Thứ năm, 19/09/2024 - 23:50

Nỗ lực đổi mới hoạt động, tích cực xây dựng Thủ đô

2021 là năm đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Với quyết tâm đáp ứng ngày càng tốt hơn những yêu cầu, nguyện vọng của người dân trong giai đoạn mới; Cùng Quốc hội, thành phố xây dựng những cơ chế, chính sách nhằm phát triển Thủ đô và đất nước, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội đã tích cực đổi mới, nỗ lực triển khai nhiều hoạt động hiệu quả; Ghi dấu ấn trong lòng cử tri và Nhân dân Thủ đô.

Đóng góp thiết thực vào các quyết sách quan trọng của Quốc hội

Ngày 23/5/2021, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV diễn ra sau 75 năm đất nước giành được độc lập, 35 năm tiến hành đổi mới, hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2021) và đang bước vào giai đoạn triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới. Bởi vậy, đại biểu Quốc hội khóa XV được Nhân dân tín nhiệm, đang đặt trên vai trọng trách nặng nề hơn là phải đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cử tri trong bối cảnh mới có nhiều khó khăn, thách thức; Đặc biệt là dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất phức tạp.

Nỗ lực đổi mới hoạt động, tích cực xây dựng Thủ đô

Đoàn ĐBQH TP Hà Nội khóa XV tích cực thảo luận tổ tại các kỳ họp của Quốc hội

Bước ra từ cuộc bầu cử, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội với 29 đại biểu đại diện cho cử tri và Nhân dân Thủ đô đã bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của người đại biểu Nhân dân. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát tác động tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội của Thủ đô, đoàn ĐBQH Hà Nội đã bám sát chương trình, kế hoạch công tác của Quốc hội và tình hình thực tế, tổ chức các hoạt động phù hợp, tham gia đầy đủ có chất lượng các chương trình của Quốc hội và thành phố.

Công việc đầu tiên là tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào các dự án Luật theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Tổng hợp báo cáo theo quy định. Với tinh thần làm việc tích cực, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến vào 6 dự thảo Luật, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố tụng hình sự, Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi), Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi), Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi), Luật Cảnh sát cơ động.

Các vị ĐBQH trong Đoàn là thành viên của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã tích cực tham gia các cuộc họp để thẩm tra và góp ý kiến vào các dự thảo Luật, Nghị quyết sẽ trình tại các kỳ họp của Quốc hội.

Kết quả, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã xem xét, thông qua 29 Nghị quyết, trong đó có 17 Nghị quyết về tổ chức bộ máy và nhân sự; 11 Nghị quyết chuyên đề. Các đại biểu Quốc hội Hà Nội đã tham gia đóng góp 53 lượt ý kiến tại tổ và 16 lượt phát biểu tại hội trường.

Tại kỳ họp thứ hai, các đại biểu Quốc hội Hà Nội đã tích cực phát biểu ý kiến đóng góp vào các nội dung của kỳ họp như: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; Dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Vấn đề ngân sách Nhà nước, kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025; Công tác phòng chống dịch COVID-19, Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế; Đóng góp ý kiến vào các dự án Luật...

Đã có 82 lượt đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phát biểu ý kiến tại hội trường và tại các buổi họp tổ; Tham gia 16 lượt chất vấn và trả lời chất vấn; Tham gia biểu quyết thông qua các nghị quyết, dự án luật, các vấn đề quan trọng của đất nước trên tinh thần khách quan, nghiêm túc, trách nhiệm cao với cử tri. Đáng kể, các ý kiến thảo luận được các đại biểu nghiên cứu kỹ lưỡng và đảm bảo chất lượng, thể hiện ý thức, trách nhiệm, nên nhiều ý kiến được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng kỳ họp, đáp ứng được sự mong đợi của cử tri Hà Nội nói riêng và cử tri cả nước nói chung.

Nỗ lực đổi mới hoạt động, tích cực xây dựng Thủ đô

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai thảo luận tại Nghị trường Quốc hội

Hoạt động của Đoàn ĐBQH TP tại các kỳ họp đã khẳng định rõ nét vai trò, vị thế của đại biểu Quốc hội nói chung và đại biểu Quốc hội TP Hà Nội nói riêng. Thực tế thời gian qua, nhiều bộ luật, nghị quyết sau đóng góp được Quốc hội ban hành đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho các cấp chính quyền thành phố triển khai hiệu quả nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.

Như Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, với tinh thần trách nhiệm, chủ động, bài bản, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã tham gia rất tích cực, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực vào các quyết sách quan trọng của Quốc hội.

Đưa các quy định pháp luật đi vào cuộc sống

Bên cạnh việc thể hiện vai trò là người đại diện cho tiếng nói của Nhân dân tại các kỳ họp, nhằm đảm bảo các quy định, hiến pháp của pháp luật được thi hành hiệu quả, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đã thực hiện giám sát trên nhiều nội dung; Trong đó, đã giám sát những vấn đề về việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2021; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành trên địa bàn thành phố.

Đáng lưu ý, hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đã bám sát Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quy trình tổ chức Đoàn giám sát được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.

Các báo cáo kết quả giám sát đều nêu rõ thực trạng việc tuân thủ các quy định của pháp luật với từng nội dung giám sát của các cơ quan Nhà nước ở địa phương, đồng thời có các kiến nghị, giải pháp cụ thể với các cơ quan Trung ương, HĐND, UBND TP Hà Nội và các đơn vị có liên quan nhằm góp phần khắc phục tồn tại trong từng lĩnh vực; Qua đó, cung cấp thông tin đầy đủ, sát thực phục vụ đại biểu Quốc hội trong Đoàn nghiên cứu, tham gia ý kiến sửa đổi các Luật, chính sách vĩ mô và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Để mỗi kỳ họp đáp ứng mong mỏi của người dân, hoạt động tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp cũng được Ðoàn cải tiến theo hướng gần dân, sát dân. Qua đợt tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ Nhất, Đoàn ĐBQH đã tổng hợp được 11 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chuyển đến cơ quan có thẩm quyền.

Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, hoạt động tiếp xúc cử tri được tổ chức linh hoạt, thích ứng với tình hình diễn biến của dịch bệnh và đảm bảo hoạt động vẫn diễn ra chất lượng, hiệu quả. Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đã tổ chức để các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ hai theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 10 đơn vị bầu cử.

Hoạt động tiếp công dân cũng được thực hiện tích cực. Từ ngày 1/7/2021 đến ngày hết 29/12/2021, đồng chí Trưởng đoàn ĐBQH và đại biểu Quốc hội khóa XV đã thực hiện 4 buổi, tiếp 30 lượt công dân đến kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; Nhận 33 đơn. Đoàn đã nhận qua đường bưu điện và xử lý 208 đơn.

Đoàn ĐBQH khóa XV đã chuyển công văn đến các cơ quan có thẩm quyền 91 đơn; Hướng dẫn, trả lời công dân 3 văn bản. Các cơ quan có thẩm quyền đã trả lời theo phiếu chuyển đơn của đoàn 33/58 đơn, đạt 56,9 %...

Nỗ lực đổi mới hoạt động, tích cực xây dựng Thủ đô

Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động

Dù trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, song trong năm đầu của nhiệm kỳ, hoạt động của Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đã đóng góp tích cực vào nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn, sức khỏe cho Nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an sinh xã hội; Đồng thời, cùng với Quốc hội, thành phố xây dựng nhiều cơ chế, chính sách nhằm triển khai nhiều nhóm giải pháp kịp thời, đồng bộ để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng như người lao động…

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho biết: Phát huy những kết quả đã đạt được, hoạt động của Ðoàn ĐBQH TP Hà Nội trong những năm tới sẽ tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ của Quốc hội Việt Nam. Trước mắt trong năm 2022, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội tiếp tục nêu cao tinh thần, trách nhiệm, chủ động, tích cực tham gia vào các hoạt động chung của các cơ quan của Quốc hội và địa phương tổ chức; Tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, ban ngành chức năng, các chuyên gia và đối tượng chịu tác động của luật, nghị quyết... vào các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ ba và kỳ họp thứ tư của Quốc hội khóa XV.

Cùng với đó, thực hiện giám sát chuyên đề về: Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội; Việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2021; Việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội...

Với vị thế Thủ đô và tiềm lực vốn có, Ðoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội chắc chắn sẽ có những đóng góp xứng đáng, quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XIII và nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa - Nhà nước của dân, do dân, vì dân; Đưa đất nước hội nhập với nền kinh tế quốc tế ...

Lượt xem: 265
Tác giả: Huy Dương; Ảnh Viết Thành
Nguồn:tuoitrethudo.com.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan