Thứ tư, 15/01/2025 - 13:52

Nhanh chóng thích ứng, đẩy mạnh, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số báo chí

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi, bên cạnh những cơ hội chuyển đổi số mang lại thì không thể không kể đến những thách thức mà lớn nhất trong đó là sự cạnh tranh quyết liệt của mạng xã hội với đặc điểm dễ tiếp cận, dễ chia sẻ, thông tin nhanh nhạy, đa dạng... Những cơ hội, thách thức đó buộc mọi cơ quan báo chí trên thế giới trong đó có các nước ASEAN phải nhanh chóng thích ứng, đẩy mạnh, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số.

Chủ toạ Phiên thứ nhất của Hội thảo với chủ đề “Lý luận chung về quản trị toà soạn số”.

Chủ toạ Phiên thứ nhất của Hội thảo với chủ đề “Lý luận chung về quản trị toà soạn số”.

Ngày 7/12/2023, tại TP. Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị toà soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN”.

Tham dự Hội thảo có 07 đoàn đại biểu quốc tế đến từ Liên đoàn báo chí ASEAN. Về phía Việt Nam, có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; Đảng đoàn, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện lãnh đạo cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo Trung ương, địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà báo và đông đảo hội viên Hội Nhà báo Việt Nam...

"Khộng thể làm được nếu như không làm cùng nhau"

Đây là Hội thảo báo chí quốc tế lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam năm 2023, do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức để xây dựng cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, đề xuất kinh nghiệm giải pháp phát triển nền báo chí Việt Nam và các quốc gia khu vực ASEAN, là hoạt động nền tảng cho việc tiếp tục thảo luận, đề xuất các sáng kiến đổi mới sáng tạo báo chí, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong Liên đoàn báo chí ASEAN nói riêng và cộng đồng các nước ASEAN nói chung trong thời gian tới.

Hội thảo cũng tạo ra một cơ hội trao đổi mở để chia sẻ tình hình, tiến trình, và các giải pháp chuyển đổi số tốt nhất trong lĩnh vực báo chí truyền thông của các nước ASEAN. Qua đó, các đại biểu tiếp tục thảo luận, đề xuất các sáng kiến, ưu tiên hợp tác thời gian tới trong Cộng đồng ASEAN; nhằm cùng nhau xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn, đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả, tạo nguồn thu mới, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Lâm – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí đã có sự quan tâm đặc biệt của Việt Nam với việc Chính phủ ban hành Quyết định số 348 ngày 6/4/2023 phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Ông Nguyễn Thanh Lâm – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu khai mạc Hội thảo.

Ông Nguyễn Thanh Lâm – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu khai mạc Hội thảo.

Theo Thứ trưởng, các cơ quan truyền thông, báo chí hơn bao giờ hết đang đứng trước cơ hội và thách thức vô cùng lớn của chuyển đổi số. Các cơ quan báo chí phải tiếp tục thực hiện sứ mệnh dẫn dắt thông tin chính thống, định hướng cho cộng đồng, công chúng dưới diễn biến không gian mạng ngày càng có nhiều phức tạp. 

Ông Lê Quốc Minh - Tổng biên tập Báo Nhân Dân, nhận định, Hội thảo này nhằm kết nối, trao đổi, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong chuyển đổi số báo chí giữa các nước ASEAN, góp phần gợi mở giải phápxây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số. Hội thảo cũng hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hợp tác Liên đoàn Báo chí ASEAN, phát huy vai trò quốc tế trong khối ASEAN của Hội Nhà báo Việt Nam.

“Các cơ quan báo chí trên thế giới nói chung và các nước ASEAN nói riêng không thể làm được nếu như không làm cùng nhau, đồng thời cũng khó có thể làm được nếu không đẩy mạnh chuyển đổi số vì báo chí gắn bó mật thiết với sự phát triển của công nghệ và những thói quen mới mà người tiêu dùng thông tin trên thế giới nói chung, khu vực ASEAN và Việt Nam nói riêng”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm thông tin, Việt Nam hiện có hơn 800 cơ quan thông tấn báo chí, với gần 1 triệu các tin tức, bài báo, sản phẩm truyền thông được xuất bản trên internet mỗi ngày. Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, bằng cách áp dụng các công cụ và thuật toán phân tích dữ liệu mỗi ngày, chúng ta cũng có thể xác định được xu hướng, mối quan tâm của bạn đọc, đó là một trong những gợi ý hết sức quan trọng cho các bạn đồng nghiệp, các cơ quan báo chí phục vụ cộng đồng, độc giả tốt hơn.

Các nhà báo phải liên tục cập nhật công nghệ để không bị tụt hậu

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, ông Nguyễn Đức Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, bên cạnh những cơ hội chuyển đổi số mang lại thì không thể không kể đến những thách thức mà lớn nhất trong đó là sự cạnh tranh quyết liệt của mạng xã hội với đặc điểm dễ tiếp cận, dễ chia sẻ, thông tin nhanh nhạy, đa dạng...

Quang cảnh Hội thảo. 

Quang cảnh Hội thảo. 

Những cơ hội và thách thức đó buộc mọi cơ quan báo chí trên thế giới, trong đó có các cơ quan báo chí ở các nước ASEAN phải nhanh chóng thích ứng, đẩy mạnh, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. Xét cho cùng, mục tiêu của chuyển đổi số chính là nhằm xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn và phụng sự xã hội.

“Việc tổ chức Hội thảo sẽ giúp cho các cơ quan báo chí, các nhà báo trong ASEAN hiểu hơn và tham gia sâu hơn vào việc chuyển đổi số góp phần tạo nên một nền báo chí ASEAN phát triển mạnh mẽ hơn, cập nhật hơn những cách thức làm báo mới, thúc đẩy thông tin báo chí trong khu vực được lan toả mạnh hơn, tốt hơn. Từ đó, góp phần cho sự thông hiểu lẫn nhau giữa công chúng, dân chúng ASEAN với tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi đất nước; tăng cường tình hữu nghị, hợp tác giữa các nước trong khu vực”, ông Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.

Tham luận tại phiên thứ nhất, phóng viên Báo Shin Min Daily News của SPH Media của Singapore chia sẻ rằng, khó khăn lớn nhất trong quá trình chuyển đổi số báo chí là sự phát triển quá nhanh của công nghệ. Điều này đòi hỏi các nhà báo phải liên tục cập nhật công nghệ, "phải theo kịp" để không bị tụt hậu và giữ chân độc giả. 

Tại Hội thảo, các đại biểu sẽ thảo luận sâu những vấn đề về quản trị toà soạn số hiện nay, như: Xu hướng phát triển báo chí số trên thế giới và các quốc gia khu vực ASEAN; Quản trị toà soạn số - cơ hội và thách thức với báo chí các quốc gia khu vực ASEAN; Chiến lược chuyển đổi số báo chí ở Việt Nam: cơ hội và thách thức với các cơ quan báo chí; Nền tảng số và công cụ số trong quản trị toà soạn báo chí số; Ứng dụng công nghệ trong xây dựng và quản trị tòa soạn số; Nhân lực cho vận hành toà soạn số…

Ngoài ra, các nhà khoa học, chuyên gia và nhà báo tham dự Hội thảo sẽ phân tích sâu về quản trị nội dung và quản trị toà soạn số; công nghệ số áp dụng để xây dựng toà soạn số và hệ sinh thái cơ quan báo chí; hướng tiếp cận vấn đề từ công nghiệp văn hoá, công nghiệp nội dung, công nghiệp số, kinh tế - kinh doanh - tài chính…

Hội thảo diễn ra theo 2 phiên, bao gồm: Phiên thứ nhất với chủ đề “Lý luận chung về quản trị toà soạn số”; Phiên thứ hai với chủ đề “Quản trị toà soạn số: thực tiễn, kinh nghiệm và giải pháp”. 

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, cuối năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ công bố mức độ "trưởng thành" về chuyển đổi số của các cơ quan báo chí. Nhiều cơ quan báo chí Việt Nam đã mạnh dạn đưa sản phẩm báo chí của mình lên không gian mạng, xuyên biên giới, đem lại trải nghiệm mới, bài học mới trong quá trình làm báo trên không gian mạng.

Lượt xem: 23
Nguồn:tapchitaichinh.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật