điều kiện mua NƠXH, gia đình anh đã mua căn hộ 70m2 tại dự án. “Tôi chọn mua ở đây vì gần chỗ làm, giá cả phù hợp với thu nhập của công nhân, chất lượng đảm bảo, nhiều tiện ích như công viên, hồ điều hòa, lại được vay vốn lãi suất thấp từ ngân hàng Chính sách”, anh Minh nói.

Ông Phạm Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cát Tường - chủ đầu tư dự án cho biết, dự án có quy mô của dự án là 20ha với 20 khối NƠXH và còn có các công trình hạ tầng xã hội như trường học, nhà y tế, nhà văn hóa, khu thể thao.

“Đến nay, chúng tôi đã khởi công toàn bộ các tòa nhà và dự kiến năm 2025 sẽ hoàn thành 50% số căn hộ, tương đương với 1.000 căn hộ. Đến giữa năm 2026, chúng tôi sẽ hoàn thành 100% dự án với khoảng 2.000 căn hộ để đáp ứng nhu cầu lớn tại khu vực tập trung rất nhiều khu công nghiệp của tỉnh”, ông Phạm Tiến Dũng nói.

Tương tự, tại thị xã Duy Tiên tỉnh Hà Nam, Khu thiết chế Công đoàn tỉnh Hà Nam đi vào hoạt động từ tháng 12 năm 2021. Quy mô gồm 5 tòa nhà với tổng số 244 căn hộ NƠXH và 1 nhà đa năng, cùng đó là khu sân chơi thể thao chung hơn 1.000m2. Đến nay, tỉ lệ lấp đầy các căn hộ NƠXH trong dự án đạt 100%, không còn căn hộ để cho thuê.

Khảo sát thực tế của phóng viên, với mức giá thuê phòng và giá điện nước thấp hơn phòng trọ bên ngoài, việc chuyển vào ở trong khu thiết chế công đoàn giúp gia đình các công nhân tiết kiệm được đáng kể để lo cho tương lai.

“Tại thị xã Duy Tiên có 4 khu công nghiệp lớn, qua khảo sát của Tổng LĐLĐVN trên địa bàn cho thấy nhu cầu thiếu hụt phòng ở cho công nhân trên địa bàn rất lớn. Công nhân, người lao động đều rất mong mỏi sẽ có thêm nhiều khu NƠXH, như khu NƠXH thuộc Khu thiết chế Công đoàn”, ông Vũ Đức Tâm, cán bộ Ban Quản lý dự án thiết chế Công đoàn (Tổng LĐLĐVN) cho biết.

Kỳ vọng tăng tốc nhà ở xã hội

Thực tế số lượng NƠXH không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt là đối với công nhân và người lao động (NLĐ).

Theo Bộ Xây dựng, từ năm 2021 đến nay, cả nước có 655 dự án NƠXH được triển khai, hoàn thành 103 dự án. Tuy nhiên, số căn hộ đến nay mới đạt 15,6%, mục tiêu của Đề án phát triển NƠXH đến năm 2025.

Cuối tháng 2 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao chỉ tiêu xây dựng NƠXH cụ thể cho từng địa phương. Đầu tháng 3, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị toàn quốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển NƠXH. Ngày 20.5, Chính phủ đã trình Quốc hội Nghị quyết một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển NƠXH.

Trong đó, có một số ưu đãi nổi bật cho các chủ đầu tư tham gia xây dựng NƠXH. Đầu tiên, chủ đầu tư sẽ được nâng mức lợi nhuận từ 10% hiện nay, lên mức tối đa là 13%. Thứ hai, đề xuất giao chủ đầu tư dự án NƠXH không thông qua đấu thầu, mà dựa trên sự phân công của cơ quan có thẩm quyền. Tức là sẽ giảm được khâu đấu thầu chọn chủ đầu tư, thường phải mất từ 6-12 tháng.

Thứ 3 là xây dựng Quỹ nhà ở xã hội Quốc gia để thực hiện chức năng đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ NƠXH, nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ thuê mua, thuê.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Lê Văn Nghĩa - Trưởng Ban Quản lý dự án thiết chế Công đoàn (Tổng LĐLĐVN) - cho biết, Nghị quyết chính sách đặc thù về NƠXH được xây dựng rất kịp thời, nếu được thông qua sẽ góp phần gỡ nút thắt phát triển NƠXH thời gian qua.

“Riêng việc đấu thầu dự kiến giảm bớt được 6 tháng sẽ giúp các dự án NƠXH được triển khai nhanh hơn, từ đó giúp tăng nguồn cung NƠXH đối với công nhân, NLĐ nói riêng và cả xã hội nói chung”, ông Lê Văn Nghĩa nói.

Trưởng Ban Quản lý dự án thiết chế Công đoàn cho biết thêm, để đáp ứng nhu cầu về NƠXH ngày càng cao của công nhân, NLĐ, cuối tháng 7.2025, Tổng LĐLĐVN sẽ khởi công dự án NƠXH cho công nhân và NLĐ thuê bằng nguồn tài chính công đoàn tại Tiền Giang. Quy mô dự án tại Tiền Giang là 512 căn hộ NƠXH, tổng mức đầu tư khoảng 400 tỉ đồng. Các khu thiết chế Công đoàn tại Bến Tre, Bắc Ninh và Bắc Giang cũng đang trong quá trình triển khai. Các dự án đã lập báo cáo nghiên cứu khả thi và đang trình UBND cấp tỉnh. Việc khởi công được kỳ vọng diễn ra vào tháng 12 năm nay.

Quỹ nhà ở Quốc gia - kinh nghiệm từ Quốc tế

TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV: Về Tài chính hóa chính sách nhà ở thông qua Quỹ Nhà ở và Đô thị Quốc gia. Năm 1981, Hàn Quốc thành lập Quỹ Nhà ở Quốc gia (NHF), đến năm 2015 đổi tên thành Quỹ Nhà ở và Đô thị Quốc gia (NHUF). Đây là công cụ tài chính quan trọng nhằm hỗ trợ thị trường nhà ở giá rẻ, cung cấp vốn cho các doanh nghiệp và tổ chức triển khai dự án nhà ở tại quốc gia này.

Quỹ hoạt động trên nguyên tắc có thu - có chi, không vì lợi nhuận, nhưng đảm bảo hoàn vốn và bù đắp chi phí. Các chủ thể tham gia chính bao gồm Chính phủ: Quản lý và góp vốn cho Quỹ thông qua ngân sách. Doanh nghiệp bất động sản (BĐS): Vừa được hưởng ưu đãi khi xây dựng nhà ở giá rẻ, vừa góp vốn qua việc mua trái phiếu nhà ở. Tổ chức tài chính: Trung gian giữa chính sách và người dân, tham gia mua trái phiếu, góp vốn thành lập công ty bảo lãnh. Người dân: Vừa được vay ưu đãi, vừa có thể góp vốn cho Quỹ qua trái phiếu hoặc tiết kiệm nhà ở. Nguồn vốn hoạt động bao gồm Ngân sách nhà nước: 20%; Trái phiếu và tiết kiệm: 36%; Hoạt động kinh doanh: 21%; Thặng dư của Quỹ: 33% Phương thức hỗ trợ Doanh nghiệp là Cho vay ưu đãi, bảo lãnh tín dụng.

Người dân được hỗ trợ vay mua nhà lãi suất thấp, cố định dài hạn, nhiều trường hợp thấp hơn lãi suất cơ bản của Ngân hàng Trung ương. Dự án đô thị được hỗ trợ cải tạo nhà ở, xây dựng hạ tầng phục vụ nhóm dễ bị tổn thương. Singapore: Quỹ Tiết kiệm Trung ương (CPF) kết nối an sinh và nhà ở Từ năm 1995, Singapore sử dụng Quỹ Tiết kiệm Trung ương (CPF) - vốn tương đương Bảo hiểm Xã hội Việt Nam - để hỗ trợ người dân mua nhà. Cơ chế vận hành bao gồm: Người lao động đóng góp 20% lương vào CPF, Người sử dụng lao động đóng 17%, Người dân được sử dụng tài khoản CPF để mua nhà từ Hội đồng Phát triển Nhà ở (HDB) với các ưu đãi. CPF cũng mua trái phiếu Chính phủ với lãi suất 2,5%/năm - gián tiếp cấp vốn cho các chương trình nhà ở của Nhà nước.

Lan Hương

Nghị quyết sớm được thông qua và được triển khai vào thực tiễn

Là chủ đầu tư có hơn 10 năm triển khai xây dựng các dự án nhà ở xã hội, ông Phạm Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cát Tường kỳ vọng Nghị quyết sớm được thông qua và được triển khai vào thực tiễn.

“Nếu các thủ tục trở nên nhanh gọn và thuận lợi, doanh nghiệp làm dự án chỉ trong 1 năm sẽ vừa giúp giảm rất nhiều chi phí, vừa đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, sớm đưa sản phẩm ra thị trường, giúp giảm giá thành mỗi căn hộ. NLĐ, công nhân, người thu nhập thấp là người được hưởng lợi khi giá NƠXH giảm”, ông Phạm Tiến Dũng nói.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định, với những tín hiệu khả quan thời gian qua, phân khúc NƠXH được kỳ vọng sẽ cải thiện nguồn cung trong năm 2025 và tăng tốc trong thời gian tới, giúp giấc mơ an cư đến gần hơn với công nhân, người thu nhập thấp.

Để góp phần truyền tải thông điệp của Chính phủ về tập trung đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, ngày 28.5, Báo Lao Động tổ chức Hội thảo “Giải pháp tăng tốc làm nhà ở xã hội”. Đây là diễn đàn để các cơ quan quản lý, chuyên gia và người lao động cùng thảo luận các giải pháp cụ thể, khả thi, có thể triển khai ngay trong thời gian tới, nhằm tăng tốc hoàn thành mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội trên cả nước.

 

Lượt xem: 5
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật