Thứ sáu, 20/09/2024 - 06:21

Long An: Tăng cường phòng, chống sạt lở

Trước tình trạng sạt lở bờ sông, kênh trên địa bàn diễn ra ngày càng nhiều và phức tạp, UBND tỉnh Long An yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện công tác phòng, chống sạt lở nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và hoạt động sản xuất của người dân.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Nguyễn Minh Lâm, các đơn vị, địa phương trong tỉnh cần tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ lòng, bờ sông và bãi sông; đặc biệt là việc xây dựng nhà ở, công trình ven sông, trên sông và khai thác đất, sỏi trái phép ở lòng sông làm gia tăng nguy cơ sạt lở bờ sông. Các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cộng đồng và người dân về phòng, chống sạt lở; tập trung kiểm tra, rà soát, khoanh vùng và đánh giá phân loại mức độ sạt lở, nguy cơ sạt lở bờ sông; tổng hợp, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, huy động các nguồn lực để thực hiện phòng chống.

Ông Nguyễn Minh Lâm đề nghị, tập trung ưu tiên cắm biển cảnh báo sạt lở, lập phương án di dời và tổ chức di dời các hộ dân bị ảnh hưởng đang sinh sống tại các khu vực có diễn biến sạt lở, nguy cơ xảy ra sạt lở lớn; xây dựng công trình bảo vệ bờ sông tại những khu vực dân cư tập trung, cơ sở hạ tầng quan trọng không thể di dời; tăng cường huy động các nguồn lực để xây dựng kè chống sạt lở bảo vệ bờ sông, kết hợp đa mục tiêu, làm cơ sở để nhân rộng, giảm áp lực ngân sách nhà nước.

Các địa phương, đơn vị cần tiếp tục rà soát các hộ dân sinh sống trong khu vực đang có diễn biến sạt lở hoặc có nguy cơ cao xảy ra sạt lở để bổ sung vào chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, di cư tự do giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022.

Theo ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Long An, thời gian qua, tình trạng sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh diễn ra với tần suất ngày càng nhiều và rất phức tạp, không dự báo được. Sạt lở đất đã làm cuốn trôi nhiều tài sản, diện tích đất ở, đất sản xuất của nhân dân; làm sập đổ, hư hỏng nhiều nhà ở, đường giao thông, hệ thống đê điều; đặc biệt gây tâm lý hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tinh thần của người dân.

Từ đầu năm 2024 đến nay, tại Long An đã xảy ra 12 điểm (khu vực) sạt lở, sụt lún nghiêm trọng với tổng chiều dài sạt lở gần 2.300m. Trong đó, vụ sạt lở bờ sông Vàm Cỏ Tây tại xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa với chiều dài 32m, cắt đứt đường giao thông, làm ảnh hưởng đến đời sống của hơn 100 hộ dân; sạt lở đê bao Vàm Cỏ Tây tại xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa với tổng chiều dài 260 m đe dọa 1.700 ha đất sản xuất và gần 400 hộ dân bên trong đê; sạt lở đê bao sông Vàm Cỏ Tây tại xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành với chiều dài 54m đe dọa trực tiếp đến đời sống của 30 hộ dân…/.

Bùi Giang

Lượt xem: 8
Tác giả: Bùi Như Trường Giang
Nguồn:TTXVN Sao chép liên kết
Tin liên quan