Thứ năm, 19/09/2024 - 08:42

Để cho những cánh rừng ở Tây Nguyên thêm xanh

Tại TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), ngày 4.4, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tỉnh uỷ Đắk Lắk tổ chức Hội thảo “Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”.

Quảng cảnh hội thảo. Ảnh: Phan Tuấn

Quảng cảnh hội thảo. Ảnh: Phan Tuấn

Những thách thức 

Hiện nay, tổng diện tích có rừng của các tỉnh Tây Nguyên là 2,57 triệu, chiếm 17,5% diện tích có rừng cả nước. Tỷ lệ che phủ rừng toàn khu vực Tây Nguyên đạt 45,94%.

Riêng vùng Tây Nguyên, trong những năm qua, tình trạng suy giảm diện tích rừng đang diễn ra ở mức độ cao. Việc khai thác, chặt phá diễn ra thường xuyên, gây hậu quả nghiêm trọng.

Song song với sự suy giảm về diện tích rừng, chất lượng rừng của toàn khu vực hiện cũng đang bị suy giảm chất lượng, nhất là rừng tự nhiên. 

Tham luận tại Hội thảo, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, Đắk Nông có diện tích đất lâm nghiệp tương đối lớn với 293.093ha, chiếm 45% tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh.

Rừng Đắk Nông có tính đa dạng sinh học cao, nhiều động, thực vật quý hiếm và nhiều cảnh quan đẹp… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong việc phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn còn nhiều tồn tại, khó khăn. 

Hiện địa phương đang gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư vào hoạt động nông, lâm nghiệp; các hoạt động kinh tế rừng mới ở giai đoạn sơ khai bước đầu, kết quả đạt được chưa rõ nét...

Để công tác quản lý bảo vệ rừng được hiệu quả hơn, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, Hồ Văn Mười đề nghị Trung ương cần điều chỉnh chế độ chính sách cho nhân viên, cán bộ quản lý bảo vệ rừng. Hiện nay, có nhiều nhân viên, cán bộ quản lý bảo vệ rừng, kiểm lâm... xin từ chức, nghỉ việc.

Ngoài ra, Đắk Nông cũng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương nghiên cứu việc xem một số cây có tuổi đời hàng chục năm tuổi như: Sầu riêng, xoài, bơ, măng cụt... là cây lâm nghiệp thay vì cây keo lai đang có tuổi đời khá ngắn như hiện nay.

Việc này, sẽ tạo điệu kiện cho rất nhiều nông dân Đắk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ phát triển rừng. 

Còn ông Trần Công Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, khu vực Tây Nguyên có hơn 2,5 triệu ha rừng (chiếm 17,45% diện tích rừng cả nước).

Đây là khu vực có diện tích rừng đầu nguồn đứng thứ 2 cả nước với nguồn thu bình quân từ Dịch vụ môi trường rừng hàng năm đạt 912 tỉ/năm. 

Theo ông Bảo, tiềm năng đối với Dịch vụ môi trường rừng tại khu vực Tây Nguyên là rất lớn. Trong đó, nhiều tiềm năng dịch vụ của rừng nhưng chưa được khai thác, như: Dịch vụ phòng chống thiên tai, chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng; giảm lũ ống, lũ quét bảo vệ công trình thủy lợi vùng đầu nguồn.

Những chức năng này của rừng cần được nghiên cứu lượng hóa thành tiền làm cơ sở xây dựng chính sách chi trả Dịch vụ môi trường rừng...

Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu kết luận tại Hội thảo. Ảnh: Phan Tuấn

Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu kết luận tại Hội thảo. Ảnh: Phan Tuấn

Nhiệm vụ trong thời gian tới

Phát biểu kết luận Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, các báo cáo, ý kiến tham luận và phát biểu tại Hội thảo đã tập trung vào những nội dung trọng tâm trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới. 

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh yêu cầu các ngành, địa phương cần định hướng sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai hiện hành về quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp.

Bên cạnh đó, các ngành, địa phương cũng cần nâng cao hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và giải pháp phát triển bền vững dịch vụ môi trường rừng trong thời gian tới; hoàn thiện cơ chế, chính sách cho thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam.

Mặt khác, các ngành, địa phương cũng cần thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, khả thi trong công tác bảo đảm an sinh đối với người dân khu vực có rừng; nâng cao vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số trong công tác phát triển lâm nghiệp, nhất là hoạt động bảo vệ và phát triển rừng; tập trung thực hiện kinh tế tuần hoàn trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và sự phát triển bền vững cho Tây Nguyên; sản xuất, canh tác nông nghiệp hữu cơ theo phương thức phát triển của hệ sinh thái rừng Tây Nguyên.

Đặc biệt, các ngành, địa phương cần khai thác tiềm năng Tây nguyên dựa trên 4 trụ cột để thực hiện thắng lợi Nghị quyết (số 23-NQ/TW) của Bộ Chính trị...

Lượt xem: 17
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan