Thứ năm, 19/09/2024 - 09:14

Sóc Trăng: 5 trụ cột thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng

Sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư và Phát động khởi nghiệp năm 2018, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã thấy rõ hơn về tiềm năng thế mạnh cùng sự cam kết của chính quyền tỉnh trong việc tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, nên ngày càng có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm đến Sóc Trăng để tìm kiếm cho mình những cơ hội đầu tư, kinh doanh mới.

Lợi thế từ 4 hành lang kinh tế

Năm 2018, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư và Phát động khởi nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã trao Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, Văn bản cam kết đầu tư 25 dự án với tổng mức vốn đầu tư 40.315 tỷ đồng. Đến nay có 7 dự án đã đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 2.869,7 tỷ đồng; 4 dự án đang triển khai với tổng số vốn 3.230 tỷ đồng; 2 dự án đã thực hiện thủ tục đấu giá; 2 dự án đang thực hiện các thủ tục quy hoạch và các dự án khác nhà đầu tư đang tiếp tục nghiên cứu đề xuất với tỉnh.

Từ sau hội nghị, tỉnh tiếp tục được đón tiếp thêm gần 500 lượt doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, qua đó tỉnh đã hu hút được 101 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 64.569 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn nhất các dự án được đầu tư tại tỉnh là lĩnh vực công nghiệp; Trong đó chỉ riêng công nghiệp chế biến chiếm 25% và công nghiệp xây dựng chiếm 28%.

Du lịch sinh thái đang là một trong những trụ cột hấp dẫn nhà đầu tư vào Sóc Trăng

Du lịch sinh thái đang là một trong những trụ cột hấp dẫn nhà đầu tư vào Sóc Trăng

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tổ chức ngày 28/4 vừa qua, ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết giai đoạn 2022 - 2025 tỉnh sẽ tập trung thu hút đầu tư theo 4 hành lang kinh tế với 5 trụ cột thu hút đầu tư theo phương châm 4 đồng hành.

Theo Chủ tịch Trần Văn Lâu, trọng tâm phát triển của hành lang kinh tế ven biển sẽ là dịch vụ du lịch, kinh tế biển và được kết nối với các tỉnh thông qua tuyến đường bộ ven biển Trà Vinh - Sóc Trăng - Bạc Liêu. Hành lang kinh tế Bắc - Nam, trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị, nhằm phát huy thuận lợi giao thông thủy, bộ và nhất là cảng biển Trần Đề.

Hành lang kinh tế Đông - Tây theo tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông - Tây tỉnh Sóc Trăng với trọng tâm phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến. Cuối cùng là hành lang kinh tế trung tâm với trọng tâm là phát triển dịch vụ chất lượng cao và phát triển đô thị.

5 trụ cột thu thút đầu tư

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong giai đoạn tới, theo ông Trần Văn Lâu, tỉnh sẽ tập trung thu hút đầu tư vào 5 trụ cột chính, gồm: Dịch vụ logistics cảng biển, hạ tầng công nghiệp - đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch và năng lượng tái tạo.

Đối với dịch vụ logistics cảng biển, ông Trần Văn Lâu cho biết, tỉnh sẽ tập trung phát triển dịch vụ logistics các ngành công nghiệp phục vụ kinh tế biển nhằm khai thác lợi thế vị trí cảng biển nước sâu và đường bờ biển dài 72 km của tỉnh mà trong đó trọng tâm là Dự án Cảng biển Sóc Trăng (Khu bến Trần Đề) (4.550ha tại huyện Trần Đề, thị xã Vĩnh Châu). Đây là Cảng cửa ngõ của vùng và quốc tế, giúp giảm chi phí vận chuyển hàng hóa và là mảnh ghép hoàn hảo cho hệ thống giao thông kết nối của khu vực ĐBSCL, trở thành động lực phát triển kinh tế của vùng.

Các dự án trọng điểm hạ tầng công nghiệp - đô thị

- Các Dự án Đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp tại Kế Sách, Vĩnh Châu, Long Phú với tổng diện tích gần 700 ha dọc theo tuyến Nam Sông Hậu với vị trí được quy hoach thuận lợi giao thông cả đường thủy bộ, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu cho các dự án được đầu tư trong khu công nghiệp.

- Dự án Khu đô thị 1,2 huyện Trần Đề với tổng diện tích trên 40 ha.

- Dự án Khu đô thị Nam Sông Hậu, khu đô thị mới huyện Long Phú với tổng diện tích gần 70 ha.

Về hạ tầng công nghiệp - đô thị, tỉnh sẽ đa dạng hóa các hình thức đầu tư nhằm phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại 3 khu công nghiệp và 9 cụm công nghiệp. Ngoài ra, tỉnh kêu gọi đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng theo định hướng phát triển đô thị thông minh, xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời khai thác lợi thế hành lang kinh tế ven sông Hậu kết nối khu vực kinh tế biển, từng bước đô thị hóa các khu vực tại huyện Trần Đề, Long Phú nhằm phát triển đồng bộ khi các dự án Cảng biển, khu công nghiệp được hình thành, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, ăn ở, vui chơi giải trí của người lao động làm việc tại các dự án.

Đối với trụ cột nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh vùng ven biển của tỉnh; Phát triển nuôi thuỷ, hải sản theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, xuất khẩu; Chú trọng khai thác gắn với việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Ưu tiên thu hút vào các ngành nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất nông nghiệp kết hợp chế biến, chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm gia tăng chất lượng và giá trị nông sản của tỉnh.

Điện gió là một trong những trụ cột thu hút đầu tư của tỉnh trong giai đoạn 2022-2025

Điện gió là một trong những trụ cột thu hút đầu tư của tỉnh trong giai đoạn 2022 - 2025
Các dự án nông nghiệp công nghệ cao và du lịch

- Dự án Khu nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái (662,88ha tại Phân trường Thạnh Trị, thị xã Ngã Năm);

- Dự án Khu nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái (314,25ha tại Phân trường Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú);

- Dự án sân Golf (90ha tại xã Song Phụng, huyện Long Phú);

- Dự án khu lâm viên, vui chơi giải trí, tham quan du lịch (20,65ha tại phường 9, thành phố Sóc Trăng).

Với thế mạnh về du lịch tâm linh và du lịch sinh thái, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành nghề dịch vụ, thương mại chất lượng cao kết hợp với các dự án du lịch nhằm phát triển và hoạt động đồng bộ các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí. Đồng thời, với lợi thế điều kiện tự nhiên, địa lý tỉnh sẽ tăng cường thu hút đầu tư du lịch chợ nổi kết hợp với phát triển các loại hình văn hoá trên sông; Du lịch sinh thái, miệt vườn trên hệ thống cù lao dọc sông Hậu và khu vực ven biển gắn với khai thác tiềm năng du lịch thông qua tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo.

Sóc Trăng có tiềm năng để phát triển ngành năng lượng tái tạo, đặc biệt là phát triển điện gió ngoài khơi nhờ lợi thế 72 km bờ biển nên rất có lợi thế để phát triển điện gió ngoài khơi. Do đó, bên cạnh các dự án điện gió đã được hê duyệt, trong thời gian tới, sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, tỉnh sẽ tập trung thu hút đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi tại huyện Cù Lao Dung và thị xã Vĩnh Châu với tổng công suất dự kiến 5.100MW.

Cam kết 4 đồng hành

Để hiện thực hóa những định hướng phát triển của tỉnh, cũng như kêu gọi các nhà đầu tư hợp tác, cùng với tỉnh trong việc phát triển kinh tế giai đoạn tới, tỉnh Sóc Trăng cam kết thực hiện phương châm “4 đồng hành”, gồm: Đồng hành cùng nhà đầu tư khảo sát, lựa chọn địa điểm đầu tư đảm bảo phù hợp quy hoạch phát triển của tỉnh, đồng thời đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư; Đồng hành cùng nhà đầu tư trong việc giải quyết các thủ tục hành chính để triển khai dự án kể cả những thủ tục thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ, ngành trung ương; Đồng hành cùng nhà đầu tư trong hoạt động đầu tư xây dựng khi tỉnh cam kết đầu tư hạ tầng, đường giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc đến chân hàng rào dự án; Đồng hành cùng nhà đầu tư giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong suốt quá trình đầu tư, vận hành thương mại của dự án.

Với những định hướng phát triển rõ ràng, cụ thể, cùng với quyết tâm mạnh mẽ, trong thời gian tới Sóc Trăng hy vọng sẽ được tiếp đón nhiều hơn nữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tỉnh cùng hợp tác và phát triển.

Lượt xem: 260
Tác giả: Thái Đào - Xuân Trường
Tin liên quan