Thứ ba, 03/12/2024 - 23:47

Nghệ thuật uốn lượn từ sắt vụn thô ráp

Triển lãm 'Đường vòng của sắt' tại vườn hoa Tao Đàn đang tạo ra những điều kỳ thú, bất ngờ.

Kiến trúc sư Dương Nguyễn Hiệp tạo ra các tác phẩm nghệ thuật từ sắt vụn.

Kiến trúc sư Dương Nguyễn Hiệp tạo ra các tác phẩm nghệ thuật từ sắt vụn.

 

Nằm trong chuỗi hoạt động Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, triển lãm “Đường vòng của sắt” tại vườn hoa Tao Đàn đang tạo ra những điều kỳ thú, bất ngờ.

“Hồi sinh” sắt vụn

Lay động cảm xúc từ những mẩu sắt vô tri vô giác, lại là sự khởi đầu trong hành trình bén duyên 10 năm của kiến trúc sư Dương Nguyễn Huy. Chẳng ai nghĩ rằng từ những mảnh sắt vụn thô ráp, thậm chí còn hoen gỉ lại có thể mang lại cảm xúc nhiều đến thế. Điều này trở thành hiện thực bởi bàn tay sắp đặt đầy nghệ thuật, những mảnh thừa sắt vụn trở thành nguồn cảm hứng sinh động và khởi nguồn cho những tác phẩm điêu khắc tuyệt vời.

Cùng với hàng trăm hoạt động xoay quanh Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, triển lãm “Đường vòng của sắt” được công chúng Thủ đô chú ý bởi những tác phẩm uốn lượn mềm mại bằng vật liệu từ các mảnh thừa của sắt vụn han gỉ.

Được mệnh danh là “người nói hộ lời của sắt”, trong những năm qua kiến trúc sư Dương Nguyễn Huy đã sáng tạo nhiều tác phẩm có phần lạ lùng, có phần kịch tính, mới lạ và thậm chí là “không tưởng”. Mỗi tác phẩm đều thể hiện những ý tưởng thiết kế đầy chủ ý, truyền đi những thông điệp không chỉ về nghệ thuật mà còn về hiện thực cuộc sống.

Sự sáng tạo không ngừng trong ý tưởng và sự hoàn thiện về kỹ thuật trong từng tác phẩm, qua thời gian đã giúp Dương Nguyễn Huy thổi hồn cho những mảnh vụn kim loại và biến hóa chúng thành những tác phẩm bay bổng, được đón nhận tích cực của công chúng trong nước và quốc tế.

Chủ đề sáng tác của Dương Nguyễn Huy được hiện thực hóa với dòng tác phẩm chính, là con người và tự nhiên mang tính gợi mở. Dòng chảy của sự sáng tạo không ngừng hồi sinh và biến hóa mảnh sắt vụn khô cứng “khó bảo”, thành những nét điêu khắc đa dạng và thăng hoa, uốn lượn đến mức mềm mại, uyển chuyển như sợi bún.

 

Sự ngạc nhiên, thích thú là cảm nghĩ của người xem khi ngắm những tác phẩm cực kỳ sống động về các con vật như trâu, hổ, dê; những loại côn trùng như gián, bọ... đều có những biểu cảm đa dạng. Ngắm nhìn những tác phẩm từ sắt thép, người xem có cảm giác như sắt cũng có tiếng nói, có tâm tình và cũng biết biểu hiện tình cảm thông qua dáng hình, khuôn nét trong các chi tiết mô tả điêu luyện của tác giả.

Lấy cái cứng của sắt để biểu đạt sự uyển chuyển của trạng thái và động tác. Để làm được điều ấy, Dương Nguyễn Huy phải trải qua một quá trình gian khổ gắn với các thực hành ít mang tính nghệ thuật - đó là đi nhặt nhạnh phế liệu sắt, rồi uốn, gò, mài, ghép và gắn, hàn như một anh thợ sắt lành nghề.

Thế nhưng, cái khác biệt giữa một anh thợ sắt với một nhà điêu khắc lại biểu hiện rõ rệt trong những tác phẩm của Dương Nguyễn Huy. Tính nghệ thuật, ý niệm sáng tạo, tính biểu đạt qua từng khối đường nét lại chứng tỏ tác giả đã vượt lên sự lành nghề thông thường để sắt vụn được công nhận là tác phẩm nghệ thuật.

“Mọi người hay nói sắt vụn chỉ là phế thải sản xuất. Phẩm giá của tấm sắt khi “sinh ra” là để sử dụng vào các mục đích chính gọi là phần dương, những mảnh vụn được coi là phần âm. Khi tận dụng những mảnh vụn để ghép chúng lại thành những tác phẩm hoàn hảo thì chính là làm “dương hóa” phần âm. Đứng về góc độ nghệ thuật, đó cũng là một cách để biểu hiện cái đẹp”, kiến trúc sư Dương Nguyễn Huy cho hay.

nghe-thuat-uon-luon-tu-sat-vun-tho-rap-2.jpg

nghe-thuat-uon-luon-tu-sat-vun-tho-rap-3.jpg

nghe-thuat-uon-luon-tu-sat-vun-tho-rap-4.jpg

Các tác phẩm đang được trưng bày tại vườn hoa Tao Đàn.

 

“Làm giàu” không gian công cộng

Với hàng chục năm mày mò nghiên cứu và thực hành điêu khắc với vật liệu sắt vụn, đến nay kiến trúc sư Dương Nguyễn Huy được biết đến như một “Iron man”. Anh đã có cho mình khá nhiều các cuộc triển lãm cá nhân và nhóm tại các không gian nghệ thuật như: 22 Hàng Buồm, công viên Đảo Ngọc, vườn hoa Hàng Đậu…

Mới đây nhất tại vườn hoa Lê Trực, triển lãm “Dáng thép” được Dương Nguyễn Huy tổ chức với hàng chục tác phẩm tượng độc đáo. Với một triển lãm ngoài trời, những tác phẩm tượng vừa độc lập, vừa hòa quyện với không gian thiên nhiên tạo ra những mảng miếng của nghệ thuật công cộng – điều đang rất thiếu và yếu của một thành phố sáng tạo như Hà Nội.

Trước đó, anh cùng họa sĩ Hoàng Đỗ Cường và Ronald Conners mở triển lãm chung mang tên “Trời sinh ra đã thế”. Giữa những bức tranh nhẹ và mềm của 2 họa sĩ, tác phẩm mang tên “Thép uốn” của Dương Nguyễn Huy tạo cảm giác tương phản hoàn toàn với hội họa. Thế nhưng càng chiêm ngắm tác phẩm, sự tương phản càng được rút ngắn bởi sắt được tạo tác mềm mại cong uốn tùy ý không khác gì đất sét.

Các tác phẩm ghép từ mảnh thép, kết nối với nhau tựa như những đoạn tự truyện. Chúng cũng được ví như các trường nam châm, có thể đẩy hoặc hút nhau tạo ra trạng thái xao động và rộng mở. Những cái chum bằng thép vốn tạo cảm giác rất thô và cứng, nhưng sự tài tình của nhà điêu khắc là làm cho cái chum ấy theo hình dáng lồi lõm, vẹo vọ như thể đất sét phản ứng khi hỏa biến trong lò quá lửa.

Những tác phẩm sắt thép của Dương Nguyễn Huy cũng từng được trưng bày bên cạnh các bức tranh của GS.KTS Hoàng Đạo Kính trong triển lãm “Sắc mầu và dáng Thép”. Nếu như hội họa của Hoàng Đạo Kính nhẹ nhàng, sâu sắc thì điêu khắc của Dương Nguyễn Huy lại mạnh mẽ, phiêu du. Sự đối lập ấy tiếp tục được các nhà nghệ thuật phối kết nhằm đem lại cảm quan thị giác ấn tượng.

Nhìn những tác phẩm từ sắt thép ấy, điêu khắc gia Tạ Quang Bạo nhận xét rằng, Dương Nguyễn Huy cảm thụ không gian rất tốt. Ngôn ngữ và chất liệu điêu khắc rất phù hợp với nội thất các tòa nhà hiện đại, với các không gian sân vườn, không gian công cộng bởi tính biểu đạt nhiều chiều.

 

Người phương Tây đã rất quen thuộc với những tác phẩm mỹ thuật - công nghiệp, nhưng ở Việt Nam thì tương đối ít và hiếm. Vì vậy, cần nhiều hơn nữa các sáng tạo và trưng bày như của Dương Nguyễn Huy để “làm giàu” và giúp không gian nghệ thuật công cộng thêm sinh động.

Theo Ban tổ chức Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, có 36 hoạt động liên quan đến triển lãm, trưng bày và sắp đặt nghệ thuật. Trong đó, “Đường vòng của sắt” là triển lãm sắp đặt ngoài trời duy nhất về các tác phẩm từ vật liệu sắt thép. Triển lãm nhằm mở ra những quan niệm mới về chủ đề “thiết kế - sáng tạo”, nhằm lan tỏa tinh thần sáng tạo không giới hạn của người Thủ đô, xứng đáng với danh hiệu là thành phố đầu tiên của Việt Nam tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Lượt xem: 6
Nguồn:giaoducthoidai.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật