Kiểm soát, ngăn chặn trục lợi, tham nhũng trong đầu tư công
Đại biểu Quốc hội đề nghị có cơ chế kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo đảm công tác đầu tư công đúng mục đích, đạt hiệu quả, ngăn chặn lợi dụng để trục lợi, tham nhũng và gây lãng phí nguồn lực của đất nước...
Theo đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hòa), thời gian qua, công tác đầu tư công theo kế hoạch trung hạn đã được Quốc hội và Chính phủ quyết liệt chỉ đạo triển khai có trọng tâm, trọng điểm.
Nhiều dự án, công trình trọng điểm, quan trọng của đất nước được triển khai và hoàn thành, mang lại hiệu quả tích cực.
Đại biểu đánh giá, đầu tư công ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò dẫn dắt, thu hút các nguồn lực từ khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, tạo động lực tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về đầu tư công, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà thực tiễn đặt ra và tạo khung pháp lý cho những vấn đề mới phát sinh.
Đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hòa) |
Tuy nhiên, đại biểu Lê Hữu Trí cho rằng, trên tổng thể thì công tác đầu tư công vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, nhất là trong khâu tổ chức thực hiện từ xây dựng kế hoạch, xác định mục tiêu, công tác chuẩn bị, phân bổ nguồn lực giải phóng mặt bằng, triển khai thi công và giải ngân.
Bên cạnh đó, trình tự, thủ tục trong đầu tư công cũng như các quy định của pháp luật về đất đai, môi trường, đấu thầu, chi ngân sách còn nhiều vướng mắc và trong nhiều trường hợp là điểm nghẽn, làm chậm công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công và giải ngân các dự án, công trình cần được sớm tháo gỡ.
Nguồn vốn đầu tư còn phân tán, nhiều chương trình chưa ưu tiên tập trung tối đa nguồn lực để đầu tư phát triển nhanh và đồng bộ các công trình hạ tầng chiến lược trọng điểm, quan trọng của quốc gia, đường cao tốc, đường ven biển, đường liên vùng nhằm tạo tính liên kết, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nhất là ở khu vực Trung Bộ và Tây Nam Bộ.
Các đại biểu tại phiên họp |
Cùng với đó, việc thực hiện chủ trương lấy đầu tư công, dẫn dắt thu hút nguồn lực đầu tư khu vực ngoài Nhà nước và đầu tư theo phương thức đối tác công tư chưa thực sự mang lại hiệu quả.
Đặc biệt, kỷ cương, kỷ luật trong đầu tư công chưa nghiêm, chưa trở thành nề nếp, còn phụ thuộc vào tính quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Chính vì vậy, đối với công tác này đại biểu cho rằng cần tổng kết, đánh giá, phân tích, xác định rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế không những diễn ra trong năm 2023 mà kéo dài từ nhiều năm trước.
Việc xác định rõ đâu là nguyên nhân đích thực dẫn đến tồn tại, hạn chế kéo dài để có giải pháp hiệu quả hơn nhằm bảo đảm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công; nhất là công trình trọng điểm quốc gia để phát huy vai trò của đầu tư công là động lực dẫn dắt, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi mà tổng cầu của thế giới và trong nước sẽ giảm.
Theo đại biểu, một yêu cầu hiện nay trong đầu tư công là chỉ đạo triển khai các giải pháp thúc đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Đại biểu đại biểu Lê Hữu Trí cho rằng, vấn đề quan trọng là việc đầu tư phải đúng mục tiêu, từng công trình dự án phải phát huy hiệu quả và bảo đảm chất lượng, tránh tình trạng áp lực giải ngân bằng mọi giá.
Điều này càng có ý nghĩa khi mà nguồn lực có hạn, trong khi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật xã hội là rất lớn để đất nước phát triển theo kịp với các nước trong khu vực.
Đồng thời, Chính phủ cũng cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo đảm công tác đầu tư công đúng mục đích, đạt hiệu quả, ngăn chặn tình trạng lợi dụng để trục lợi, tham nhũng và gây lãng phí nguồn lực của đất nước.