Thứ năm, 19/09/2024 - 08:29

Điều chỉnh quy định để công nhân thực sự tiếp cận được nhà ở xã hội

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang được tổ chức lấy ý kiến trên cả nước, trong đó có vấn đề về nhà ở xã hội được các địa phương, chuyên gia quan tâm. Bởi, đối tượng chính cho loại hình nhà, chung cư xã hội là công nhân, người lao động. Trong khi thực tế thời gian qua, một số quy định hiện hành về nộp thuế thu nhập cá nhân, yêu cầu về thời gian lưu trú đang là rào cản khiến người lao động không thể tiếp cận được với nhà ở xã hội.

Điều chỉnh quy định để công nhân thực sự tiếp cận được nhà ở xã hội

Điều kiện không nộp thuế thu nhập cá nhân và phải có hộ khẩu tạm trú đang là rào cản với công nhân khi tiếp cận nhà ở xã hội. Ảnh: Thùy Trang

Bất cập quy định nộp thuế thu nhập cá nhân

Anh Lê Văn Hùng làm việc tại Công ty Cổ phần Ôtô Sông Hàn, Đà Nẵng nêu thực tế, người lao động để đảm bảo cuộc sống trong khi giá cả thị trường luôn biến động và tăng cao phải nỗ lực làm tăng ca, tăng giờ, mức thu nhập nhiều khi sẽ chạm đến con số bị đánh thuế.

“Đạt con số thu nhập bị đánh thuế, chúng tôi không được mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, với mức thu nhập hơn 11 triệu đồng/tháng, nếu vay ngân hàng thương mại mua nhà, chi phí trả góp căn nhà đã hết 2/3 số tiền đó. Số tiền còn lại không đủ chi phí, trang trải trong tháng. Vậy nên dù nộp thuế thu nhập cá nhân nhưng chúng tôi không phải là đối tượng thu nhập cao” - anh Hùng nói.

Chưa kể, người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố phần lớn là nhập cư, nhưng việc thuê nhà ở công nhân, mua nhà ở xã hội phải có tạm trú đủ 12 tháng mới được thuê, mua. Đây là điều bất hợp lý với công nhân nhập cư - nguồn lực lao động chiếm tỉ lệ lớn tại Đà Nẵng.

Thay vào đó, anh Hùng cho rằng, công nhân, người lao động chỉ cần có hợp đồng lao động thời hạn từ 1 năm trở lên thì được mua và thuê nhà là phù hợp hơn.

Góp ý tại hội thảo do Ủy ban Pháp luật tổ chức tại Đà Nẵng hồi đầu tháng 8 vừa qua, ông Phạm Gia Yên - nguyên Chánh thanh tra Bộ Xây dựng - cũng nêu thực tế, dù thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân, nhưng thu nhập của nhiều người lao động vẫn thấp, sau khi chi trả các chi phí để nuôi con ăn học, thuê nhà và các chi phí thiết yếu đảm bảo cho đời sống gia đình thì phần thu nhập còn lại không có dư hoặc dư không đáng kể. Do vậy, họ sẽ không có tiền để mua nhà. Qua điều tra thực tế thì số lượng mua nhà ở xã hội là công nhân trong thời gian vừa qua chiếm một phần rất nhỏ, không đáng kể.

“Công nhân tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp là đối tượng chiếm phần lớn và có nhu cầu cấp thiết nhất về nhà ở. Quy định về thuế thu nhập cá nhân đã tạo ra một rào cản khiến công nhân không tiếp cận được nhà ở xã hội” - ông Yên trao đổi.

Nên cho phép doanh nghiệp mua nhà ở xã hội rồi cho thuê lại

Không chỉ có thuế thu nhập cá nhân, ông Yên kiến nghị nên bổ sung quy định các doanh nghiệp, hợp tác công nghiệp sử dụng người lao động được phép mua nhà ở xã hội để cho công nhân của họ thuê hoặc mua lại. Đây là cách làm của các doanh nghiệp lớn tại các nước phát triển, giúp người công nhân có cuộc sống ổn định, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp trong mọi điều kiện kể cả khi doanh nghiệp gặp khó khăn, nhằm ổn định sản xuất và chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ không bị đứt gãy.

Tiếp thu các ý kiến trên, ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cho biết, đây cũng là vấn đề mà ở Quốc hội trong quá trình thảo luận đã có nhiều ý kiến khác nhau vì thuế thu nhập cá nhân không phải là thuế thu nhập cao, không nên lấy việc nộp thuế làm điều kiện với đối tượng được mua nhà ở xã hội.

“Phương án là chúng ta có thể phân quyền cho chính quyền địa phương căn cứ mức lương tối thiểu vùng cũng như nhu cầu nhà ở xã hội, khả năng cung ứng của địa phương để UBND trình HĐND quyết định đối tượng, phạm vi trên địa bàn được thụ hưởng. Việc sửa đổi Luật Nhà ở lần này phải làm sao để người lao động, công nhân tiếp cận được với nhà ở xã hội” - ông Tùng nói.

Tin liên quan