Thứ sáu, 22/11/2024 - 17:53

Hà Nội: Nghiêm cấm đưa xe bị thu hồi phù hiệu ra kinh doanh

Nhằm tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn nguy cơ tai nạn giao thông đáng tiếc có thể xảy ra, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, đơn vị khai thác bến xe trên địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát, chấp hành nghiêm các quy định.

Theo đó, các đơn vị kinh doanh vận tải phải nộp lại phù hiệu, biển hiệu cho Sở khi nhận được quyết định thu hồi. Đồng thời, các đơn vị kinh doanh vận tải không được sử dụng xe ô tô để kinh doanh vận tải trong thời gian xe bị cơ quan có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng (giấy phép kinh doanh, phù hiệu, biển hiệu) hoặc bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng cho biết, vừa qua trên địa bàn cả nước đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đường bộ nghiêm trọng, đặc biệt là vụ tai nạn liên quan đến xe khách Thành Bưởi làm 5 người tử vong và 4 người bị thương tại Đồng Nai.

Do đó, để tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn nguy cơ tai nạn giao thông đáng tiếc có thể xảy ra, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội yêu cầu trước khi thực hiện nhiệm vụ vận chuyển, người điều hành vận tải hoặc cán bộ quản lý của đơn vị kinh doanh vận tải và người lái xe thực hiện nghiêm việc kiểm tra điều kiện an toàn kỹ thuật phương tiện.

Hà Nội: Nghiêm cấm đưa xe bị thu hồi phù hiệu ra kinh doanh
Hà Nội yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải không được sử dụng xe ô tô để kinh doanh vận tải trong thời gian xe bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu. Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, kiểm tra lái xe về giấy phép lái xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; Giấy chứng nhận đăng ký xe; Kiểm tra nồng độ cồn, chất ma túy đối với người lái xe (nếu đơn vị có trang thiết bị, dụng cụ kiểm tra)…

Đáng chú ý, Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội nghiêm cấm đưa các phương tiện vận tải đang bị tước, thu hồi phù hiệu, biển hiệu kinh doanh vận tải và không đảm bảo quy định pháp luật vào hoạt động vận tải. Giao xe cho lái xe thực hiện nhiệm vụ đang trong thời gian bị cơ quan chức năng cấm hành nghề hoặc tước giấy phép lái xe, không đảm bảo sức khỏe quy định, không chấp hành quy định về thời gian lái xe liên tục, thời gian làm việc trong ngày của lái xe.

Ngoài ra, người điều hành vận tải hoặc cán bộ quản lý do đơn vị phân công theo dõi quá trình hoạt động của phương tiện và người lái xe trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ vận chuyển qua thiết bị giám sát hành trình. Thực hiện nhắc nhở ngay đối với người lái xe khi phát hiện xe chạy quá tốc độ, quá thời gian người lái xe liên tục, quá thời gian làm việc trong ngày, hoạt động sai hành trình vận chuyển, thiết bị giám sát hành trình không có tín hiệu và các nguy cơ gây mất an toàn giao thông khác…

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.

Hà Nội: Nghiêm cấm đưa xe bị thu hồi phù hiệu ra kinh doanh
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, đơn vị khai thác bến xe trên địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát, chấp hành nghiêm các quy định

Trong đó, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 47/2022/NĐ-CP ngày 19/7/2022).

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu. Cụ thể, đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu một trong các trường hợp sau đây: Thu hồi phù hiệu, biển hiệu đối với tất cả phương tiện của đơn vị kinh doanh vận tải khi đơn vị kinh doanh vận tải bị cơ quan có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh vận tải;

Các đơn vị thu hồi phù hiệu, biển hiệu của phương tiện vi phạm đối với trường hợp khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của mỗi phương tiện trong 1 tháng có từ 5 lần vi phạm tốc độ/1000 km xe chạy trở lên hoặc trong một ngày có từ 3 lần vi phạm tốc độ trở lên (không tính các trường hợp vi phạm tốc độ dưới 5 km/h); Thu hồi phù hiệu của các xe ô tô kinh doanh vận tải theo tuyến cố định khi doanh nghiệp, hợp tác xã không hoạt động kinh doanh vận tải trên tuyến trong thời gian 60 ngày liên tục;

Thu hồi phù hiệu, biển hiệu khi đơn vị kinh doanh vận tải không có nhu cầu sử dụng phương tiện để kinh doanh vận tải; Thu hồi phù hiệu, biển hiệu theo quy định tại điểm d khoản 7 Điều 19, khoản 10 Điều 20 của Nghị định này.

Điểm d khoản 7 Điều 19 Nghị định Nghị định số 10/2020/NĐ-CP:

Khi cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh ban hành quyết định thu hồi Giấy phép kinh doanh thì đơn vị kinh doanh vận tải phải nộp lại Giấy phép kinh doanh và phù hiệu, biển hiệu cho cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh đồng thời dừng toàn bộ các hoạt động kinh doanh vận tải theo quyết định thu hồi Giấy phép kinh doanh ngay sau khi quyết định có hiệu lực.

Khoản 10 Điều 20 Nghị định Nghị định số 10/2020/NĐ-CP: Doanh nghiệp, hợp tác xã được ngừng khai thác tuyến hoặc ngừng khai thác một hoặc một số chuyến xe trên tuyến.

Lượt xem: 6
Tác giả: Thanh Hà
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật