Thứ sáu, 09/05/2025 - 21:46

Nhiều học sinh "nhờn luật", “bình thường hóa” việc không đội mũ bảo hiểm

Tại nhiều cổng trường ở Hà Nội, hình ảnh học sinh điều khiển xe đạp điện, xe máy điện mà không đội mũ bảo hiểm đang trở nên phổ biến đến mức đáng lo ngại. Dù quy định pháp luật đã có, hậu quả thực tế đã được cảnh báo nhưng ý thức tự bảo vệ và chấp hành luật của một bộ phận học sinh, cùng sự buông lỏng từ gia đình, nhà trường, vẫn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đối với đối tượng này mỗi ngày.

Không đội mũ vì… “quen rồi”

Khoảng 16h30, tại một cổng trường THPT trên đường Nam Cao (quận Ba Đình, Hà Nội), đoàn học sinh đổ ra sau giờ tan học, tấp nập trên xe điện, xe máy. Tuy nhiên, có một điểm chung dễ nhận thấy là rất nhiều em không đội mũ bảo hiểm. Một số đội mũ lưỡi trai, một số gắn mũ bảo hiểm trên tay lái, không ít em thậm chí chở thêm một bạn ngồi sau cũng không mũ, vừa đi vừa cười đùa.

Phóng viên ghi nhận trong vòng chưa đầy 10 phút có ít nhất vài chục trường hợp học sinh không đội mũ khi điều khiển xe điện. Trên các tuyến phố như: Cầu Giấy, Đê La Thành, Tôn Đức Thắng... tình trạng tương tự cũng không hiếm.

Thói quen không đội mũ bảo hiểm khi đi xe điện đang trở nên khá phổ biến trong học sinh bậc THCS và THPT

Thói quen không đội mũ bảo hiểm khi đi xe điện đang trở nên khá phổ biến trong học sinh bậc THCS và THPT

Khi được hỏi lý do, nhiều em trả lời vì đi gần, đội mũ nóng, vướng víu, mất nếp tóc, hoặc đơn giản là… bạn bè cũng không đội nên mình thấy bình thường.

Nguyễn Trung Kiên, học sinh lớp 10 tại Hà Nội, thẳng thắn: “Em biết là phải đội mũ bảo hiểm nhưng hầu hết bạn em không ai đội mũ. Đợt đầu năm em còn đội, một thời gian sau không đội cũng thấy bình thường, không sao hết. Đi có vài trăm mét cũng nhanh nên em không đội".

Nhiều học sinh không đội mũ bảo hiểm cho rằng đi gần không sao

Nhiều học sinh không đội mũ bảo hiểm cho rằng đi gần không sao

Thói quen hình thành từ sự lặp lại và không bị nhắc nhở. Khi ngày nào cũng vi phạm mà không bị xử lý, dần dần, hành vi đó không còn được xem là “lỗi” trong nhận thức của người vi phạm. Đó chính là biểu hiện của sự “nhờn luật”.

Chị Nguyễn Thị Cúc, phụ huynh tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: “Tôi đứng chờ con tan học, chỉ trong vòng 10 phút đã thấy hàng chục em học sinh đi xe điện không đội mũ. Có em còn đi ngược chiều, lạng lách giữa dòng xe ô tô. Khi sự coi thường luật lệ trở thành thói quen, ranh giới giữa an toàn và tai nạn đối với con trẻ cũng mong manh hơn bao giờ hết”.

Cần hành động quyết liệt hơn

Tai nạn giao thông không phân biệt bạn đang đi học hay đi chơi, đi gần hay xa. Một cú ngã, một va chạm nhẹ cũng đủ gây chấn thương sọ não nếu không có mũ bảo hiểm.

Những lý do tưởng chừng nhỏ nhặt lại phản ánh sự dễ dãi trong nhận thức và thói quen xem nhẹ pháp luật (Hình ảnh ghi nhận trước cổng trường THPT Nguyễn Trãi, Ba Đình, Hà Nội)

Những lý do tưởng chừng nhỏ nhặt lại phản ánh sự dễ dãi trong nhận thức và thói quen xem nhẹ pháp luật (Hình ảnh ghi nhận trước cổng trường THPT Nguyễn Trãi, Ba Đình, Hà Nội)

Một trong những nguy hiểm lớn nhất khi không đội mũ bảo hiểm là nguy cơ chấn thương sọ não khi gặp tai nạn, dù là va quệt nhẹ hay té ngã đơn giản. Theo báo cáo của Bộ Y tế mới đây, mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em chết vì tai nạn giao thông, cùng với đó là khoảng 4.000 trẻ bị thương.

Không thể đổ hết lỗi cho học sinh. Chính sự dễ dãi của phụ huynh và sự thiếu kiên quyết từ nhà trường đang góp phần duy trì thói quen nguy hiểm này. Nhiều cha mẹ cho con dùng xe điện từ sớm nhưng không bao giờ kiểm tra việc đội mũ. Thậm chí có phụ huynh còn đưa con đi học bằng xe máy mà cũng không đội mũ cho con, tạo ra hình ảnh tiêu cực trong nhận thức của trẻ.

Không chỉ học sinh, nhiều phụ huynh còn thoải mái cho sự vô tư, không chấp hành luật lệ đó

Không chỉ học sinh, nhiều phụ huynh còn thoải mái cho sự vô tư, không chấp hành luật lệ đó

Giáo dục về an toàn giao thông không thể chỉ dừng ở những buổi tuyên truyền trên lớp. Nó cần bắt đầu từ hành động, từ chiếc mũ bảo hiểm được đội lên mỗi sáng. Nhà trường cần sát sao hơn, phụ huynh cần nghiêm khắc hơn và học sinh – hãy tự biết yêu lấy chính mạng sống của mình.

Thay đổi nhận thức cần thời gian nhưng thay đổi hành động có thể bắt đầu ngay. Đã đến lúc các bên liên quan: nhà trường, phụ huynh đến chính quyền địa phương cần phối hợp mạnh mẽ hơn để chấm dứt tình trạng “nhờn luật” trong học sinh.

Không ít cha mẹ mua xe điện cho con nhưng không nhắc nhở, không quản lý việc đội mũ bảo hiểm (ghi nhận tại trường THPT dân lập Văn Lang, Đống Đa, Hà Nội)

Không ít cha mẹ mua xe điện cho con nhưng không nhắc nhở, không quản lý việc đội mũ bảo hiểm (ghi nhận tại trường THPT dân lập Văn Lang, Đống Đa, Hà Nội)

Có thể chỉ mất vài giây để đội mũ bảo hiểm nhưng có thể mất cả cuộc đời nếu thiếu nó trong một khoảnh khắc. An toàn không đến từ may mắn, mà bắt đầu từ ý thức – từ một hành động nhỏ, đúng luật và đầy trách nhiệm.

Một chiếc mũ bảo hiểm không chỉ là vật bảo hộ, mà là biểu tượng của trách nhiệm với chính mình và với cộng đồng. Học sinh cần được giáo dục rằng, luật không phải để đối phó và sự an toàn không phải là điều có thể đánh đổi chỉ vì “quen rồi”.

 

 
Link bài gốc Copy link
 
Lượt xem: 3
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật