Thứ năm, 19/09/2024 - 08:16

Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế sắp rời điện Long An sau 100 năm

UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã quyết định di dời Bảo tàng Cổ vật cung đình từ điện Long An hiện tại đến một địa điểm mới. Vậy là Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế sẽ rời khỏi điện Long An trong Hoàng thành Huế sau tròn 100 năm tồn tại.

Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế sắp rời điện Long An  sau 100 năm

Ngai vàng triều Nguyễn - một trong những cổ vật quý hiếm đang trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Ảnh: Tường Minh

Không còn đáp ứng nhu cầu

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hiện lưu giữ, trưng bày hơn 11.000 hiện vật liên quan đến văn hóa Huế và văn hóa Cung đình Huế. Hầu hết các cổ vật do bảo tàng trực tiếp quản lý đều là những cổ vật gốc, có giá trị cao cả về văn hóa, mĩ thuật, lịch sử, tôn giáo... lẫn giá trị về mặt kinh tế, trong đó có nhiều cổ vật đã được công nhận là Bảo vật quốc gia với những giá trị không thể đo đếm hoặc so sánh.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cơ sở vật chất hiện nay của Bảo tàng chưa đáp ứng được yêu cầu công việc trong giai đoạn hiện nay. Cụ thể, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế được thành lập vào năm 1923 và sử dụng ngôi điện Long An làm nơi trưng bày chính của Bảo tàng và một nhà kho được tái sử dụng từ một công trình khác đưa về. Đến nay, sau 100 năm, nhà trưng bày chính của Bảo tàng hiện nay vẫn là điện Long An và nơi cất hiện vật vẫn là cái nhà kho cũ thuở trước.

Về chức năng, điện Long An được xây dựng không phải để làm nơi trưng bày hiện vật nên cách thiết kế và xây dựng không phù hợp, thậm chí hệ thống cửa kính của công trình khiến công tác trưng bày không chủ động được về cường độ ánh sáng, hệ thống cột gỗ ở nội thất cũng làm ảnh hưởng đến hiệu quả trưng bày.

Đồng thời, diện tích của điện Long An với những đặc trưng của một công trình kiến trúc cung đình Huế không đáp ứng được nhu cầu về việc mở rộng không gian trưng bày và tăng cường các nội dung giới thiệu một cách chuyên sâu về văn hóa cung đình Huế với đầy đủ thông tin về sự hình thành, phát triển của các giai đoạn chúa Nguyễn và triều đại nhà Nguyễn cùng những thành tựu trong nhiều lĩnh vực: Văn hóa, ngoại giao, quân sự, bảo vệ chủ quyền biển đảo...

Hơn nữa, do điều kiện trưng bày ở các điểm di tích và tại điện Long An chưa đảm bảo môi trường ổn định, an toàn cho hiện vật nên số lượng hiện vật đang trưng bày còn hạn chế, chỉ hơn 400 hiện vật trong tổng số hơn 11.000 hiện vật được đưa ra trưng bày, còn lại được cất giữ trong kho. Hệ thống kho cất giữ hiện vật hiện nay không đảm bảo yêu cầu kĩ thuật nghiệp vụ của bảo tàng, không gian quá chật hẹp, nhiều hiện vật phải để chồng lên nhau, việc đảm bảo các điều kiện phù hợp về không gian, độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng... đối với từng loại chất liệu khá khó khăn; đặc biệt là thiếu không gian để xử lí, bảo quản hiện vật về lâu dài.

Yêu cầu cấp bách

Theo ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế - với tốc độ phát triển của khoa học công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực văn hóa như hiện nay, Huế cần có một bảo tàng mới với đầy đủ các điều kiện về an ninh, an toàn cho kho hiện vật, các điều kiện về trưng bày triển lãm cũng như công tác bảo quản, phục chế phục hồi hiện vật... để phát huy hiệu quả hơn giá trị di sản cổ vật của Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế xứng tầm với bề dày lịch sử, văn hóa gắn với hệ thống các di tích cố đô Huế”.

Mới đây, tại cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế đã kiến nghị với Thủ tướng về việc đầu tư xây mới một bảo tàng để di dời Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế ở điện Long An trong Hoàng thành Huế hiện nay đến một địa điểm khác. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý và giao UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp với Bộ VHTTDL lập dự án đầu tư xây dựng bảo tàng và xác định vị trí phù hợp; việc trưng bày, giới thiệu cổ vật Cung đình Huế cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, phải khoa học, hiện đại...

Dự kiến bảo tàng mới sẽ được xây dựng tại khuôn viên số 3 Lê Trực, thuộc phường Đông Ba, thành phố Huế tại khu đất đang giải tỏa các hộ dân với diện tích gần 3.000 m2 trong tổng thể khuôn viên hơn 14.000 m2 được bao quanh bởi 4 trục đường: Lê Trực, Đoàn Thị Điểm, Đinh Công Tráng và Đinh Tiên Hoàng. Bảo tàng sẽ được xây dựng với quy mô hơn 5.000 m2 gồm 1 tầng ngầm và 2 tầng nổi. Giải pháp kiến trúc công trình hài hòa với kiến trúc truyền thống và ứng dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại, tạo không gian phù hợp cho việc trưng bày quy mô lớn và các hoạt động bổ trợ, giáo dục di sản và truyền thông đảm bảo tính bền vững lâu dài của công trình. Dự kiến tổng mức đầu tư trên 500 tỉ đồng.

Tin liên quan