Bước chuyển biến rõ nét trong công tác phối hợp, thực hiện nhiệm vụ chung
Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội vừa ký kết Quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2021-2026. Đây là sự chủ động, kịp thời và cần thiết nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan; Đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn khi triển khai thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị và xây dựng, phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại.
Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã thực hiện việc ký kết chương trình, quy chế phối hợp công tác |
Đảm bảo thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ chung
Trong một số nhiệm kỳ trước đây, Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã thực hiện việc ký kết chương trình, quy chế phối hợp công tác. Báo cáo đánh giá qua mỗi giai đoạn cho thấy, việc phối hợp đã được thực hiện chặt chẽ, kịp thời trong quá trình triển khai các hoạt động chung theo chức năng, nhiệm vụ.
Một trong những kết quả nổi bật trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, đó là việc xây dựng quy phạm pháp luật. Đây là nhiệm vụ quan trọng, có tính chất thường xuyên, nhằm đảm bảo các Nghị quyết được ban hành đúng, trúng yêu cầu thực tiễn.
Theo đó, các cơ quan liên quan đã phối hợp thực hiện tốt công tác chuẩn bị dự thảo xây dựng nghị quyết; Tổ chức việc đánh giá tác động chính sách; Xin ý kiến của các cơ quan, đơn vị, đối tượng chịu tác động và thực hiện công tác thẩm định, thẩm tra, xem xét thông qua nghị quyết một cách bài bản, chất lượng, đúng quy trình, quy định.
Trong đó, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP đã tham mưu, đề xuất, bám sát tiến độ, quá trình xây dựng Luật, pháp lệnh, Nghị quyết, Nghị định, Thông tư của Trung ương; Các nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy, Ban chấp Đảng bộ TP và nhất là tình hình thực tế để chủ động tham mưu việc ban hành Nghị quyết của HĐND TP, quyết định của UBND TP theo thẩm quyền được giao, kịp thời thời tổ chức thi hành trên địa bàn thành phố.
Các Sở, ban, ngành của thành phố cũng tích cực, chủ động chuẩn bị nội dung, thực hiện các bước trong quy trình xây dựng dự thảo nghị quyết, tổ chức lấy ý kiến góp ý, thẩm định, thẩm tra, phản biện xã hội. Các cơ quan của MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã tham gia phản biện xã hội về các nội dung thuộc nghị quyết quy phạm pháp luật đã ban hành.
Thực tế triển khai công tác phối hợp ở lĩnh vực này cũng cho thấy còn những hạn chế. Điển hình như tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản pháp luật đã được chỉ ra tại Hội nghị liên tịch triển khai kế hoạch xây dựng nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND TP năm 2022 và các năm tiếp theo diễn ra mới đây. Nguyên nhân chậm do việc chuẩn bị dự thảo nghị quyết của cơ quan chuyên môn chưa bám sát thời hạn theo kế hoạch. Một số dự thảo nghị quyết chuẩn bị chưa kỹ lưỡng, quy trình xây dựng gấp, không bảo đảm thời hạn xin ý kiến, thẩm định, chỉnh lý hoàn thiện.
Với yêu cầu tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động đồng thời cụ thể hóa Chương trình số 01-CT/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025", Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã thống nhất, xây dựng và ký kết Quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2021-2026.
Quy chế lần này có sự kế thừa kinh nghiệm của nhiệm kỳ trước, có tính thống nhất cao; Đảm bảo tuân thủ đúng những căn cứ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành liên quan chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của cấp ủy, Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng; Qua đó sẽ đảm bảo việc nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của 4 cơ quan, đặc biệt là nâng cao chất lượng công tác phối hợp và kịp thời hơn trong quá trình thực hiện các hoạt động chung.
Quy chế gồm 26 điều chia làm 3 chương, với các nội dung: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; Nguyên tắc, nội dung, hình thức phối hợp.
Các cơ quan phối hợp thực hiện các nội dung chính: Công tác bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND và bầu Hội thẩm Nhân dân; Tổ chức lấy ý kiến đóng góp xây dựng Luật, pháp lệnh - phản biện xã hội - phổ biến giáo dục pháp luật; Chuẩn bị nội dung, chương trình và tổ chức kỳ họp HĐND thành phố; Tổ chức hoạt động giám sát, khảo sát và tái giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát; Tổ chức hoạt động tiếp xúc cử tri; Phối hợp tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân…
Nâng cao chất lượng làm việc theo tinh thần "5 rõ"
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng, việc ký, ban hành quy chế phối hợp nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả hơn nữa trong việc thực hiện công việc chung, đặc biệt khi 2022 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và Hà Nội tiếp tục thực hiện chủ đề công tác năm 2022 là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo và phát triển”.
Đây cũng là dịp để từng cơ quan chủ động, xác định rõ hơn vai trò, vị trí, trách nhiệm trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; Đồng thời nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ công tác, đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và bảo đảm đời sống, lợi ích chính đáng của Nhân dân.
Để nâng cao hiệu quả trong quá trình thực hiện quy chế, Bí thư Thành ủy lưu ý các cơ quan cần bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ TP và chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy để lựa chọn những vấn đề trọng tâm, cụ thể hóa trong kế hoạch thực hiện quy chế, đảm bảo phù hợp thực tế. Riêng với những nội dung phối hợp công tác có thời hạn thực hiện đã nêu tại quy chế, lãnh đạo các cơ quan cần chỉ đạo bộ phận tham mưu chủ động tham mưu, đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, nhất là với việc chuẩn bị nội dung, chương trình và tổ chức kỳ họp HĐND TP; Coi đó là thước đo đánh giá chỉ số “phối hợp nội bộ” của các cơ quan hành chính của TP, tạo lan tỏa để các Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã làm theo.
Trong phối hợp, các cơ quan cần gắn với việc tiếp tục hoàn thiện nâng cao chất lượng làm việc theo tinh thần “5 rõ”, tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính và hiệu lực hiệu quả; Phát huy cao độ quyền làm chủ của người dân, không chỉ mối quan hệ của 4 cơ quan mà còn là mối quan hệ giữa dân với chính quyền, nhằm chăm lo người dân tốt hơn.
Thông qua phối hợp cần nắm bắt được tâm tư nguyện vọng người dân, đảm bảo ý kiến người dân được tiếp thu và chuyển đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết; Quan tâm thông tin tuyên truyền những nội dung này góp phần thu hút sự tham gia của người dân vào thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống người dân.