Chủ nhật, 05/01/2025 - 01:18

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: 8 giải pháp giúp nông dân làm giàu

Sáng ngày 31/12, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nêu ra 8 giải pháp nhằm thúc đẩy tiêu thụ, mở rộng thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp của nông dân.

Sáng 31/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 với chủ đề: "Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới".

Tiềm năng, dư địa lớn cho sản phẩm nông nghiệp vươn xa

Tại hội nghị này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Năm 2024 dự kiến chúng ta xuất khẩu được 62,5 tỷ USD trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, chiếm khoảng 15% trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. "Tuy chỉ có 15% nhưng lại phần lớn “vào túi” của người dân, vào nền kinh tế; 85% còn lại là lĩnh vực công nghiệp thì nguyên liệu đầu vào cũng là câu chuyện mà chúng ta phải tính tiếp", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: 8 giải pháp giúp nông dân làm giàu
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu nhiều giải pháp để giúp nông dân làm giàu

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ, hiện chúng ta có tới 20 hiệp định thương mại tự do đã được ký kết với các nước, đã có 17 hiệp định đi vào thực thi, 3 hiệp định đang đàm phán. Nếu thực hiện cả 20 hiệp định này, Việt Nam sẽ sở hữu thị trường hàng hóa lên tới 6 tỷ người tiêu dùng. "Như thế có nghĩa là các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của chúng ta không thấm tháp gì so với thị trường, nhất là ưu thế của các sản phẩm vùng nhiệt đới. Tôi tin rằng tiềm năng và dư địa còn rất lớn, làm sao khai thác được tiềm năng này?”- Bộ trưởng phân tích.

8 giải pháp giúp nông dân làm giàu

Làm sao để khai thác được cái này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đặt câu hỏi và cho rằng, đầu tiên phải là quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi và áp dụng công nghệ mới trong quá trình sản xuất, hay nói cách khác là áp dụng công nghệ trong các khâu của quá trình sản xuất, để làm sao tạo ra được sản phẩm có khối lượng lớn, có chất lượng ổn định và phù hợp với nhu cầu của thị trường; đây là vấn đề quan trọng nhất. "Việc này không ai khác phải là cấp ủy chính quyền địa phương. Tổ đội sản xuất sẽ chỉ đạo sản xuất, hợp tác xã chỉ làm dịch vụ. Nếu không có vai trò chỉ đạo, bàn tay của chính quyền địa phương thì quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi, tổ chức sản xuất áp dụng công nghệ sẽ vô cùng khó khăn"- Bộ trưởng chia sẻ.

Việc thứ hai cần làm, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, là phải tổ chức, hình thành được các chuỗi liên kết trong sản xuất, từ sản xuất cho đến thu hoạch, bảo quản, tiêu thụ, nòng cốt là doanh nghiệp. Chỉ doanh nghiệp mới có thể chuyển sản xuất từ nông nghiệp thuần túy sang nông nghiệp hàng hóa hay sang kinh tế nông nghiệp.

Thứ ba là hỗ trợ để tiếp cận thị trường. Chúng ta xác định thị trường 100 triệu dân cũng là thị trường lớn, làm sao sản phẩm nông, lâm, thủy sản của chúng ta chứng minh được với người tiêu dùng Việt Nam là đảm bảo chất lượng. Chiến lược chiếm lĩnh thị trường trong nước mang tính phổ biến, vùng miền là quan trọng nhất.

Chúng ta phải có chiến lược tiếp cận thị trường. Mỗi thị trường có 1 đặc tính riêng. Mỗi thị trường có 1 yêu cầu riêng. Bộ Công Thương có các thương vụ ở nước ngoài, sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân sản xuất; hỗ trợ các địa phương giao ban hàng tháng vào ngày 29, 30 để cung cấp đầy đủ thông tin thị trường, những đặc tính, nhu cầu cần thiết để đáp ứng thị trường. Phải tiếp cận theo hướng cung ứng nhu cầu mà thị trường cần chứ không phải những thứ ta có.

Thứ tư là hỗ trợ xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ thương mại và thông qua quảng bá bán hàng trên môi trường điện tử; tổ chức các ngày hội mua hàng... Bộ Công Thương đang tổ chức định kỳ 1 quý/lần đưa người mua hàng khắp nơi trên thế giới về vùng quê như: Cần Thơ, An Giang… không chỉ 1 địa phương mà nhiều địa phương có thể giới thiệu sản phẩm đặc trưng của mình, từ đó để khai thác các tiềm năng, lợi thế.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: 8 giải pháp giúp nông dân làm giàu
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024 được tổ chức dưới hình thức trực tuyến và trực tiếp

Thứ năm, hỗ trợ phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương hiện đang có hệ thống gồm hơn 60 cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân trong việc gỡ khó trong các vụ kiện thương mại. Bộ Công Thương sẵn sàng hỗ trợ tốt vấn đề này.

Thứ sáu là hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận với các hiệp định thương mại tự do. Bộ Công Thương đã xây dựng những sổ tay, kỷ yếu hướng dẫn khai thác về các hiệp định thương mại này. Trên các chương trình hàng tuần giới thiệu quảng bá thương hiệu quốc gia, dữ liệu quốc gia cũng khuyến khích hỗ trợ các khu vực nông nghiệp. Hiện nay 40% xúc tiến thương mại dành cho vùng sản xuất nông nghiệp. Sắp tới, chúng ta phấn đấu nâng tỷ trọng này lên để làm sao hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp trong vùng nông nghiệp, nông thôn vươn ra thế giới.

Thứ bảy là khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung. Nếu không có cơ sở dùng chung thì chúng ta không áp dụng được công nghệ AI…

Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kiến nghị các địa phương, có hình thức kết hợp sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sinh thái với du lịch; gắn du lịch với thương mại; gắn du lịch thương mại với xuất khẩu. Bộ Công Thương nhận thấy qua thực tiễn, tất cả các vấn đề nêu trên cần sự vào cuộc không chỉ của Chính phủ, các bộ, ngành, mà rất cần tất cả các địa phương, vì trong chỉ đạo, điều hành không có vai trò cấp ủy chính quyền địa phương thì không làm được.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng nhấn mạnh lại, hiện nay hợp tác xã chỉ làm dịch vụ chứ không chỉ đạo, điều hành sản xuất. Mà chỉ đạo sản xuất phải là cấp ủy, chính quyền địa phương. Nếu kết hợp tốt bộ ngành, địa phương dưới sự chỉ đạo của Chính phủ thì sẽ mang lại hiệu quả cao.

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 với chủ đề: "Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới".

Hội nghị do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Tại điểm cầu trụ sở Chính phủ, có 300 đại biểu tham dự dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Tham dự hội nghị, còn có các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban...

Tại điểm cầu ở trụ sở UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương; đại diện các nông dân tiêu biểu với dự kiến khoảng 4.000 đại biểu.

 

 
Lượt xem: 9
Tác giả: Thái Bình
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật