Khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng to lớn của phụ nữ Việt Nam
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, với tinh thần “Đoàn kết - Nhân văn - Sáng tạo - Phát triển”, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII sẽ thực sự tạo nên những đột phá nhằm khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng to lớn của các lực lượng phụ nữ Việt Nam, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng một đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XII Hà Thị Nga phát biểu tại lễ khai mạc |
Phát biểu khai mạc Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII sáng 10/3, bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam khoá XII khẳng định, Đại hội là sự kiện chính trị quan trọng, ngày hội lớn của các tầng lớp phụ nữ cả nước, đánh dấu sự phát triển của phong trào phụ nữ và tổ chức Hội LHPN Việt Nam.
Vai trò chủ thể của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được khẳng định
Bà Hà Thị Nga cho biết, trong nhiệm kỳ qua, Đảng, Nhà nước tiếp tục ban hành và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về bình đẳng giới và vì sự phát triển của phụ nữ: Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 21-CT/TW “về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới”; Nhiều văn bản Luật được ban hành, sửa đổi đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững và nguyên tắc bình đẳng giới; Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; Phê duyệt các chương trình Mục tiêu quốc gia với nhiều nội dung quan trọng, tạo cơ hội hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện và từng bước thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới một cách thực chất…
Đặc biệt, trong bài phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh “thực hiện bình đẳng giới là một tiêu chí của tiến bộ, văn minh”, điều đó tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của bình đẳng giới đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam; Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo toàn dân, toàn hệ thống chính trị đồng lòng, đoàn kết, nỗ lực phòng chống dịch bệnh, trong đó, các tầng lớp phụ nữ Việt Nam vừa là chủ thể quan trọng tham gia phòng chống dịch bệnh, vừa được quan tâm, thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ rất kịp thời và thiết thực.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga khẳng định: Vai trò chủ thể của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được khẳng định. Hoạt động của tổ chức Hội đã được đổi mới, linh hoạt, dần đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bám sát nhu cầu thiết thân của phụ nữ và nhiệm vụ chính trị của các địa phương, đơn vị, được các cấp, các ngành ghi nhận, đánh giá cao.
Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII có nhiệm vụ kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện các kết quả, hạn chế và nguyên nhân; rút ra những bài học kinh nghiệm thật sự sâu sắc sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII; Tập trung trí tuệ, dân chủ thảo luận để xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2022-2027; Thông qua Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (sửa đổi, bổ sung); Bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Hội khoá XIII thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, trí tuệ, sức sáng tạo, đủ năng lực lãnh đạo hoàn thành những nhiệm vụ to lớn của phong trào phụ nữ và công tác Hội trong nhiệm kỳ tới.
Các đại biểu dự Đại hội |
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, với tinh thần “Đoàn kết - Nhân văn - Sáng tạo - Phát triển”, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII sẽ thực sự tạo nên những đột phá nhằm khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng to lớn của các lực lượng phụ nữ Việt Nam, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng một đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Lấy hạnh phúc và lợi ích của phụ nữ là mục tiêu
Báo cáo tại Đại hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo cho biết, 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tầng lớp phụ nữ đã đoàn kết, kiên cường, nỗ lực góp phần tạo nên những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới có những tiến bộ rõ nét, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ khẳng định phẩm chất tốt đẹp, tiềm năng to lớn và vai trò quan trọng trong gia đình, xã hội.
Với nỗ lực quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp đều tăng so với nhiệm kỳ trước, đặc biệt, lần đầu tiên kể từ khi đất nước thực hiện công cuộc Đổi mới, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt trên 30%. Phụ nữ ngày càng ý thức được trách nhiệm và quyền công dân, phát huy quyền làm chủ, tham gia tích cực trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
Trong bối cảnh thiên tai và dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, phụ nữ cả nước bằng tấm lòng yêu thương, nhân ái, đã phát huy cao độ trách nhiệm công dân, tham gia trên mọi mặt trận góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, ổn định cuộc sống.
Với chủ đề xuyên suốt trong hơn nửa nhiệm kỳ, “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, các cấp Hội đã triển khai nhiều mô hình, ký kết phối hợp hoạt động góp phần nâng cao trách nhiệm của xã hội và gia đình trong xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh; Đồng thời, tạo nguồn lực cho các cấp Hội thực hiện nhiệm vụ chính trị và lồng ghép giới trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; Vận động gần 500 tỷ đồng, 730.000 phần quà san sẻ yêu thương cho hội viên, phụ nữ và Nhân dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai dịch bệnh, nhận làm mẹ đỡ đầu trên 5.000 trẻ mồ côi; hơn 700 tỷ đồng xây dựng và sửa chữa mái ấm tính thương, trên 3.000 tỷ đồng cho các hoạt động xã hội, từ thiện.
Phiên khai mạc Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027 |
Trong nhiệm kỳ, Trung ương Hội đã tham mưu đề xuất Chính phủ ban hành 3 Đề án, cụ thể hóa nội dung hỗ trợ phụ nữ trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia; Các tỉnh, thành Hội tham mưu, đề xuất xây dựng hơn 600 chính sách thiết thân đối với phụ nữ, qua đó huy động nguồn lực và sự tham gia của các cấp, các ngành vào công tác phụ nữ và bình đẳng giới.
Đặc biệt, lần đầu tiên Hội được phân công chủ trì triển khai dự án thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em trong chương trình mục tiêu quốc gia “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030”.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác Hội và phong trào phụ nữ còn một số hạn chế, khó khăn. Phong trào phụ nữ chưa đồng đều trên mọi lĩnh vực, vùng miền, đối tượng, chưa khơi dậy và phát huy đầy đủ tiềm năng, sức sáng tạo của một bộ phận phụ nữ, nhất là phụ nữ có tầm ảnh hưởng, phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục bám sát, cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, căn cứ thực tiễn và yêu cầu của phong trào phụ nữ trong giai đoạn mới; Phát huy và kế thừa truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết của phụ nữ, đồng thời chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, đồng hành giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ là nhiệm vụ xuyên suốt; Lấy hạnh phúc và lợi ích của phụ nữ là mục tiêu; Lấy sự đồng thuận và tin tưởng của phụ nữ là thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội.
Bên cạnh đó, Hội tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; Đẩy mạnh hội nhập quốc tế; mở rộng tính liên hiệp, tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ trên nguyên tắc dân chủ, tự nguyện là nhiệm vụ then chốt để xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.