Thứ năm, 19/09/2024 - 23:42

Công bố quyết định đặc xá năm 2022 của Chủ tịch nước

Ngày 4/7, Văn phòng Chính phủ họp báo công bố Quyết định số 766/2022/QĐ-CTN về Đặc xá năm 2022 của Chủ tịch nước.

Toàn cảnh buổi họp báo.

Toàn cảnh buổi họp báo

Quyết định được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành ngày 1/7/2022. Chủ trì buổi họp báo có Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà; Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an; Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Trí Tuệ và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc.

Tại buổi họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước và cho biết, từ năm 2009 đến năm 2019, theo Luật Đặc xá năm 2007, chúng ta đã thực hiện 7 đợt đặc xá nhân các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước, đặc xá cho 87.000 người.

Đặc biệt năm 2021 vừa qua, là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định đặc xá ra tù trước thời hạn cho 3.035 phạm nhân, trong đó có 3.026 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù, 3 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, 6 người đang được hoãn chấp hành án phạt tù.

Phạm Thanh Hà - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước thông tin, mặc dù trong bối cảnh đầy dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, công tác Đặc xá năm 2021 đã bảo đảm các yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ đối ngoại được nhân dân trong nước đồng tình và dư luận quốc tế đánh giá cao. Qua đó, tiếp tục khẳng định chủ trương chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong việc thúc đẩy hoạt động bảo vệ quyền con người một cách công bằng, bình đẳng cho tất cả mọi đối tượng công dân, kể cả những người đang chấp hành án phạt tù, các quyền cơ bản như ăn mặc ở, chăm sóc y tế, nhận quà hay bưu phẩm, tiếp xúc lãnh sự...

Công tác Đặc xá cũng không phân biệt công dân nước ngoài hay công dân Việt Nam, những quyền này được bảo đảm trên thực tế tại các toà án, các cơ sở giáo dưỡng, là minh chứng sắc bén nhất để phản bác luận điệu, thông tin sai sự thật từ những cá nhân, tổ chức có ý đồ xấu, cố tình xuyên tạc về tình hình bảo đảm quyền con người ở Việt Nam.

“Với quyết định Đặc xá năm 2021 của Chủ tịch nước, hàng nghìn người đã hưởng niềm vui được ra ngoài, sớm trở về đoàn tụ với gia đình, sẵn sàng cho cơ hội thứ 2 để làm lại cuộc đời. Qua theo dõi, phần lớn những người được đặc xá năm 2021, đã trở về nơi cư trú, ổn định cuộc sống và làm ăn lương thiện, tỷ lệ người đặc xá tái phạm rất thấp. Đó chính là dấu ấn nhân văn lớn nhất của chủ trương đặc xá, phản ánh rõ nhất ưu tiên bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, trong đó có chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta”, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước nói.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, đến nay chưa thống kê được có bao nhiêu người đủ điều kiện đặc xá trong đợt này. Các phạm nhân đều bình đẳng khi xét đặc xá, tuy nhiên nhóm người phạm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và chức vụ phải kèm theo một điều kiện là "hoàn thành nghĩa vụ phần dân sự".

Lý giải về việc năm thứ 2 liên tiếp thực hiện đặc xá, Thứ trưởng Long cho hay, đây thể hiện tính nhân văn, nhân đạo và khoan hồng của pháp luật.

"Hơn nữa, hàng ngàn người được đặc xá năm 2021 đã hưởng niềm vui, về với gia đình để làm lại cuộc sống. Đa số họ đều chấp hành tốt các quy định, chỉ có 2 người được đặc xá dịp năm ngoái phạm tội lại bởi thế năm nay lại tiếp tục đặc xá", Thiếu tướng Nguyễn Văn Long nói.

Để được đặc xá, người đang chấp hành án phải đáp ứng được 7 điều kiện. Tiêu chí đầu tiên được xét đến là ý thức cải tạo tốt, được xếp loại từ khá trở lên; chấp hành án tù ít nhất 1/2 thời gian phạt hoặc 15 năm tù.... Nếu những người này được giảm thời gian chấp hành án phạt tù thì thời gian đó không được tính là đã chấp hành.

Một điều kiện khác là phạm nhân phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là tiền. Phạm nhân thi hành được một phần nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác và lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt nên không thể thi hành tiếp phần còn lại cũng được xem xét. Riêng tội phạm tham nhũng cần thực hiện xong hết các nghĩa vụ này...

Lượt xem: 371
Tác giả: Lam Dương
Tin liên quan