Số trẻ em mắc Covid-19 tăng tại nhiều nước: Biến thể Omicron vẫn đáng lo ngại
Trong bối cảnh nhiều nước mở cửa, tiến gần đến giai đoạn bình thường, một làn sóng Covid-19 mới đang tấn công vào đối tượng trẻ em, nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất do tỷ lệ bao phủ vaccine thấp.
Theo thống kê từ ngày 2-12/2 tại Malaysia, có khoảng gần 17.000 ca mắc ở trẻ em dưới 12 tuổi, tăng 160% so tuần trước đó, đồng thời ghi nhận mức tăng đột biến bệnh nhi nhập viện. Có 3 ca tử vong do Covid-19 liên quan đến trẻ em dưới 12 tuổi (2 ca dưới 5 tuổi) tại Malaysia. Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho biết, làn sóng dịch Omicron gây ra có thể khiến số trẻ em và thanh thiếu niên nhập viện điều trị tăng tới 4 lần so với biến thể Delta trước đó. Số bệnh nhân Covid-19 là trẻ dưới 5 tuổi tăng vọt do nhóm đối tượng này chưa được tiêm chủng.
Tại Hong Kong (Trung Quốc), với tỷ lệ các ca Covid-19 tăng nhanh, nhiều cha mẹ vội vã đưa con đến các điểm tiêm chủng sau khi chính quyền thành phố chấp thuận cho trẻ em từ 3 tuổi trở lên tiêm vaccine Sinovac của Trung Quốc từ ngày 15/2, trong khi những trẻ em từ 5 tuổi trở lên có thể tiêm vaccine BioNTech.
Số lượng trẻ em mắc Covid-19 tăng mạnh do các trường học mở cửa trở lại khiến tỷ lệ lây nhiễm gia tăng, trong khi tỷ lệ bao phủ vaccine ở trẻ em chưa cao, đặc biệt ở nhóm nhỏ tuổi. Ngoài ra, các chuyên gia y tế cho rằng, không giống biến thể Delta - chủ yếu tấn công vào phổi của người bệnh, biến thể Omicron có xu hướng ảnh hưởng đến hệ hô hấp trên của người mắc. Đường hô hấp trên và đường mũi ở trẻ em nhỏ hơn ở người lớn, do vậy nguy cơ mắc các triệu chứng bệnh lớn hơn. Những triệu chứng này có thể biến chứng thành hen suyễn hoặc viêm phổi do viêm và tắc nghẽn niêm mạc.
Mặc dù vậy song các chuyên gia nhất trí cho rằng trẻ mắc bệnh này không biến chứng nặng. Nguy cơ nhập viện và phải điều trị tích cực ở trẻ nhiễm Omicron cũng thấp hơn so với nhiễm biến thể Delta. Tuy nhiên, khả năng lây lan mạnh của biến thể Omicron vẫn có thể khiến số trẻ nhập viện tăng cao hơn và có nhiều triệu chứng hơn như viêm phổi, viêm tiểu phế quản ở nhóm trẻ em dưới 5 tuổi chưa được tiêm chủng.
Mặc dù trong quá trình mắc bệnh, trẻ có xu hướng diễn tiến nhẹ nhưng những tác động hậu Covid-19 đối với nhóm trẻ em cũng là một vấn đề cần được giới chức y tế các nước quan tâm.
Hiện các nước đang gấp rút thúc đẩy kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em nhưng tỷ lệ bao phủ chưa cao, đặc biệt nhóm đối tượng dưới 5 tuổi. Cơ quan quản lý y tế Mỹ vừa quyết định hoãn phê duyệt vaccine Covid-19 của hãng Pfizer dành cho trẻ dưới 5 tuổi, bởi kết quả cho thấy hai liều đầu tiên đã tiêm cho trẻ không mang lại hiệu quả đối với chủng Omicron. Trong khi chờ đợi nghiên cứu về vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em, Tiến sĩ Weana Wen thuộc trường đại học George Washington (Mỹ) đưa ra một số lời khuyên:
“Nếu trẻ chưa được tiêm thì tốt nhất những người đủ điều kiện tiêm như cha mẹ, thầy cô và những người xung quanh trẻ phải được tiêm để giúp trẻ được bảo vệ tốt hơn. Ngoài ra chúng ta cũng phải có các biện pháp phòng tránh khác như đeo khẩu trang cho trẻ khi ra ngoài, tiêm phòng cúm đầy đủ, tránh đưa trẻ đến nơi có nguy cơ lây nhiễm… Đây là biện pháp bảo vệ sức khỏe của trẻ em nói chung trong mùa dịch, bao gồm cả đối tượng chưa tiêm vaccine”./.