Thứ sáu, 22/11/2024 - 17:36

Số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách tương xứng với quyền hạn HĐND

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với việc tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách để đảm bảo hiệu quả hoạt động của HĐND TP và đề xuất tăng số lượng lên 30-40%, tương ứng với nhiệm vụ, quyền hạn được tăng thêm của HĐND TP Hà Nội.

Số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách tương xứng với quyền hạn HĐND
Quốc hội thảo luận về Luật Thủ đô (sửa đổi)

Bước đột phá quan trọng

Việc đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền TP Hà Nội trong quyết định một số nội dung thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế được quy định tại điểm a, điểm b Khoản 1, Điều 9 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là bước đột phá quan trọng, tạo tiền đề cho Hà Nội thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù. Việc này cũng xuất phát từ thực tiễn Hà Nội đang thiếu nguồn nhân lực công vụ để đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Theo số liệu thống kê của Hà Nội, so với năm 2015, tổng số biên chế hành chính được giao năm 2021 của thành phố giảm 15,65%; biên chế viên chức (hưởng lương ngân sách Nhà nước) giảm 10%.

Biên chế giảm nhưng số lượng công việc không giảm mà còn có xu hướng gia tăng dẫn đến áp lực thực hiện nhiệm vụ đối với công chức, viên chức thành phố rất lớn, đặc biệt đối với công chức. Nếu tính theo số dân/biên chế công chức thì hiện nay ở Hà Nội là: 1.016 người dân/1 công chức (trong khi trung bình tại 63 tỉnh, thành phố hiện nay (tính đến tháng 6/2021) là 686 người dân/1 công chức.

Rõ ràng, quy định việc phân quyền cho TP được chủ động trong việc quyết định số biên chế tăng thêm sẽ tạo được cơ sở pháp lý cần thiết giúp bảo đảm nguồn nhân lực công vụ đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Thủ đô.

Đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền Hà Nội trong quy định một số nội dung thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế là bước đột phá quan trọng. Tuy nhiên, nếu chỉ quy định như trong dự thảo hiện tại là “giao cho HĐND TP đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định cụ thể về số lượng biên chế tăng thêm” thì chưa rõ ràng, cụ thể.

Vì vậy, đại biểu đề xuất nên nghiên cứu quy định theo hướng giao cho HĐND TP chủ động quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của chính quyền TP. Quy định như vậy sẽ giúp TP có thể chủ động hơn về nguồn biên chế, có thể tăng hoặc giảm biên chế trong từng thời kỳ tùy vào nhu cầu thực tiễn của địa phương.

Tăng số lượng đại biểu chuyên trách lên 30- 40%

Tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), TP Hà Nội đề xuất tăng số lượng đại biểu HĐND TP từ 95 lên 125 đại biểu; tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 25% (khoản 2 Điều 9).

Đây là một giải pháp cần thiết nhằm nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân. Bởi nếu xét về tỷ lệ, hiện nay tỷ lệ đại biểu HĐND TP trên dân số Thủ đô đang ở mức gần 90.000 người dân/1 đại biểu, trong khi bình quân chung của cả nước vào khoảng 26.500 người dân/1 đại biểu. Mặt khác, với việc không tổ chức HĐND phường, số lượng đại biểu HĐND các cấp của TP đã giảm đi đáng kể và tới đây sẽ tiếp tục giảm khi một số huyện của thành phổ phát triển thành quận.

Nhất trí với nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đồng thời đề nghị cần đề xuất nêu rõ tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách, cân đối giữa các ngành. Về cơ cấu cần xem xét quy định cứng trong luật về việc Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP là Thường trực HĐND.

Số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách tương xứng với quyền hạn HĐND
Đại biểu Phạm Văn Hòa góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Về tăng biên chế, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng cần để cấp có thẩm quyền quyết định. Về nhiệm vụ quyền hạn, cần có quy định cụ thể, rõ ràng, rành mạch.

Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng), đề nghị tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tại Hà Nội lên từ 25-30%; đồng thời bố trí đội ngũ lãnh đạo HĐND phù hợp; có quy định đổi mới, cải tiến phương thức hoạt động của HĐND TP; HĐND quận, thị xã tiếp tục thực hiện mô hình chính quyền đô thị để tăng cường cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực trên địa bàn phường không tổ chức HĐND...

Về quy định về thẩm quyền của Thường trực HĐND TP Hà Nội, tại khoản 4 Điều 9 của dự thảo Luật đã quy định khá cụ thể, đại biểu cho rằng quy định như vậy sẽ phù hợp với đặc thù và điều kiện thực tế.

Góp ý cụ thể về số lượng đại biểu HĐND TP Hà Nội quy định tại khoản 2 Điều 9, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (đoàn Yên Bái) bày tỏ thống nhất với dự thảo Luật quy định tăng số lượng đại biểu HĐND TP từ 95 lên 125 đại biểu, bởi khi không còn HĐND quận, phường, vai trò, trách nhiệm trong việc thẩm tra, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng sẽ do HĐND TP đảm nhiệm.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng trong dự thảo Luật đang đề nghị tăng tỷ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách lên ít nhất 25% là chưa tương ứng với số lượng nhiệm vụ, quyền hạn được tăng thêm của HĐND TP Hà Nội. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét nâng tỷ lệ đại biểu HĐND TP hoạt động chuyên trách có thể lên ít nhất là 30 hoặc 40% như đối với đại biểu Quốc hội để đảm bảo hiệu quả hoạt động của HĐND TP.

Đồng thời ngoài nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung thêm thẩm quyền cho Thường trực HĐND TP trong việc cho ý kiến thống nhất với UBND TP trong việc giải quyết những vấn đề phát sinh giữa các kỳ họp của HĐND để tạo tính chủ động, linh hoạt trong thực hiện các nhiệm vụ của UBND TP Hà Nội.

Lượt xem: 7
Tác giả: Hạnh Nguyên
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật