Quảng Nam: Phục hồi du lịch Hội An, nỗi lo thiếu nhân lực chất lượng cao
Tác động của 4 đợt dịch COVID-19 trong 2 năm qua khiến ngành du lịch TP Hội An bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều người làm việc trong lĩnh vực này đã lâm vào cảnh thất nghiệp hoặc chuyển sang công việc khác, nguy cơ thiếu nhân lực du lịch được cảnh báo khi bước vào giai đoạn phục hồi.
Đào tạo nghiệp vụ du lịch tại khách sạn thành viên của Công ty Du lịch Hội An (Nguồn bravo.vn) |
Nhân lực chất lượng cao ngành du lịch vốn đã thiếu và yếu, nay thêm tác động của đại dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh lữ hành phải dừng hoạt động hoặc đổi mô hình kinh doanh, cắt giảm nhân sự; Lượng lớn hướng dẫn viên, nhân viên ngành du lịch chuyển nghề để mưu sinh. Sự thiếu hụt này đặt ra câu hỏi, khi du lịch phục hồi nhân lực trông vào đâu?
Chỉ giữ lại lực lượng nòng cốt
Từng là hướng dẫn viên du lịch quốc tế “đắt giá” nhưng khi đại dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh, khiến “bầu trời đóng cửa” thì anh H.P.H (32 tuổi) cũng phải chuyển nghề để đảm bảo cuộc sống. Anh H chia sẻ: “Qua bạn bè giới thiệu, tôi chuyển sang làm môi giới bất động sản từ tháng 6/2021. Lợi thế đi nhiều tỉnh, thành phố, có tư duy nhanh nên công việc của tôi khá tốt, tất cả cốt để mưu sinh cuộc sống hàng ngày và ai còn tâm huyết thì chờ đến ngày quay lại với du lịch khi thị trường hồi sinh”.
Chị N.C.T (36 tuổi), trưởng bộ phận buồng phòng một khách sạn 4 sao tại TP Hội An cho hay: “Dù có thâm niên 10 năm trong ngành du lịch nhưng tôi cũng phải từ bỏ công việc yêu thích khi COVID-19 bùng phát mạnh. Để trang trải cuộc sống, tôi chuyển sang bán đặc sản quê là yến sào Bình Thuận, cũng đảm bảo được mức thu nhập trung bình 11-13 triệu đồng/tháng và hiện tại thấy bằng lòng với công việc này”.
Nghiệp đoàn Xích lô TP Hội An có 102 đoàn viên, liên kết với các tour du lịch, lữ hành để tạo công ăn việc làm thường xuyên (Ảnh: Đ.Minh) |
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 mà trong thời gian qua, lượng khách và doanh thu sụt giảm mạnh. Hiện trên 90% doanh nghiệp kinh doanh lưu trú du lịch, lữ hành, khu điểm du lịch đóng cửa, tạm dừng hoạt động. Có khoảng 14.000 lao động ngành du lịch mất việc làm và thiệt hại ngành du lịch trong 6 tháng đầu năm 2021 khoảng 13.000 tỷ đồng.
Chính vì thế, 6 tháng đầu năm 2021, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch chỉ ước đạt 326.300 lượt khách giảm 92% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 121 tỷ đồng, giảm 96% so với cùng kỳ năm 2019 (tương đương với giảm 2.800 tỷ đồng)…
Đẩy nhanh tốc độ phục hồi du lịch, thích ứng tình hình mới
Theo tìm hiểu của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, được biết 2 năm qua nhiều đơn vị kinh doanh du lịch tại TP Hội An chỉ giữ lại lực lượng chủ chốt để làm "bộ khung" cho sau này phục hồi. Khi phải lựa chọn giải pháp cuối cùng này, khiến nhiều doanh nghiệp phải nhắm mắt "vơ bèo, gạt tép" hoặc tự bỏ chi phí lớn cho hoạt động tự đào tạo, vì lường trước được việc rất khó để “kéo” nguồn nhân sự lành nghề quay lại làm việc khi du lịch phục hồi.
TP Hội An tất bật chuẩn bị cho ngày mở cửa trở lại hoạt động du lịch từ 15/3 và Năm Du lịch Quốc gia 2022 (Ảnh: Đ.Minh) |
Mặc khác, khi đại dịch COVID-19 bùng phát từ năm 2020 đến nay cho thấy phần lớn các doanh nghiệp du lịch ở Hội An có quy mô vừa và nhỏ, nguồn vốn lưu động không lớn, khả năng tích lũy để đối phó với các khủng hoảng là khá yếu, khả năng tồn tại và hoạt động bình thường là rất khó khăn.
Doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, dừng hoạt động đồng nghĩa với việc mất việc làm, giảm thu nhập và không còn thu nhập. Người lao động trong ngành du lịch phải chuyển sang lĩnh vực khác để tìm mưu sinh, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dịch vụ khi du lịch phục hồi.
Hiện tại, theo thống kê lượng khách ở những cơ sở lưu trú tại Hội An chỉ đạt từ 5% đến 7% vào các ngày thứ Bảy và Chủ nhật. Lượng khách lưu trú du lịch còn rất thấp, nên người lao động ngành du lịch vẫn chưa mặn mà quay lại làm việc.
Bàn về giải pháp cho vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An thông tin: “Chúng tôi đang khẩn trương đánh giá đầy đủ nguồn lực du lịch một cách khoa học, lấy đó làm cơ sở để xây dựng kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn; Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực du lịch đảm bảo chất lượng và số lượng; Ưu tiên đầu tư phát triển nhân lực quản lý du lịch và lao động có tay nghề cao, lao động tại các vùng nông thôn, hải đảo… tăng cường năng lực tham gia của cộng đồng địa phương vào phát triển du lịch, góp phần giảm nghèo bền vững”.
Vẻ đẹp của chùa Cầu phố Hội sẽ thu hút du khách đến tham quan trong Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022 (Ảnh: Đ.Minh) |
“Tỉnh Quảng Nam xây dựng khung kế hoạch chương trình đơn vị kinh doanh du lịch giảm thiểu rác và tiến tới du lịch không rác thải nhựa, tái chế sử dụng rác hữu cơ phục vụ lại cho hoạt động kinh doanh du lịch; Tổ chức tập huấn nghiệp vụ thuyết minh và nghiệp vụ du lịch khác cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm tại các đơn vị kinh doanh, cách làm du lịch xanh cho người dân; Mời các chuyên gia, tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm phát triển du lịch xanh”, ông Lanh cho biết thêm.
Được biết, Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022, tỉnh Quảng Nam chủ trì tổ chức chuỗi 62 sự kiện, hoạt động đặc sắc, hấp dẫn theo 6 chương trình diễn ra xuyên suốt năm 2022, với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”.
Đây là cơ hội để thúc đẩy ngành du lịch phục hồi và phát triển sau 2 năm bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19, góp phần khởi động, phục hồi du lịch, giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, giúp người lao động có việc làm, ổn định cuộc sống, trong đó có TP Hội An với cơ cấu ngành kinh tế du lịch là mũi nhọn hàng đầu.