Giải pháp căn cơ đáp ứng nguồn nhân lực STEM
Đến nay, có thêm nhiều trường đại học công bố chi tiết đề án tuyển sinh năm 2025.
![]() |
Ảnh minh họa INT. |
Một điểm mới đáng chú ý ở nhiều trường đào tạo khối ngành kinh tế, kỹ thuật là sử dụng tổ hợp xét tuyển mới có môn Tin học và Công nghệ.
Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) thêm hai tổ hợp mới là Toán - Tiếng Anh - Tin học và Toán - Vật lý - Tin học, dùng cho tất cả ngành/chương trình đào tạo của trường. Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đưa Công nghệ vào tổ hợp xét tuyển cho các ngành: Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Xây dựng công trình ngầm đô thị, Quản lý dự án xây dựng, Công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng, Kinh tế đầu tư, Kinh tế phát triển, Quản lý xây dựng, Quản lý bất động sản, Quản lý vận tải và logistics.
Đại học Bách khoa Hà Nội cũng xét tuyển môn Tin ở tổ hợp mới K01. Tổ hợp này gồm Toán, Văn kết hợp với 1 trong 4 môn là Vật lý, Hóa học, Sinh học và Tin học. Trường Đại học Giao thông Vận tải đã bổ sung 1 tổ hợp mới gồm Toán - Vật lý - Tin học. Các trường đại học tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực cũng có một số điều chỉnh, đưa năng lực Tin học và Công nghệ vào hệ thống các câu hỏi đánh giá.
Năng lực Tin học và năng lực Công nghệ là 2 yêu cầu cần đạt của Chương trình GDPT 2018, nhằm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hai môn học này bắt buộc ở cấp tiểu học, THCS, tiếp tục là môn học lựa chọn ở cấp THPT - những thành phần cơ bản tạo nên giáo dục STEM ở giáo dục phổ thông và đại học.
Có nhiều nguyên nhân khiến các trường đại học chưa mặn mà việc đưa Tin học, Công nghệ vào tổ hợp xét tuyển, trong đó rõ nhất do số học sinh chọn học hai môn này ở cấp THPT chưa nhiều, nhất là ở vùng khó khăn. Ngoài nguồn tuyển hạn chế, các trường cũng lo ngại phân hóa rõ rệt kết quả học tập Tin học, Công nghệ giữa học sinh các vùng có điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên khác nhau, về sự thiếu công bằng trong tuyển sinh.
Tỷ lệ sinh viên theo học khối ngành STEM của nước ta dù có tăng mạnh những năm gần đây nhưng cũng chỉ mới đạt khoảng 30% tổng quy mô đào tạo, còn thấp so với nhiều quốc gia khác (như Singapore khoảng 46%, Hàn Quốc khoảng 35%, Phần Lan khoảng 36% và Đức khoảng 40%).
Cùng với tăng cường công tác truyền thông, các trường đại học rộng cửa đưa hai môn Tin học, Công nghệ vào tuyển sinh để tạo động lực cho học sinh chọn học từ lớp 10, thì việc tăng cường đầu tư, bảo đảm điều kiện dạy học hai môn học này trong chương trình GDPT là giải pháp căn cơ.
Thời gian qua, thực hiện Chương trình GDPT 2018, Nhà nước đã quan tâm đào tạo đội ngũ, đầu tư trang thiết bị, nhưng do ngân sách còn khiêm tốn, chưa đáp ứng yêu cầu dạy học. Trong bối cảnh này, sự nỗ lực, chủ động, sáng tạo trong đầu tư, tổ chức dạy học Tin học, Công nghệ ở mỗi địa phương, nhà trường là thành tố quan trọng nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của học sinh và phụ huynh, góp phần tạo nguồn tuyển chất lượng cho trường đại học, đáp ứng nguồn nhân lực STEM cho quốc gia.