“Thắp sáng đường quê” vùng duyên hải Trung Bộ
Các công trình “Thắp sáng đường quê” đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Mới đây, các đơn vị phối hợp đã tổ chức khánh thành và bàn giao các công trình tại Đà Nẵng, Khánh Hoà, Bình Định.
Đây là chuỗi hoạt động thực hiện chương trình phối hợp giữa Trung ương Đoàn và Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) giai đoạn 2022-2024; Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện trong chung tay xây dựng nông thôn mới; Mừng Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp.
Ngày 24/11, Trung ương Đoàn, Ban Thường vụ Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức khánh thành và bàn giao công trình thanh niên “Thắp sáng đường quê” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tại xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang. Đây là địa phương phấn đấu xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu.
Công trình "Thắp sáng đường quê" được khánh thành tại thành phố Đà Nẵng |
Xã Hòa Phước triển khai xây dựng Nông thôn mới từ năm 2011 và về đích trong năm 2014. Từ đó đến nay, đời sống người dân thay đổi rõ rệt, cơ sở hạ tầng khang trang hơn. Không khó để bắt gặp tại xã Hòa Phước đường làng khang trang, sạch đẹp và rợp bóng cây xanh, nhiều tuyến đường bê tông bằng phẳng, rộng rãi song hành những chiếc cổng làng vững chãi với kinh phí xây dựng hàng trăm triệu đồng do nhân dân đóng góp... Đó là diện mạo đổi thay từng ngày của xã Hòa Phước hôm nay, minh chứng về sự đồng thuận trong quá trình xây dựng và nâng chuẩn nông thôn mới.
Công trình gồm 35 trụ đèn năng lượng mặt trời được lắp đặt trên tuyến đường có chiều dài 1km tại thôn Cồn Mong, xã Hòa Phước. Công trình do Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn tài trợ với kinh phí 125 triệu đồng. Sau khi bàn giao, Đoàn Thanh niên xã Hòa Phước vận động đoàn viên, thanh niên trồng cây, hoa tạo cảnh quan, xây dựng mô hình tự quản vệ sinh môi trường và giữ gìn an ninh trật tự tại khu dân cư.
"Thắp sáng đường quê" ở tỉnh Khánh Hoà |
Công trình "Thắp sáng đường quê" bằng năng lượng xanh tại xã Thành Sơn, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hoà cũng vừa được Trung ương Đoàn, Tỉnh đoàn Khánh Hoà, Công ty CP TM Bia Sài Gòn Nam Trung Bộ tổ chức lễ khánh.
Công trình thanh niên “Thắp sáng đường quê” bằng năng lượng xanh này được thực hiện tại thôn Apa 2 với chiều dài 1,2km, có 35 bóng đèn năng lượng mặt trời với trị giá 125 triệu đồng do Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn tài trợ.
Khánh Sơn được biết đến là một huyện miền núi vùng cao nằm ở phía Tây của tỉnh Khánh Hòa, ở độ cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển. Huyện có 7 xã, trong đó Thành Sơn là một trong 2 xã nghèo nhất của huyện. Công trình sau khi được khánh thành, bàn giao, cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở giữ gìn, bảo quản, thường xuyên tu bổ để công trình được sử dụng lâu dài, góp phần chung tay xây dựng huyện Khánh Sơn ngày thêm giàu đẹp, văn minh.
"Thắp sáng đường quê" ở Bình Định |
Trung ương Đoàn, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Ban Thư ký Hội LHTN Việt Nam tỉnh Bình Định đã tổ chức Lễ khánh thành và bàn giao công trình "Thắp sáng đường quê" tại làng Canh Tiến, xã Canh Liên, Huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định.
Công trình do Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước Giải khát Sài Gòn hỗ trợ với kinh phí 125 triệu đồng và kinh phí đối ứng, nhân công từ cơ sở. Ngay sau buổi lễ khánh thành, các đại biểu và bạn trẻ tỉnh Bình Định đã tham gia trồng cây xanh dọc tuyến đường triển khai công trình.
Canh Liên là xã vùng cao, vùng xa của huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nơi đây là vùng căn cứ địa cách mạng. Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Canh Liên đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nơi đây có 5 dân tộc anh em: Bana, Tày, Thái, Chăm và người Kinh sinh sống.
Trước đây, muốn lên được xã Canh Liên, người dân và cán bộ phải đi từ trung tâm của huyện, băng rừng vượt gần 30 cây số đường núi, một bên là vách núi còn một bên là vực sâu, để vượt qua “cổng trời” cao lồng lộng như một bức tường ngăn cách giữa miền xuôi và miền ngược. Các phương tiện hồi ấy đi lại chủ yếu là đi bộ và đi xe ô tô U-oát hoặc xe thồ.
Những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, như của Trung ương, tỉnh, huyện Vân Canh đã lồng ghép xây dựng tuyến đường bê tông xi măng từ thị trấn Vân Canh lên xã vùng cao Canh Liên và từ xã đi về 7/8 làng đã có đường bê tông xi măng nối liền giữa các làng lại với nhau; Tạo thuận lợi cho bà con dân tộc Ba Na đi lại thông thương với nhau, vận chuyển hàng hóa nông, lâm, thổ sản làm ra mang về xã hoặc huyện Vân Canh để trao đổi hàng hóa.
Canh Liên có 788 hộ tương ứng 2.756 nhân khẩu. Với việc khánh thành tuyến đường “Thắp sáng đường quê” trên quê hương, người dân ở đây có điều kiện tốt hơn cho công việc cũng như đảm bảo an ninh trật tự nơi “cổng trời”. Điều này cũng thể hiện rõ vai trò của tuổi trẻ trong chung tay xây dựng Nông thôn mới thôn bản, đặc biệt tại những nơi còn nhiều khó khăn.