Chuyện người lính cứu hỏa luôn nhận khó về mình
Tối tăm, thiếu dưỡng khí, nồng nặc mùi tử thi, thậm chí là nóng “cháy da cháy thịt”,… là môi trường làm việc mà Trung tá Nguyễn Chí Thành – Phó Đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PC07) - Công an TP.HCM, thường xuyên đối mặt suốt hơn 22 năm qua.
Công việc luôn đối diện với khó khăn, nguy hiểm là thế nhưng nếu được lựa chọn lại anh Thành vẫn chọn nghề lính cứu hỏa, cứu nạn cứu hộ.
Hơn 22 năm chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Trung tá Nguyễn Chí Thành không nhớ mình đã tham gia bao nhiêu vụ việc. Anh chỉ nhớ bản thân cùng với đồng đội đã rất nhiều lần lao vào đám cháy rực lửa hay lặn hụp dưới dòng nước đen kịt, ô nhiễm, thậm chí là xuống đáy hang sâu hàng trăm mét để tìm hàng trăm thi thể, tang vật vụ án, cứu sống hàng trăm người trong các vụ hỏa hoạn, chìm tàu, tai nạn rơi xuống hang, vực…
Những lần xông pha “vào sinh ra tử” để cứu người, bảo vệ tài sản cho nhân dân, khiến trên người Trung tá Nguyễn Chí Thành chi chít những vết sẹo to, nhỏ.
Điển hình như vụ trục vớt thi thể nạn nhân bị tai nạn rơi xuống hang (vết nứt địa chất) sâu khoảng 300m ở tỉnh Hà Giang vào năm 2020. Đây là vụ việc chưa có tiền lệ, không một lực lượng, phương tiện nào của địa phương có thể tiếp cận được nạn nhân. Trung tá Thành là một trong những gương mặt được lãnh đạo Công an TP.HCM tin tưởng giao nhiệm vụ lên đường chi viện, hỗ trợ công tác cứu hộ cứu nạn cho tỉnh Hà Giang.
Trung tá Nguyễn Chí Thành kể, khi đó, anh là người xung phong xuống hang thăm dò và kéo nạn nhân lên. Đây là hang nguyên thủy chưa ai xuống bao giờ. Miệng hang chỉ rộng hơn 4m2, nhưng càng xuống sâu càng hẹp dần, có nơi chỉ còn rộng 70 – 80cm2 và có nhiều tầng, xoắn ốc. Vốn dĩ trong hang rất tối, thiếu dưỡng khí đã nguy hiểm mà quá trình xuống anh còn gặp sự cố, tưởng chừng không qua khỏi.
Trung tá Nguyễn Chí Thành nói: “Một cái khó nữa là nạn nhân mất hơn 10 ngày, thi thể đang phân hủy nặng, bốc mùi cực kỳ, không thể thở nổi. Không những vậy, khi tôi đang xuống hang thì trời đổ mưa, lũ quét từ trên dội xuống hang. Rồi bộ đàm cũng mất tín hiệu do mưa, cái máy kéo dây để tôi lên xuống cũng không hoạt động luôn. Tôi bị treo lơ lửng cách đáy hang khoảng hai mét, đất đá từ trên dội xuống, xẹt qua lại trúng người. Tôi cứ nghĩ lúc đó mình sẽ hy sinh, vì cái dây cột ở lưng tôi không thể nào tự mình mở được”.
Nhưng may mắn thay, bằng kinh nghiệm của mình, anh đã lộn ngược người thoát khỏi sợi dây và kịp thời thu mình núp vào một lỗ hổng trong hang, chờ trời tạnh mưa. Sau đó, anh đã hoàn thành nhiệm vụ trong sự vui mừng khôn xiết của đồng đội, chính quyền địa phương và gia đình nạn nhân.
Nếu được chọn lại, tôi vẫn làm lính cứu hỏa
Nói về Trung tá Nguyễn Chí Thành, vị chỉ huy trực tiếp của mình, Đại úy Trần Đức Thịnh, cán bộ Đội 3, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ - Công an TP.HCM cho biết, đó là một người chỉ huy giỏi, một người đồng đội giàu tình cảm, một người luôn đi trước trong công việc.
“Tôi là một người đồng đội, người em của Trung tá Thành. Trong giờ làm việc thì anh Thành là một lãnh đạo, chỉ huy luôn quan tâm đến lính cấp dưới. Còn hết giờ làm việc anh Thành là một người anh hòa đồng, bao dung với anh em. Tôi quý anh Thành ở đức tính hiền lành, cần cù, luôn đi trước trong công việc, không ngại khó ngại khổ, nhiệm vụ nào được giao anh cũng làm hết, thậm chí tranh phần việc làm của anh em luôn”, Đại úy Trần Đức Thịnh chia sẻ.
Trung tá Thành được đồng đội và người dân yêu mến ví như “người nhện” và là “người hùng chữa cháy, cứu nạn cứu hộ”. Vụ nào khó, nguy hiểm, Trung tá Thành cũng xung phong, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thế nhưng, Trung tá Nguyễn Chí Thành khiêm tốn cho rằng đó chỉ là nhiệm vụ, trách nhiệm và là mệnh lệnh trái tim của người lính cứu nạn cứu hộ. Anh khẳng định vẫn sẽ chọn nghề này nếu được lựa chọn lại, dù công việc luôn đối diện với khó khăn, nguy hiểm. Trung tá Nguyễn Chí Thành nói: “Tôi cũng đã từng nghĩ có thời điểm sẽ hi sinh. Nhưng "sinh nghề tử nghiệp" đó là câu chuyện rất bình thường, mình phải chấp nhận nó. Yếu tố quyết định nhất đó là công việc mình làm có ý nghĩa giúp ích cho đời. Khi thực hiện nhiệm vụ cứu được người hoặc đem họ trở về với gia đình của họ, là niềm hạnh phúc lớn nhất của chúng tôi. Tôi rất tự hào về công việc cứu nạn, cứu hộ này. Và tôi chỉ mong ước bản thân có đủ sức khỏe để tham gia cho đến khi nào hết tuổi hoặc lực lượng không cần mình nữa thì tôi mới dừng".
Trung tá Nguyễn Chí Thành luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, có nhiều cống hiến cho thành tích chung của ngành. Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ - Công an TP.HCM nhận xét: “Đồng chí Nguyễn Chí Thanh là một đồng chí rất là đặc biệt và đã cứu sống được hàng trăm người từ cõi chết trở về. Đặc biệt, đồng chí đã cùng với các thành viên của đoàn cứu nạn, cứu hộ của Bộ Công an đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế, được đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an giao trọng trách. Đoàn cũng đã được nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ, các lực lượng cứu nạn, cứu hộ bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá rất cao về năng lực, tinh thần trách nhiệm, sự dũng cảm, mưu trí và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong đợt cứu nạn cứu hộ quốc tế”.
Không chỉ yêu công việc mà mình đã lựa chọn, Trung tá Nguyễn Chí Thành còn luôn đồng cảm, đặt mình vào hoàn cảnh của nạn nhân, người nhà nạn nhân để hoàn thành các nhiệm vụ ở mức cao nhất. Có thể kể các nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ lớn mà “người hùng” này đã tham gia như: vụ cháy Trung tâm thương mại Quốc tế - ITC (năm 2002), vụ chìm tàu Dìn Ký ở Bình Dương (năm 2011), trục vớt thi thể nạn nhân mất tích tại hang Cốc Chia ở tỉnh Cao Bằng sâu 220m (năm 2019) và vụ người dân rơi xuống hang sâu 300m ở tỉnh Hà Giang (năm 2020),…
Mới nhất Trung tá Nguyễn Chí Thành còn tham gia đoàn hỗ trợ tìm kiếm, cứu nạn sau thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ của Bộ Công an. Anh là người phát hiện dấu vết sự sống, kiên trì đào bới và kết hợp với lực lượng cứu nạn cứu hộ quốc tế đưa thiếu niên 17 tuổi ra khỏi tòa nhà đã sụp đổ hoàn toàn./.