Thứ sáu, 22/11/2024 - 19:21

Phải sớm có hành lang pháp lý để “quản” xe hợp đồng

Hiện nay, điều kiện quản lý xe kinh doanh tuyến cố định và xe hợp đồng có sự khác nhau, trong đó, điều kiện xe kinh doanh hợp đồng dễ dàng hơn…

“Xe hợp đồng” đang làm tốt hơn vài trò “xe truyền thống”?

Tại buổi Toạ đàm "Quản lý xe hợp đồng nâng chất lượng vận tải khách: Cần siết hay mở", ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) cho rằng, cần phải vạch hành lang pháp lý, tạo môi trường bình đẳng trong kinh doanh xe hợp đồng.

phai som co hanh lang phap ly de quan xe hop dong hinh anh 1

Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam.

Theo Chủ tịch VATA, với số lượng khoảng 240.000 xe hợp đồng, gấp 14 lần ô tô tuyến cố định, song không phải tất cả xe hợp đồng đều chạy trá hình tuyến cố định. Hiện nay, xe hợp đồng có thể tạm chia thành ba nhóm:

Nhóm thứ nhất là xe hợp đồng theo định kỳ chở công nhân, đưa đón chuyên gia đến các khu công nghiệp, đưa đón học sinh. Số này chiếm phần lớn và có xu thế tăng lên nên việc gia tăng xe hợp đồng là dễ hiểu.

Nhóm thứ hai là xe hợp đồng theo chuyến, thường chở khách đám cưới hỏi, tổ chức sự kiện ở các trường học.

Nhóm thứ ba hay được gọi là xe hợp đồng trá hình. "Tôi cho rằng đây chính là loại xe hợp đồng chia sẻ, nhiều hành khách khác nhau cùng sử dụng chung một dịch vụ trên một chuyến xe. Và đây là hình thức xe hợp đồng cần phải bàn để quản lý. Song số lượng xe này hiện nay chưa có thống kê”, ông Nguyễn Văn Quyền nhận định.

Từ góc độ các đơn vị vận tải, nhiều ý kiến cho rằng, sự nở rộ của xe hợp đồng bên cạnh xe tuyến cố định xuất phát từ nhu cầu của người dân muốn có dịch vụ tốt hơn. Không thể nói xe hợp đồng đang “bóp chết” xe tuyến cố định.

Nói thêm về vấn đề siết hay mở xe kinh doanh hợp đồng, ông Khúc Hữu Thanh Hải -  Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng cho rằng, xe hợp đồng phát triển là nhu cầu thực tế của người dân. Họ muốn dịch vụ tốt, hoàn hảo hơn, được phục vụ tốt hơn dù phải trả chi phí cao hơn. Từ đó, các doanh nghiệp vận tải không còn cách nào khác là đáp ứng theo nhu cầu người dân.

phai som co hanh lang phap ly de quan xe hop dong hinh anh 2

Ông Khúc Hữu Thanh Hải -  Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng.

“Đơn cử, trước đây vào dịp lễ Tết, việc đi lại, vận tải ở bến xe rất cực khổ và người dân gặp nhiều khó khăn. Nhưng hiện nay, người dân ra bến xe rất thoải mái và đi lại không còn khó khăn. Do đó, không thể nói xe hợp đồng đang “bóp chết” xe tuyến cố định. Việc nói xe hợp đồng là nguyên nhân gây ùn tắc, tai nạn cũng chỉ là cảm tính bởi chưa có thống kê về điều này”, ông Khúc Hữu Thanh Hải khẳng định.

Ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát đồng tình việc vần phải hiểu rõ mục đích, vai trò của ngành vận tải và không nên đưa vận tải hành khách như một "tội đồ". Nói về vai trò của vận tải, có thể nhìn lại thời điểm năm 2017, lực lượng chức năng luôn phải căng mình giải quyết tình trạng ùn tắc mỗi dịp cao điểm Lễ, Tết; nhiều người dân tham gia vận tải hành khách phải nếm cảnh ăn "cơm tù" giữa đường vì ùn tắc kéo dài không đường thoát. Những năm gần đây, dễ dàng thấy không phải lo lắng tình trạng đó nữa, chất lượng dịch vụ vận tải cũng không ngừng tăng với giá thành hợp lý, đáp ứng đầy đủ nhu cầu đi lại của người dân.

"Là một doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định, tôi cũng kỳ vọng, Nghị định 10 hiện nay và Nghị định 10 sửa đổi, bổ sung tới đây sẽ cởi bỏ một số quy định, giúp xe tuyến cố định có thể cạnh tranh bình đẳng với xe hoạt động theo hình thức hợp đồng. Nói cách khác, các cơ quan quản lý cần xem xét siết cái đang được cởi bỏ và cởi cái đang bị siết quá chặt", ông Bằng chia sẻ.

Nhu cầu rất lớn, phải sớm có hành lang pháp lý để quản

Theo ông Lương Duyên Thống - Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam), số xe chạy hợp đồng đang rất lớn thể hiện xe kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng đã được người dân tin dùng khi nhiều xe sử dụng tuyến cố định đã chuyển sang xe hợp đồng, tuy nhiên, ông Thống nhìn nhận một số xe kinh doanh vận tải hoạt động đúng quy định nhưng cũng có xe lại chạy theo hợp đồng trá hình.

phai som co hanh lang phap ly de quan xe hop dong hinh anh 3

Xe khách đội lốt "xe hợp đồng, xe du lịch" náo loạn khắp các tỉnh thành.

Để quản lý xe hợp đồng trong thời gian tới, ông Thống cho biết, những sửa đổi trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô thời gian tới, quan điểm của Cục Đường bộ Việt Nam trong khi xây dựng, trình các văn bản quy phạm pháp luật luôn khuyến khích xe hợp đồng kinh doanh theo đúng quy định pháp luật như xe hợp đồng vận chuyển học sinh, công nhân, đi tham quan, du lịch…phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng dịch vụ này.

Để xe kinh doanh hợp đồng thực hiện theo đúng quy định pháp luật, tại Nghị định 10, Cục Đường bộ Việt Nam đã đề xuất: Tất cả các doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải có bộ phận đảm bảo ATGT; siết chặt việc quản lý xe kinh doanh vận tải theo hướng bổ sung quy định thời gian thu hồi giấy phép kinh doanh, biển hiệu, phù hiệu sau 30 ngày mới được cấp lại từ đó nâng cao ý thức chấp hành của các doanh nghiệp.

“Thời gian tới, cùng với các quy định pháp luật sẽ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để tập trung quản lý, xử lý xe kinh doanh hợp đồng không tuân thủ quy định pháp luật như đón khách tại các bến cóc, tổ chức gom khách, thu tiền từng hành khách…

Cùng đó, dự kiến đến tháng 5/2024, Luật Đường bộ và Luật TTATGT được thông qua, toàn bộ các Nghị định, Thông tư quy định về điều kiện kinh doanh vận tải sẽ tiếp tục có thay đổi, điều chỉnh”, ông Thống cho hay.

Cũng theo ông Thống, hiện nay, điều kiện quản lý xe kinh doanh tuyến cố định và xe hợp đồng có sự khác nhau, trong đó, điều kiện xe kinh doanh hợp đồng dễ dàng hơn.

Trong khi xe tuyến cố định vào bến phải có giờ, có lốt, phải kiểm tra điều kiện trước khi xuất bến, thì xe hợp đồng lại được tự do về giờ giấc, quản lý lỏng lẻo hơn.

phai som co hanh lang phap ly de quan xe hop dong hinh anh 4

Xe hợp đồng trá hình chạy đón khách trên đường Phạm Hùng, Hà Nội. 

Do đó, ông Thống cho rằng: “Đây là vấn đề mà cơ quan quản lý và các doanh nghiệp cần bàn để đưa ra các giải pháp sao cho vừa đảm bảo quản lý tốt hoạt động kinh doanh vận tải vừa tạo thuận lợi cho người dân.

Có thể xem xét tăng tần suất xuất bến tại các bến xe, đưa vào hoạt động xe trung chuyển đón trả người dân ra bến xe và về tận nhà, giúp giảm thời gian chờ đợi tại các bến xe, thu hút hành khách”.

Ngoài ra, khi các xe kinh doanh vận tải trá hình được quản lý tốt hơn, không thể gom khách dọc đường, người dân cũng sẽ buộc phải ra bến xe. Khi người dân sử dụng đúng theo dịch vụ mà các loại hình vận tải cung cấp sẽ góp phần quản lý chặt chẽ trật tự an toàn giao thông.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam thiết tha mong muốn, cơ quan quản lý Nhà nước thực sự vào cuộc, đối diện với thực tiễn để đổi mới trong quá trình đang diễn ra chuyển đổi số rất mạnh mẽ; yêu cầu đi lại của người dân đang muốn nâng cao chất lượng, tiện nghi hơn. Cần mạnh dạn sửa đổi Nghị định 10 và tổ chức nghiên cứu bài bản, lấy ý kiến rộng rãi để phù hợp với thực tiễn.

“Còn việc có cho phép loại hình kinh doanh xe Hợp đồng vào Bến hay không thì phải tuỳ theo đặc thù của từng chuyến đi, từng doanh nghiệp. Không nên bắt buộc tất cả các xe phải vào bến bởi vì những gì thì trường đặt ra thì nên để thị trường điều chỉnh không nên cứng nhắc tất cả những xe phải vào bến và kết thúc ở bến", ông Quyền nói.

Các chuyên gia giao thông đồng tình rằng, siết hay mở là điều các cơ quan quản lý rất trăn trở, nhưng nếu siết cũng cần đặt vấn đề, khi ấy, việc đi lại của người dân có còn thuận lợi, hành khách lại quay về những ngày phải đi xe giá vé cao.

Quy định pháp luật cần giúp xe tuyến cố định cạnh tranh bình đẳng với xe hợp đồng. Nói cách khác, các cơ quan quản lý cần xem xét siết hay gỡ bỏ sao cho tính pháp lý được bảo đảm nhưng doanh nghiệp vẫn có điều kiện phát triển, người dân được hưởng chất lượng dịch vụ tốt, giá thành hợp lý, giao thông ngày càng thông thoáng, an toàn.

Lượt xem: 24
Tác giả: Phi Long/VOV.VN
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật