Chế tạo, buôn bán pháo nổ trái phép có thể bị phạt tù chung thân
Bộ Công an khuyến cáo mọi người không nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán pháo nổ trái phép.
Hiểm hoạ khôn lường
Bộ Công an cho hay, gần đến thời điểm Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, những vi phạm pháp luật về pháo diễn biến phức tạp, đặc biệt là hoạt động chế tạo, sản xuất, sử dụng pháo trái phép. Đây là các hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nguy hiểm khôn lường.
Cụ thể, sau 6 tuần cao điểm tấn công trấn áp tội phạm theo chỉ đạo của Bộ Công an, lực lượng chức năng các địa phương đã phát hiện 588 vụ, bắt giữ 766 người liên quan các vụ việc về pháo. Tổng số tang vật thu giữ là hơn 16.500kg pháo các loại.
Trước đó, ngày 22/12/2022, Công an Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Công an huyện Long Điền đã bắt giữ Võ Duy Tân (SN 1981) và Dương Tấn Nghĩa (SN 1995) cùng trú tại xã Phước Hưng, huyện long Điền để điều tra về hành vi mua bán pháo nổ. Qua kiểm tra, Công an phát hiện Tân tàng trữ 262 bệ pháo nổ do nước ngoài sản xuất với trọng lượng hơn 420kg. Số pháo trên Tân mua của Nghĩa để bán kiếm lời.
Tương tự, ngày 17/12/2022, Công an huyện An Dương (TP. Hải Phòng) phát hiện, bắt quả tang 2 đối tượng Nguyễn Văn Nghĩa (SN 1987) và Nguyễn Văn Hùng (SN 1989), cùng trú thôn Văn Xá, xã Quốc Tuấn, huyện An Dương có hành vi mua bán và tàng trữ trái phép pháo nổ. Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Ngọc Hùng (SN 1987, trú thôn Kiều Hạ 1) xã Quốc Tuấn.
Lực lượng chức năng đang tiến hành kiểm tra và tịch thu tang vật một vụ buôn bán pháo trái phép |
Khám xét nơi ở của các đối tượng này, lực lượng Công an thu giữ 35,2kg pháo thành phẩm, 2,4kg bột thuốc pháo, 14kg giấy vỏ pháo, 0,4kg dây ngòi cháy chậm và một số nguyên vật liệu, dụng cụ được các đối tượng khai nhận sử dụng để sản xuất pháo nổ. Cơ quan chức năng đã tạm giữ hình sự các đối tượng trên đồng thời mở rộng điều tra để xử lý theo quy định pháp luật.
Đáng nói, nhiều vụ án liên quan đến hành vi tự chế pháo trái phép, gây ra hậu quả khôn lường đã xảy ra. Đơn cử, ngày 25/12/2022, 5 học sinh ở huyện Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk) đặt mua hóa chất làm pháo nổ qua mạng xã hội. Quá trình tự chế tạo pháo để bán đã gây ra vụ nổ lớn, làm 2 em tử vong và 1 em bị thương nặng.
Những vụ việc kể trên chỉ là số ít trong rất nhiều vụ án liên quan đến buôn bán, chế tạo, sử dụng trái phép pháo nổ trong những ngày cận Tết Nguyên đán mà cơ quan chức năng đã triệt phá, bắt giam và khởi tố. Thực tế, vấn nạn về pháo nổ đang diễn ra trên nhiều địa phương trong cả nước, các đối tượng liên quan chủ yếu ở độ tuổi vị thành niên.
Bộ Công an nhấn mạnh, theo Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo, người dân cần phân biệt rõ ràng giữa pháo nổ, pháo hoa nổ và pháo hoa.
Với pháo nổ (gồm pháo nổ và pháo hoa nổ), là loại pháo có chứa thuốc pháo nổ, khi sử dụng gây ra tiếng nổ. Các loại này bị nghiêm cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, hoặc chiếm đoạt, trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng giao theo quy định.
Với pháo hoa, là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi đốt phát ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và không gây ra tiếng. Với loại này, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có thể mua loại pháo này tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa (thuộc Bộ Quốc phòng) để sử dụng dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi...
Bộ Công an khuyến cáo mọi người không nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ.
Với các sản phẩm pháo hoa được phép sử dụng, chú ý khi dùng phải đáp ứng các điều kiện về năng lực hành vi dân sự, sử dụng khi được phép, bảo đảm an toàn và chỉ mua tại các cửa hàng được phép kinh doanh.
Bộ Công an đề nghị mọi người dân nếu phát hiện các trường hợp cố ý vi phạm quy định về phòng, chống pháo nổ, cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để xử lý theo quy định.
Mức phạt đối với hành vi này như thế nào?
Chia sẻ về các quy định cũng như mức phạt đối với hành vi này, luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP, hành vi nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ là hành vi bị nghiêm cấm (trừ trường hợp các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ cho phép theo quy định).
"Do đó, các cá nhân có hành vi tự chế, buôn bán pháo nổ là vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi, những người này có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự" - luật sư Tiền nhấn mạnh.
Cụ thể, người nào có hành vi tự chế pháo nổ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ” theo quy định tại Điều 305 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Theo đó, căn cứ vào khối lượng của thuốc nổ chế tạo ra, người có hành vi vi phạm có thể phải đối diện với mức phạt tù thấp nhất là 1 năm, cao nhất là tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng pháo nổ tiềm ẩn nguy hiểm khôn lường |
Cá nhân có hành vi buôn bán pháo nổ có thể bị phạt tiền thấp nhất là 1 triệu đồng, cao nhất là 100 triệu đồng căn cứ vào khối lượng pháo nổ đã buôn bán theo quy định tại Điều 8 Nghị định 98/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 17/2022/NĐ- CP.
Trường hợp tổ chức vi phạm thì sẽ bị áp dụng mức phạt gấp đôi mức phạt trên. Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn có thể bị tịch thu phương tiện vận tải được sử dụng để vận chuyển hàng cấm và buộc phải nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp (nếu có).
Trong trường hợp buôn bán pháo nổ từ 6kg trở lên, những đối tượng này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “sản xuất, buôn bán hàng cấm” theo quy định tại Điều 190 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.
Theo đó, người phạm tội này có thể bị phạt tù với mức thấp nhất là 1 năm, cao nhất là 15 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Đối với pháp nhân vi phạm thì có thể bị phạt tiền thấp nhất là 1 tỷ đồng, cao nhất là 3 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
"Để ngăn chặn tình trạng buôn bán, chế tạo, sử dụng pháo trái phép là phải cắt nguồn cung. Với những loại pháo có nguồn gốc từ nhập lậu, cần quản lý chặt chẽ ở biên giới, đồng thời kiểm soát tốt thị trường nội địa, kịp thời phát hiện, bóc gỡ các đường dây buôn lậu pháo" - luật sư Trần Xuân Tiền nói.
Đặc biệt, lực lượng công an cùng với các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện những chợ “đen” buôn bán trái phép pháo nổ, kiên quyết xử lý những đối tượng vi phạm, xóa bỏ các trang web buôn bán pháo trái phép trên mạng xã hội, đồng thời phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông nhằm tuyên truyền để người dân hiểu rõ về các hiểm họa do pháo nổ gây ra.
Bên cạnh đó, theo luật sư, để đẩy lùi nạn buôn bán, chế tạo, và sử dụng pháo trái pháp luật, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng cùng toàn xã hội. Mỗi người dân cần tự giác nêu cao ý thức trong việc chấp hành pháp luật, không mua bán, tiêu thụ, đốt pháo trong dịp Tết, qua đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự để nhân dân vui Tết, đón Xuân bình yên và an toàn.