Thứ sáu, 20/09/2024 - 05:27

Chăm lo cho người lao động là yếu tố quan trọng trong văn hóa kinh doanh

Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Phan Văn Anh, sự hội nhập kinh tế thế giới mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho cả doanh nghiệp, người lao động (NLĐ) và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Trong đó, việc xây dựng văn hóa kinh doanh hướng tới phát triển bền vững là một trong những nội dung hết sức quan trọng và cần được quan tâm đặc biệt.

Chăm lo cho người lao động là yếu tố quan trọng trong văn hóa kinh doanh

Ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - phát biểu tại diễn đàn đa phương (MSF) 2023. Ảnh: Minh Ánh

Giá trị và hành động của từng nhân viên góp phần định hình văn hoá doanh nghiệp

Vấn đề “xây dựng văn hóa kinh doanh bắt đầu từ việc chăm lo cho người lao động” là chủ đề được các đại biểu và doanh nghiệp bàn luận khi tham dự diễn đàn đa phương (MSF) 2023 với chủ đề “Khai thác sức mạnh Văn hóa Kinh doanh của Việt Nam hướng tới Bền vững và Cạnh tranh trong thời kỳ mới” diễn ra ngày 19.10.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đánh giá: “Vai trò, vị thế quan trọng của doanh nghiệp, doanh nhân trong xã hội ngày càng được khẳng định là điều kiện quan trọng để văn hoá kinh doanh Việt Nam từng bước được khơi dậy, phát huy. Văn hóa kinh doanh đang có những thay đổi nhất định, hướng đến sự phát triển bền vững và kinh doanh có trách nhiệm. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải kịp thời nắm bắt để điều chỉnh và thích nghi, qua đó trở thành những đối tác tin cậy, phát huy tính sáng tạo, đổi mới, sẵn sàng hợp tác”.

Gần 40 năm xây dựng và trưởng thành, Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Hà Nội (Hanosimex) hiện có khoảng 3.000 cán bộ công nhân viên. Chăm lo cho NLĐ là một trong những công tác được Tổng Công ty đặc biệt quan tâm thông qua những hoạt động cụ thể như liên tục cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần cho NLĐ, thu nhập NLĐ tăng từ 7 - 10% so với năm liền kề…

Trao đổi với Lao Động, bà Nguyễn An Hải - Phó Chủ tịch Công đoàn Hanosimex - cho biết, giá trị và hành động của từng nhân viên góp phần định hình văn hoá doanh nghiệp tại Hanosimex. Trong khi đó, tổng công ty luôn coi văn hoá doanh nghiệp như một công cụ quản lý và tài sản xây dựng thương hiệu. Để động viên tinh thần làm việc, đơn vị còn thưởng cho cán bộ công nhân viên có thành tích trong sản xuất, hoàn thành vượt mức kế hoạch trong tháng, quý và năm.

“Công ty có các chế tài như biểu dương các hành vi văn hoá hoặc phê phán các vi phạm của các cá nhân/tập thể vào đầu giờ làm việc mỗi ngày/tuần trên hệ thống truyền thanh/hoặc công nghệ thông tin nội bộ… Đặc biệt, Hanosimex đưa tiêu chí văn hoá doanh nghiệp vào tiêu chuẩn bình xét danh hiệu thi đua của tập thể và gắn liền thi đua với hình thức khen thưởng theo quy định pháp luật” - bà Hải chia sẻ.

Xây dựng văn hóa kinh doanh hướng tới phát triển bền vững

Tham dự và phát biểu tại sự kiện, ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - nhấn mạnh, văn hóa kinh doanh cạnh tranh và bền vững không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn giúp các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc điều chỉnh hành vi của các chủ thể tham gia kinh doanh tại những điểm còn khoảng trống về pháp luật. Văn hóa kinh doanh cũng giúp người dân hình thành nên văn hóa tiêu dùng lành mạnh và tham gia có trách nhiệm trong các mối quan hệ kinh tế với doanh nghiệp và Nhà nước.

“Công đoàn Việt Nam luôn nỗ lực và sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên liên quan để cùng nhau thảo luận, xác định những vấn đề cần cải thiện” - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Phan Văn Anh nhấn mạnh.

Tin liên quan