Thứ bảy, 23/11/2024 - 06:11

Báo chí trong cuộc chiến chống thực phẩm “bẩn”

Vấn đề an toàn thực phẩm luôn thu hút được sự quan tâm của dư luận và cũng là một trong các chủ đề được nhiều cơ quan báo chí chú trọng khai thác. Trong thời gian vừa qua, báo chí đã tích cực thông tin tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về an toàn thực phẩm (ATTP).

Nói không với thực phẩm không đảm bảo an toàn

ATTP có tầm quan trọng sống còn đối với sức khỏe, hạnh phúc của người dân, giống nòi dân tộc, sự phát triển đất nước. Do đó, đây cũng là vấn đề luôn được Chính phủ, cộng đồng xã hội đặc biệt quan tâm và cũng là một trong các chủ đề được nhiều cơ quan báo chí chú trọng khai thác.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương đến đời sống, chăm sóc sức khỏe, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường... góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người trong việc chăm sóc sức khỏe; Tuổi thọ của người dân được nâng cao dần.

Tuy nhiên, người dân vẫn còn nhiều băn khoăn, lo ngại thực phẩm không an toàn bởi rất khó nhận biết được đâu là thực phẩm an toàn, vệ sinh, đâu là thực phẩm chứa chất cấm... Chính vì thực phẩm không an toàn mà nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tập thể đã xảy ra gây nhức nhối trong dư luận.

Báo chí trong cuộc chiến chống thực phẩm “bẩn”

Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội và đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP của Cục ATTP (Bộ Y tế), Sở Y tế Hà Nội và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiểm tra công tác đảm bảo ATTP phục vụ đại biểu Quốc hội

Nắm bắt được sự quan tâm của độc giả, nhiều cơ quan quản lý Nhà nước cũng quan tâm đặc biệt đến công tác tuyên truyền; Nâng cao hơn nữa vai trò của báo chí, truyền thông trong việc định hướng thông tin một cách khoa học, có trách nhiệm tới cộng đồng về các vấn đề sức khỏe.

Nhiều bài viết phỏng vấn các chuyên gia trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm và những đơn vị phát triển sản phẩm thực phẩm nhằm chia sẻ thông tin, trao đổi các góc nhìn chuyên môn về ATTP.

Không chỉ duy trì đều đặt các bài viết về chủ đề này, nhiều cơ quan báo chí mở chuyên trang, chuyên mục, có nhiều loạt bài; Thậm chí tổ chức các cuộc giao lưu, tọa đàm chuyên gia ATTP với độc giả nhằm giải đáp những thắc mắc của người dân xung quanh vấn đề ATTP.

Qua những tác phẩm báo chí chuyên sâu đó đã góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP; Đồng thời, tuyên tuyền nâng cao nhận thức của người dân về kiến thức vệ sinh ATTP.

Những năm vừa qua, cùng với sự phối hợp Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (thuộc Sở Y tế), báo Tuổi trẻ Thủ đô đã mở chuyên mục “Chung tay vì An toàn thực phẩm” với số lượng trên 300 tin, bài mỗi năm. Nhiều bài viết đạt lượng view cao, thu hút sự quan tâm của độc giả và bước đầu đã nhận được những phản hồi tích cực.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cũng cung cấp tài liệu phối hợp cùng báo Tuổi trẻ Thủ đô xây dựng các clip, longform, eMgazine lồng ghép tuyên truyền những thông điệp truyền thông đảm bảo ATTP vào các dịp cao điểm như Tết, Tháng hành động vì ATTP...

Thực tế, từ những phản hồi của bạn đọc cũng chỉ ra rằng, công chúng có nhu cầu cao đối với thông tin về ATTP, cách thức để lựa chọn thực phẩm an toàn.

Các bài viết hướng đến mục tiêu tuyên truyền, vận động Nhân dân trong việc đảm bảo vệ sinh ATTP... đã làm cho người dân hiểu được thế nào là thực phẩm an toàn, thực phẩm đảm bảo vệ sinh và những hệ lụy của việc sử dụng thực phẩm không an toàn. Từ đó, người dân hiểu, biết chọn lựa thực phẩm sử dụng hàng ngày cho mỗi bữa ăn nhằm hạn chế xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Trong đó, nhiều bài báo tuyên truyền đã “mạnh tay” công bố tên các nhà sản xuất thực phẩm “bẩn” để xảy ra những vi phạm trong các cuộc thanh kiểm tra của lực lượng chức năng để người tiêu dùng không sử dụng; Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền những mô hình tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để nhân rộng trên toàn thành phố.

Báo chí trong cuộc chiến chống thực phẩm “bẩn”

Lễ kết nghĩa giữa Chi đoàn Thanh niên Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội với Chi đoàn Thanh niên báo Tuổi trẻ Thủ đô

Nhằm góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân trong đó có đoàn viên, thanh niên - những công dân gương mẫu, tiên phong trong việc xây dựng thói quen sử dụng thực phẩm an toàn, vệ sinh, tháng 11/2022, báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, Đoàn Thanh niên quận Hoàn Kiếm tổ chức hội thảo “Thanh niên nói không với thực phẩm bẩn”.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Chuyên môn nghiệp vụ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, cho biết: “Khi làm công tác tuyên truyền, chúng tôi có câu “bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra”. Việc ăn uống không đảm bảo vệ sinh chắc chắn ảnh hưởng đến sức khỏe của mỗi người. Do đó, chúng tôi luôn khuyến cáo với người tiêu dùng: Phải tìm hiểu kiến thức về ATTP, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn”.

Báo chí trong cuộc chiến chống thực phẩm “bẩn”

Bà Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Chuyên môn nghiệp vụ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại các chợ và siêu thị

Thông qua công tác tuyên truyền, báo Tuổi trẻ Thủ đô đã vận động đoàn viên, thanh niên nâng cao nhận thức, trách nhiệm của bản thân về đảm bảo ATTP trong tình hình mới. Lực lượng đoàn viên, thanh niên cũng tích cực phối hợp kiểm tra, giám sát, chủ động phát hiện và thông báo cho các cơ quan chức năng xử lý kịp thời tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo vệ sinh ATTP.

Trong Tháng hành động vì ATTP năm 2023, công tác truyền thông về ATTP của thành phố cũng được đẩy mạnh, đổi mới, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng như Đài PT&TH Hà Nội, báo Tuổi trẻ Thủ đô, báo Kinh tế & Đô thị, báo HàNộimới và trên website của ngành.

Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong kiểm tra công tác ATTP tại bếp ăn tập thể trường học

Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong kiểm tra công tác ATTP trong Tháng hành động vì ATTP năm 2023

Đánh giá về công tác tuyên truyền trong Tháng hành động vì ATTP năm 2023, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, thực hiện Tháng hành động vì ATTP năm 2023, Hà Nội chủ động và đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, thông tin kịp thời về thực trạng ATTP, khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, công khai cơ sở vi phạm trên phương tiện truyền thông đại chúng.

Trong thời gian tới, bên cạnh các hoạt động tuyên truyền về vệ sinh ATTP, Hà Nội tiếp tục tăng cường công tác thanh, kiểm tra định kỳ, đột xuất, hậu kiểm, kiểm nghiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP, kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Đấu tranh với những luồng thông tin sai về ATTP

Hiện nay, nhiều nguồn thông tin xuất hiện trên mạng xã hội đang bị “nhiễu”; Nhiều tin giả, tin độc gây hoang mang cho dư luận. Cụ thể, trên mạng xã hội liên tục xuất hiện nhiều thông tin thất thiệt liên quan về vấn đề ATTP như đỉa trong bánh, đỉa trong sữa, sinh vật lạ trong gói mì tôm… đã tạo ra tâm lý e ngại trong dân.

Bên cạnh đó, những thông tin này thường tập trung theo hướng phản ánh các thông điệp mang tính tiêu cực, thay vì đưa ra những bằng chứng khoa học giúp người tiêu dùng bảo vệ bản thân và gia đình, phòng tránh những thực phẩm không an toàn.

Báo chí trong cuộc chiến chống thực phẩm “bẩn”

Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương và Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong nhắc nhở các nhân viên đảm bảo ATTP bếp ăn tập thể

Ngoài việc doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi những tin đồn vô lý, chính người tiêu dùng cũng là nạn nhân, bởi vô hình trung, họ có thể bị tước đi quyền được chọn lựa và tin tưởng những sản phẩm tốt.

Chính vì vậy, người dân rất mong mỏi những bài viết về ATTP có sự phối hợp, kết nối các chuyên gia của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội và các cơ quan truyền thông, báo chí, nhằm hỗ trợ và thúc đẩy công tác truyền thông hiệu quả hơn; Đáp ứng được những nhu cầu thông tin của công chúng, đẩy lùi những thông tin “xấu, độc”, thiếu chính xác…

Báo chí trong cuộc chiến chống thực phẩm “bẩn”

Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong kiểm tra công tác ATTP tại bếp ăn tập thể trường học

Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: “Báo chí đã và đang đóng vai trò lớn trong việc tuyên truyền phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề ATTP; Giúp công chúng ngày càng ý thức hơn vai trò của việc sử dụng các sản phẩm nông nghiệp đầu vào; Nâng cao giá trị dinh dưỡng cũng như đảm bảo tính an toàn. Các chủ đề liên quan đến ATTP luôn được được công chúng báo chí đón nhận và quan tâm đặc biệt. Tác động quan trọng của báo chí trong việc tuyên truyền, phổ biến thông tin về vấn đề ATTP là điều rất dễ nhận thấy.

Tuy nhiên, theo nhà báo Hồ Quang Lợi, hiện nay vẫn còn tình trạng thông tin về an toàn thực phẩm thiếu chính xác hoặc chưa được kiểm chứng, thiếu căn cứ khoa học, thậm chí thông tin phục vụ mục đích không trong sáng, mục đích vụ lợi. Nhiều vấn đề liên quan đến ATTP đã bị cường điệu hóa, bị giải thích sai lệch, bịa đặt, giả mạo, gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, gây hoang mang trong xã hội.

“Điều đó cho thấy trách nhiệm to lớn của báo chí trong việc thông tin chính xác, khoa học; Đồng thời nhận diện và phản bác những thông tin xấu độc, tin nhiễu, tin giả trong vấn đề an toàn thực phẩm, giúp người dân có kiến thức để lựa chọn thực phẩm tiêu dùng, tự chăm lo cho sức khỏe”, nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.

Do đó, để hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm gây ra, Hà Nội cần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về ATTP; Nâng cao ý thức cho người sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, nhà hàng, ăn uống, siêu thị…

Ngoài ra, thành phố cũng cần tiếp tục triển khai các chương trình, dự án, mô hình điểm về an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển các vùng rau an toàn, quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, quản lý chợ, siêu thị; Các chương trình, đề án, dự án, mô hình điểm, chuyên đề về an toàn, vệ sinh thực phẩm đã được phê duyệt, thông tin rộng rãi để nhân rộng.

Đặc biệt, việc kiểm soát ATTP phải được làm từ gốc, kịp thời xử lý những trường hợp vi phạm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Công tác tuyên truyền hướng tới mục tiêu mỗi hộ gia đình, người dân thay đổi nhận thức, phối hợp và thực hiện tốt theo khuyến cáo của ngành Y tế; Chọn lựa, mua bán, bảo quản thực phẩm an toàn và bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ, cân đối, hợp lý trong các bữa ăn gia đình.

Lượt xem: 21
Tác giả: Phương Thu - ảnh: Phạm Mạnh
Nguồn:tuoitrethudo.com.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật