Người dân vùng biên Hà Tĩnh thấp thỏm vì sạt lở
Do ảnh hưởng của mưa lũ, những năm gần đây nhiều diện tích trồng chè của người dân xã Sơn Kim 2 (huyện Hương Sơn) bị sạt lở cuốn theo sông Ngàn Phố.
Khu vực trồng chè ở thôn Tiền Phong (xã Sơn Kim 2) bị sạt lở lấn sâu. |
Thấp thỏm khi lũ về
Chạy dọc khoảng 6km theo con sông Ngàn Phố, hàng chục năm qua, những bãi đất màu mỡ ven sông có tổng diện tích gần 100ha thuộc địa bàn thôn Tiền Phong (xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn) là nơi sản xuất chè công nghiệp của 97 hộ dân vùng biên.
Nhờ chính sách hỗ trợ kỹ thuật và mở rộng thị trường, những năm gần đây cây chè đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều người dân, loại cây này được xem là nguồn kinh tế chủ lực, giúp người dân vùng biên thoát nghèo.
Theo tính toán của người trồng chè ở thôn Tiền Phong, sản lượng chè ở đây thường đạt trên 20 tấn/ha, thu về từ 140 - 160 triệu đồng/ha/năm. Chè búp sau thu hoạch đều được Xí nghiệp Chè Tây Sơn (Sơn Kim 2) thu mua hết nên bà con rất yên tâm.
Việc giá cả, tiêu thụ ổn định khiến người trồng chè ở đây chưa kịp mừng thì thời gian qua, do thiên tai mưa lũ, nhiều khu vực trồng chè lâu năm bị sạt lở xuống nước, cuốn trôi dần khiến người dân thấp thỏm lo âu.
Bà Phạm Thị Hằng (41 tuổi, thôn Tiền Phong) cho biết, cây chè đã mang lại nguồn thu nhập ổn định, nhờ đó gia đình bà có điều kiện mua sắm tiện nghi, lo cho con cái học hành.
“Vào mùa mưa, đặc biệt là mỗi lần lũ lụt là nước sông lại “ngoạm” thêm một số diện tích chè. Vì vậy, mỗi lần mưa lũ tràn qua là người dân thôn Tiền Phong lại tất tả chạy đến ruộng chè để xem xét có bình yên hay không”, bà Hằng lo lắng.
Gia đình bà Nguyễn Thị An (56 tuổi, thôn Tiền Phong) có 0,3ha chè bên bờ sông Ngàn Phố, gần 10 năm qua, diện tích chè trên mang lại thu nhập cho gia đình bà khoảng 50 - 60 triệu đồng/năm.
“Gia đình tôi có 4 người, 2 con còn nhỏ. Chồng tôi là người khuyết tật, thu nhập chính chỉ trông chờ vào các vườn chè. Bây giờ, toàn bộ chè đã bị mất trắng, tôi không còn gì để sản xuất, thi thoảng lại đi hái chè thuê cho các hộ khác”, bà An ngậm ngùi.
Trông chờ dự án kè
Ông Nguyễn Đình Toàn - Trưởng thôn Tiền Phong cho biết, trên địa bàn thôn có 6 vùng trồng chè nhưng tất cả đều bị sạt lở, nhiều hộ mất trắng diện tích chè đã trồng nhiều năm.
“Nếu không có giải pháp xây kè ngăn chặn, không lâu nữa toàn bộ diện tích đất khu vực này sẽ dần biến mất. Bà con không chỉ mất tư liệu sản xuất mà nguồn thu nhập sau nhiều năm xây dựng cũng bị cuốn theo dòng nước”, ông Toàn nói.
Ông Lê Hồng Phong - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 2 cho biết, toàn xã hiện có 93ha chè của 97 hộ dân canh tác. Sạt lở sông Ngàn Sâu đã gây thiệt hại chè của 50 hộ, khiến thu nhập từ bán chè búp của họ bị giảm đáng kể.
Chỉ tính riêng sạt lở do mưa lũ từ ảnh hưởng bão số 3 và số 4 gây ra trong năm nay đã khiến diện tích chè ở khu vực Đượng Dâu và Đượng Cựa thuộc thôn Tiền Phong bị sạt lở với chiều dài khoảng 600m, chiều rộng 4m, tương đương khoảng 2.400m2.
Thống kê sơ bộ, sạt lở sông Ngàn Phố những năm qua đã ảnh hưởng đến khoảng 10ha chè ven sông Ngàn Phố của người dân xã Sơn Kim 2. Trong đó, diện tích chè đã bị cuốn trôi xuống sông ước tính khoảng 6ha.
“Tình trạng sạt lở xảy ra đã nhiều năm nay, người dân cùng với chính quyền xã Sơn Kim 2 đã nhiều lần kiến nghị cấp trên quan tâm, bố trí dự án kè bờ sông Ngàn Phố để hạn chế sạt lở, bảo vệ đất canh tác cho người dân. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa bố trí được dự án.
Dẫu biết nguồn kinh phí để thực hiện dự án kè sông Ngàn Phố rất lớn. Trong khi ngân sách của huyện, của tỉnh cũng còn khó khăn nhưng trước tình trạng cấp bách do sạt lở nặng nề như vậy, cán bộ và nhân dân xã Sơn Kim 2 rất mong sớm được cấp trên bố trí ngân sách để kè bờ sông này”, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 2 nêu nguyện vọng.
Ông Trần Quang Hòa - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn cho hay, trước tình trạng sạt lở nhiều diện tích trồng chè của người dân xã Sơn Kim 2, đơn vị đang phối hợp với ngành chức năng tiến hành kiểm tra, đánh giá cụ thể. Ông cho biết: “Việc mất diện tích sản xuất gây nhiều khó khăn cho đời sống người dân. Tuy nhiên, nếu làm kè thì chi phí đầu tư rất lớn, khoảng 50 tỷ đồng/km. Do đó, sau khi có đánh giá tổng thể, ngành chức năng mới đưa ra các phương án hỗ trợ, bảo vệ diện tích trồng chè bên bờ sông Ngàn Phố”.