Thứ sáu, 02/05/2025 - 01:12

Gian dối trong giáo dục là độc tố ngấm ngầm, đầu độc cả thế hệ

Bộ Giáo dục và Đào tạo hủy, thu hồi Giải nhất cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia của học sinh sau thông tin phản ánh "giống sản phẩm nước ngoài".

Gian dối trong giáo dục là độc tố ngấm ngầm, đầu độc cả thế hệ

Bộ Giáo dục và Đào tạo hủy, thu hồi dự án đạt giải nhất cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia (bên trái) bị tố giống sản phẩm của chuyên gia Samuel Alexander đăng tải trên YouTube vào tháng 10.2023 (bên phải). Đồ họa: Vân Trang

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành quyết định hủy Giải Nhất Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2024-2025 dành cho học sinh THPT.

Đó là dự án "Hệ thống phân loại rác thông minh tích hợp trí tuệ nhân tạo và cảm biến âm thanh" của hai học sinh Trường THPT Nguyễn Siêu (Hưng Yên).

Dự án này từng được đánh giá rất cao về tính ứng dụng và khả năng khởi nghiệp. Nhưng chỉ ít tuần sau khi được vinh danh, mạng xã hội và một kỹ sư nước ngoài đồng loạt chỉ ra rằng dự án này có dấu hiệu sao chép gần như toàn bộ ý tưởng và hình ảnh từ một sản phẩm từng công bố công khai trước đó.

Một dự án được trao Giải Nhất Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia rốt cuộc lại là sản phẩm sao chép "giống đến từng đường nét", khiến dư luận phẫn nộ, giới chuyên môn thất vọng, Bộ Giáo dục và Đào tạo buộc phải vào cuộc, và cuối cùng ra quyết định thu hồi là chuyện tất yếu, cần thiết.

Thế nhưng, sau quyết định thu hồi giải thưởng này là hàng loạt câu hỏi nhức nhối: Làm sao một sản phẩm đạo nhái có thể vượt qua tất cả các vòng tuyển chọn, từ cấp trường, cấp tỉnh đến cấp quốc gia, để rồi được vinh danh cao nhất?

Chúng ta không thể chỉ đổ lỗi cho hai em học sinh. Bởi một đề tài có yếu tố kỹ thuật phức tạp như vậy chắc chắn không thể chỉ do học sinh tự làm. Phía sau nó là sự hướng dẫn của giáo viên, sự xác nhận của nhà trường, sự phê duyệt của Sở Giáo dục và Đào tạo, cuối cùng mới tới khâu chấm điểm của Ban Giám khảo cấp quốc gia.

Nghĩa là cái sai đã đi qua rất nhiều tầng lớp trách nhiệm, mà không bị phát hiện. Có ai từng đặt câu hỏi liệu học sinh THPT có thể tự mình thực hiện toàn bộ mô hình phức tạp đến vậy? Có ai thực hiện kiểm chứng nguồn gốc tri thức? Có ai tìm hiểu mức độ trùng lặp nội dung?

Việc thu hồi giải thưởng là hành động cần thiết, nhưng chưa đủ. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần công khai toàn bộ quy trình xét duyệt, xác định rõ trách nhiệm từng cá nhân, từng khâu, từ giáo viên hướng dẫn, Ban Giám hiệu nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên, đến hội đồng giám khảo quốc gia.

Đồng thời, cần rà soát lại toàn bộ các đề tài đoạt giải cấp quốc gia, đặc biệt là những đề tài “vượt tầm phổ thông”, có dấu hiệu được người lớn “nhúng tay” quá mức hoặc có dấu hiệu đạo nhái. Đặc biệt, cần xây dựng cơ chế phản biện công khai, cho phép cộng đồng khoa học và công chúng giám sát quá trình chấm thi, xét giải.

Chúng ta đang nói rất nhiều đến đổi mới giáo dục, dạy học phát triển năng lực, giáo dục đạo đức... Nhưng sẽ ra sao nếu trong chính môi trường học đường, học sinh lại học được những bài học rằng, có thể gian dối để được khen thưởng và chỉ cần qua mặt được hệ thống là có thể bước lên bục vinh quang?

Khi sự giả dối được "che chở", khen thưởng và lọt qua hệ thống sàng lọc, nó không chỉ làm hỏng một cuộc thi, mà còn đầu độc tinh thần liêm chính của cả một thế hệ.

Giáo dục không thể là nơi dung túng cho sự dối trá. Bởi nếu ở nơi dạy người mà còn giả dối, thì lấy gì để làm gốc cho nhân cách và tương lai?

Tin liên quan
Đang chờ cập nhật