Thứ ba, 26/11/2024 - 13:46

Nặng gánh "khoán" chỉ tiêu, giáo viên mệt mỏi vì luyện thi học sinh giỏi

Hiện nay, nhiều giáo viên không còn mặn mà với việc luyện thi học sinh giỏi, thậm chí công việc này trở thành áp lực và gánh nặng dai dẳng.

Bị "khoán" chỉ tiêu học sinh giỏi

Trải qua gần 20 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, cô Lê Thị Hằng - giáo viên THCS tại Thanh Hóa đã có nhiều năm dẫn dắt đội tuyển thi học sinh giỏi môn Vật lý. Vững chuyên môn lại say với nghề, mỗi khóa học sinh cô Hằng dìu dắt đều đem về thành tích cao cho nhà trường. Thế nhưng thực tế, cô Hằng không mấy mặn mà với công việc luyện thi, cô liên tục từ chối dẫn đội tuyển nhưng không được chấp nhận.

“Có nhiều nguyên nhân khiến tôi từ chối luyện thi học sinh giỏi, trong đó, nguyên nhân chính là thiếu nguồn học sinh và các em không có hứng thú học ôn. Các cụ xưa có câu “có bột mới gột nên hồ”. Nhiều năm, học sinh không có năng khiếu, không thích thú với việc tham gia đội tuyển nên rất khó để vực lên.

Đặc biệt với các môn tự nhiên, tố chất của học sinh rất quan trọng trong việc ôn luyện, đào tạo “gà nòi”. Ngay từ khi tuyển chọn học sinh đã không đạt chất lượng, không có quyết tâm thì rất khó để mang về thành tích cao” – cô Hằng chia sẻ.

Theo cô Hằng nhận xét, đặc thù các trường thuộc khu vực huyện, quá trình tuyển chọn, ôn luyện cho học sinh rất khó khăn, vất vả. Đặc biệt, những năm gần đây, đối tượng học sinh chăm học, ham học ngày càng ít hơn. Trong khi đó, đều đặn hằng năm Phòng Giáo dục và Đào tạo đều "khoán" chỉ tiêu học sinh giỏi về các trường, trường lại "khoán" cho giáo viên. Nhưng thực tế, tuyển chọn học sinh đầu vào đội tuyển không đảm bảo chất lượng nên khó có thể đảm bảo đầu ra.

Vì vậy, nhiều năm qua, việc chọn lọc, bồi dưỡng học sinh giỏi là áp lực, gánh nặng với cô Hằng và nhiều giáo viên khác trong trường.

"Chúng tôi chẳng còn động lực”

Nhớ lại từng quãng thời gian ôn thi học sinh giỏi, cô Hằng cảm thấy áp lực như muốn ngộp thở. Áp lực từ dạy học trên trường, soạn giáo án, giảng dạy, chấm bài đến tìm tòi, nghiên cứu tài liệu, kèm cặp học sinh giỏi,… Bỏ bao tâm huyết, vất vả, nỗ lực là thế nhưng nghịch lý là dù có giải cao, công lao mà giáo viên được trả không hề tương xứng.

“Suốt từ tháng 6 đến cuối tháng 10, tuần nào 2 em học sinh trong đội tuyển cũng đến nhà tôi học 2 - 3 buổi miễn phí, cao điểm có tuần đến 4 - 5 buổi. Kết quả, cô trò chúng tôi có giải Ba cấp huyện. Cả giai đoạn cố gắng như vậy, nhưng tiền thưởng và tiền bồi dưỡng của nhà trường được hơn 2 triệu đồng.

Chưa kể, phụ huynh ở nông thôn nhiều người không quan tâm đến việc học tập của con. Tôi ôn thi cho các em miễn phí nhưng phải động viên mãi phụ huynh mới cho con đi học. Nhiều hôm cô trò dạy hăng say quên giờ, tôi còn bị phụ huynh mắng.

Nghĩ mà thấy công sức mình bỏ ra không hề xứng đáng. Thậm chí, dù tôi đã có học sinh đạt giải cuộc thi học sinh giỏi các cấp nhưng cuối năm vẫn không đủ điều kiện xếp loại thi đua xuất sắc mà chỉ được tiên tiến. Thu nhập không có, thành tích không, thành thử chúng tôi chẳng còn động lực” - cô Hằng thở dài.

"Không được động viên mà chỉ thấy phạt với phê bình"

Gần 15 năm công tác trong ngành Giáo dục, dẫn dắt biết bao đội tuyển học sinh giỏi tiếng Anh, cô Nguyễn Lan Phương - giáo viên THCS vẫn bất giác thở dài khi nhắc đến cụm từ "luyện thi học sinh giỏi".

Cô Phương cho biết, học sinh từ lớp 6, 7 đã thi giao lưu 3 môn Toán Văn Anh ở cấp cụm, đến lớp 8 thi học sinh giỏi cấp huyện để lấy "nguồn", năm lớp 9 thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Cứ như vậy, giáo viên và học sinh bị cuốn vào các cuộc thi. 

"Học sinh thì lao vào các môn thi học sinh giỏi, các môn học còn lại thì sa sút, học với tâm thế nhởn nhơ. Giáo viên vừa chăm lo công việc trường lớp, giảng dạy các khối, vừa lo soạn giáo án dạy học sinh giỏi. Nỗ lực cả quá trình, cô trò đạt giải thì được cộng 1 điểm thi đua, nhưng để trắng bảng thì trừ tận 5 điểm. Từ thực tế như vậy, giáo viên chúng tôi cảm thấy không được động viên mà chỉ thấy phạt với phê bình.

Học sinh chán nản, phụ huynh cau có xin cho con nghỉ đội tuyển, giáo viên chúng tôi cũng mệt mỏi, lâu dần sinh tâm thế chống đối, không còn mặn mà với việc ôn luyện" - cô Phương thở dài.

Lượt xem: 697
Tác giả: Thiều Trang - Tường Vân
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật