Liên tiếp phát hiện và ngăn chặn bẫy lừa đảo giả danh Công an
Chỉ trong mấy ngày gần đây, Công an thành phố Hà Nội đã liên tiếp chặn bẫy lừa đảo giả danh Công an, chiếm đoạt số tiền tới vài tỷ đồng của người dân. Mặc dù đây là chiêu trò lừa đảo cũ song vẫn có nhiều người mắc bẫy, bị chiếm đoạt số tiền rất lớn.
Kịp thời ngăn chặn nhiều vụ lừa đảo
Mới đây, Công an huyện Ứng Hòa (Hà Nội) thông tin về việc phối hợp cùng nhân viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) về việc kịp thời ngăn chặn 1 vụ lừa đảo nhằm vào người cao tuổi xảy ra trên địa bàn.
Theo đó, vào sáng 23/6, nhận được thông tin từ nhân viên Phòng Giao dịch Agribank Cầu Lão - Chi nhánh huyện Ứng Hòa (Hà Nội) về việc ông V.V.A (sinh năm 1954; Ở thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) tới làm thủ tục rút tiền với tâm trạng bất bình thường, Trưởng Công an xã Quảng Phú Cầu đã nhanh chóng có mặt gặp gỡ trao đổi.
Lúc này, ông V.V.A đang yêu cầu mở tài khoản thanh toán và đăng ký sử dụng dịch vụ E-Mobile Banking. Quá trình làm hồ sơ mở tài khoản thanh toán cho ông A, nhân viên Phòng giao dịch Cầu Lão là chị Nguyễn Thị Bích Hạnh nhận thấy ông A có biểu hiện thất thần, lại thêm đã cao tuổi nhưng lại yêu cầu mở tài khoản thanh toán và cài đặt phần mềm chuyển tiền trên điện thoại (E-Mobile Banking) nên đã hỏi thăm về việc mở tài khoản để làm gì và giải thích việc người cao tuổi mở tài khoản thế này rất dễ bị lừa tiền... nhưng ông vẫn yêu cầu được mở.
Hình ảnh ông A tại ngân hàng |
Sau khi hoàn tất thủ tục mở tài khoản, ông A lấy trong túi ra 2 quyển sổ tiết kiệm chưa đến thời gian tất toán với tổng số tiền là 120 triệu đồng, đề nghị rút hết để chuyển vào tài khoản vừa mở. Quá trình tiếp nhận, thấy ông A có các biểu hiện khác thường nên chị Nguyễn Thị Bích Hạnh đã tạm dừng giao dịch để liên hệ cơ quan công an phối hợp.
Sau khi được phân tích về kiến thức phòng, chống tội phạm trong thanh toán, cảnh báo tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao, ông A đã dần bình tĩnh và cho biết có một cuộc điện thoại lạ gọi đến số máy của ông, xưng là cán bộ Công an đang điều tra đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia và nói số căn cước của ông cũng dính líu đến vụ việc này.
Trong khoảng thời gian ngắn sau đó, đối tượng gọi điện, hướng dẫn ông A ra ngân hàng mở thẻ, cài đặt E-Mobile Banking để thuận tiện chuyển tiền giải quyết vụ việc, tránh rắc rối cho bản thân và gia đình. Lo sợ bị bắt, ông A đã cầm sổ tiết kiệm đến Phòng giao dịch Agribank Cầu Lão để làm thủ tục mở tài khoản, rút tiền tiết kiệm và chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng. Sau khi được cơ quan chức năng giải thích, ông A đã ngừng mọi giao dịch.
Trước đó, Công an huyện Ba Vì (Hà Nội) cũng cho biết, đơn vị đã phối hợp Ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Ba Vì kịp thời ngăn chặn một vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng hình thức giả danh công an gọi điện thoại đe dọa, tống tiền.
Cụ thể, sáng 21/6, bà P.T.N (sinh năm 1967; Ở thôn Yên Kỳ, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ. Người ở đầu dây tự xưng là cán bộ Công an tỉnh Bình Định, thông báo bà N liên quan đến đường dây buôn bán ma túy lớn. Sau đó, người này hướng dẫn bà N mở một tài khoản ngân hàng rồi chuyển tiền vào tài khoản đó để phục vụ điều tra, nếu không sẽ bị bắt giam.
Nhân viên ngân hàng và Công an huyện Ba Vì giúp người dân không bị mắc lừa. |
Do lo sợ, bà N một mình đến Ngân hàng Agribank, chi nhánh huyện Ba Vì để rút tiền từ sổ tiết kiệm và mở tài khoản, chuyển tiền vào tài khoản đó theo hướng dẫn của đối tượng lừa đảo.
Khi nghe bà N yêu cầu rút 260 triệu đồng từ sổ tiết kiệm, nét mặt mệt mỏi, trạng thái tâm lý hoang mang, nhân viên ngân hàng đã nhanh chóng liên hệ với Công an huyện Ba Vì.
Sau khi nắm tình hình, cán bộ Công an huyện Ba Vì và nhân viên Ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Ba Vì đã giải thích rõ cho bà N về thủ đoạn lừa đảo này và nhắc nhở bà N không nghe, không làm theo yêu cầu của đối tượng.
Hay như sự việc xảy ra vào sáng 22/6, trực ban Công an phường Đức Giang (quận Long Biên, Hà Nội) nhận được phản ánh từ phòng giao dịch ngân hàng BIDV Thành Đô - Chi nhánh Việt Hưng, về việc đang có 2 khách hàng cao tuổi là cặp vợ chồng trú tại phường Đức Giang làm thủ tục mở tài khoản để chuyển số tiền hơn 3 tỷ đồng.
Nhân viên ngân hàng đã khéo léo hỏi mục đích mở tài khoản và chuyển tiền nhưng 2 vị khách nhất định không nói. Thậm chí, bà cụ còn lo lắng: “Có nói các cô cũng không giúp minh oan được cho chúng tôi”.
Ngay lập tức, lãnh đạo Công an phường Đức Giang phân công 1 Cảnh sát khu vực và 1 trinh sát hình sự đến phòng giao dịch. Lúc này, hai vị khách cao tuổi sắp hoàn tất thủ tục mở tài khoản, còn điện thoại của họ cũng liên tục bị 1 đối tượng nam giới gọi, giục đẩy nhanh thủ tục chuyển tiền. Khi thấy trinh sát hình sự Công an phường Đức Giang nghe máy, đối tượng lập tức tắt máy. Đến lúc này, cặp vợ chồng già mới hiểu mình suýt bị lừa.
Cán bộ Công an và ngân hàng kịp thời ngăn chặn vụ lừa đảo chuyển hơn 3 tỷ đồng |
Theo lời khai của 2 vị khách, trước đó, ông bà nhận được điện thoại của 1 người tự xưng là “công an chống ma túy” đang điều tra đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia, liên quan đến nhiều đối tượng, thành phần, thậm chí có cả công an tham gia.
Sau một hồi đe dọa, đối tượng hướng dẫn vợ chồng ông bà phải chuyển số tiền hơn 3 tỷ đồng trong tài khoản, bằng cách mở một tài khoản khác và cung cấp cho “cơ quan công an” do anh ta làm đại diện, để giám sát việc luân chuyển dòng tiền. Đến khi điều tra xong, đối tượng thông báo và sẽ trả lại quyền kiểm soát tài khoản cho ông bà…
Lúc đầu còn phân vân nhưng nghe vị “Công an” nhắc đến số tiền tương đối trùng khớp với tiền đang gửi ngân hàng, vợ chồng ông bà tin là thật, lập tức cùng ra ngân hàng để làm các thủ tục theo hướng dẫn. Tuy nhiên rất may, nhân viên ngân hàng do từng được tuyên truyền, hướng dẫn nhận biết thủ đoạn của tội phạm lừa đảo giả danh công an, nên đã báo tin cho công an cùng phối hợp ngăn chặn.
Người dân cần nâng cao cảnh giác
Trước hàng loạt các vụ việc xảy ra, Công an thành phố Hà Nội khẳng định, để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an xã, thị trấn. Tuyệt đối không có việc Công an gọi điện thoại yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.
Lực lượng Công an đã ngăn chặn kịp thời một trường hợp thoát khỏi thủ đoạn lừa đảo qua mạng |
Vì vậy, khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, giải quyết kịp thời.
Thời gian qua, Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ phối hợp Công an các quận, huyện, thị xã nhiều lần khuyến cáo người dân cảnh giác, không chuyển tiền và cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.
Đặc biệt, Công an thành phố Hà Nội cũng khuyến cáo, người dân nêu cao tinh thần cảnh giác; Tuyệt đối không thực hiện và làm theo hướng dẫn của các đối tượng tự xưng là cơ quan công an, cơ quan thuế, ngân hàng… đe dọa, yêu cầu chứng minh tài chính, chuyển tiền vào tài khoản, đăng nhập đường link lạ, qua điện thoại, mạng xã hội….