Thứ sáu, 20/09/2024 - 05:19

Khuyến công Sơn La: Giải ngân nguồn vốn kịp thời

Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Sơn La đang đẩy mạnh triển khai các đề án khuyến công nhằm giải ngân cho các đối tượng thụ hưởng.

Năm 2022, khuyến công địa phương của Sơn La được cấp 1,27 tỷ đồng cho triển khai 6 đề án. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan, nửa đầu năm, tiến độ hoàn thành theo kế hoạch chưa cao. Cụ thể, đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị”, đạt 50%; đề án “Hỗ trợ xây dựng và đăng ký bảo hộ thương hiệu các sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2021”, đạt 30%; đề án “Hỗ trợ thuê tư vấn, trợ giúp các cơ sở CNNT trong lĩnh vực thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói”, đạt 15%...

Khuyến công Sơn La: Giải ngân nguồn vốn kịp thời

Hỗ trợ các cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất

Riêng kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia năm 2022 gần như chưa được thực hiện do chưa ký hợp đồng triển khai đề án với Cục Công Thương địa phương dù Trung tâm đã sớm phối hợp với các đơn vị thụ hưởng tổ chức chuẩn bị.

Mặc dù vậy, trung tâm vẫn đặt quyết tâm đạt 100% kế hoạch năm. Để hoàn thành nhiệm vụ này, Sở Công Thương và trung tâm tập trung thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, nắm bắt đầy đủ thông tin thực tế; phân tích các yếu tố, điều kiện sản xuất, xu hướng phát triển sản phẩm nhằm tư vấn giúp cơ sở theo từng lĩnh vực; lựa chọn những nội dung cần thiết, khả thi để lập đề án hỗ trợ đúng mục đích, nhu cầu. Tăng cường kiểm tra đôn đốc thực hiện đề án khuyến công tại các đơn vị thụ hưởng để giải ngân kịp thời. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành tuyên truyền và triển khai thực hiện chính sách khuyến công nhằm tiếp cận, nắm bắt nhu cầu của cơ sở, doanh nghiệp.

Sơn La là tỉnh miền núi, các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp CNNT có quy mô nhỏ nên khá khó khăn trong tìm kiếm đối tượng thụ hưởng đủ điều kiện. Đây cũng là yếu tố khiến khuyến công Sơn La gặp khó trong triển khai. Tuy nhiên, do lựa theo các ngành nghề thế mạnh, những năm qua, khuyến công Sơn La từng bước đồng hành và trở thành chỗ dựa cho nhiều ngành nghề, cơ sở sản xuất CNNT.

Tiêu biểu với ngành chế biến nông sản, khuyến công đã tập trung hỗ trợ các cơ sở đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, đa dạng sản phẩm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Cùng đó là các chương trình xúc tiến tiêu thụ, xây dựng thương hiệu được triển khai bài bản giúp nông sản Sơn La ngày một có tiếng trên thị trường, như: Chè Vân Sơn của Công ty Cổ phần Chè Mộc Châu; chè Olong, trà Thanh tâm của Công ty TNHH chè Mộc Sương; chè khô (chè Trọng Nguyên) của HTX Bình Thuận; quả mắc ca sấy của Công ty TNHH Một thành viên Đạt Thủy; miến dong của Công ty TNHH Kiên Sơn...

Để hoàn thành kế hoạch, những tháng còn lại của năm, trung tâm tập trung triển khai các đề án đã được duyệt đảm bảo đúng thời gian quy định. Đồng thời, tham mưu cho Sở Công Thương nâng cao năng lực quản lý nhà nước về lĩnh vực khuyến công; hỗ trợ thực hiện các nội dung đề án khuyến công, trong đó hỗ trợ công nghiệp chế biến, giới thiệu, quảng bá nông sản.

Năm 2022, khuyến công Sơn La được phê duyệt 7 đề án, trong đó có 6 đề án khuyến công địa phương và 1 đề án nhóm khuyến công quốc gia.
 
Lượt xem: 69
Tác giả: Bùi Việt
Nguồn:congthuong.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan