Thứ năm, 19/09/2024 - 08:57

Tăng trưởng GRDP của Ninh Thuận dẫn đầu các tỉnh miền Trung

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng năm 2023 của Ninh Thuận tăng 7,95%, là mức tăng trưởng cao thứ 8 so với cả nước và cao nhất khu vực miền Trung.

GRDP Ninh Thuận 6 tháng năm 2023 tăng 7,95%

Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) 6 tháng năm 2023 của tỉnh Ninh Thuận tăng 7,95% so với cùng kỳ năm 2022 (quý I tăng 8,43%, quý II tăng 7,51%), đây là mức tăng trưởng cao thứ 8 so với cả nước và là mức tăng cao nhất các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung.

Trong đó, các lĩnh vực đều tăng trưởng, một số ngành, lĩnh vực xây dựng, thương mại, du lịch, công nghiệp khai khoáng tiếp tục phục hồi và tăng trưởng cao.

Tốc độ tăng trưởng GRDP của Ninh Thuận dẫn đầu các tỉnh miền Trung
Tốc độ tăng trưởng GRDP của Ninh Thuận 6 tháng năm 2023 dẫn đầu các tỉnh miền Trung. Ảnh: Hồng Hà

Cụ thể, hoạt động sản xuất công nghiệp đạt mức tăng ổn định sau các năm biến động mạnh do ảnh hưởng bởi mức tăng cao của sản xuất điện.. Tính chung 6 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 8,14% so cùng kỳ năm trước.

Giá trị tăng thêm toàn ngành Công nghiệp 6 tháng năm 2023 ước tính tăng 9,64% so với cùng kỳ, trong đó, ngành khai khoáng tăng mạnh 47,38% (do thời tiết thuận lợi, sản lượng khai thác muối biển tăng cao) đóng góp 1,53 điểm phần trăm trong mức tăng trưởng ngành công nghiệp; ngành chế biến, chế tạo tăng 3,59%, đóng góp 0,57 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,36%, đóng góp 7,37 điểm phần trăm.

Hoạt động sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước do có thêm năng lực tăng mới và một số sản phẩm chủ lực (muối biển, đường, điện gió…) đều tăng.

Đặc biệt, tháng 6/2023, một số dự án năng lượng tái tạo đã được Bộ Công Thương phê duyệt, thông qua giá tạm, hòa lưới điện quốc gia, tác động tăng sản lượng điện trong 6 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022.

Về hoạt động dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiếp tục đà phục hồi tăng trưởng hậu Covid-19, hoạt động kinh doanh sôi động, nhu cầu hàng hóa tiêu dùng, đi lại tăng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 2.714,9 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, nhu cầu du lịch đến Ninh Thuận tăng cao vào các dịp nghỉ lễ, nghỉ hè.

Tốc độ tăng trưởng GRDP của Ninh Thuận dẫn đầu các tỉnh miền Trung
Người dân, du khách tham dự Lễ hội Ẩm thực Ninh Thuận năm 2023.

Đặc biệt trong tháng 6/2023, Ninh Thuận tổ chức Lễ hội Nho - Vang gắn với tổ chức Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”, thu hút đông đảo khách tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh, góp phần làm doanh thu hoạt động nhà hàng trong 6 tháng đầu năm tăng 24,33%; lưu trú tăng gấp 2,8 lần cùng kỳ 2022. Qua đó, doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 7,3 tỷ đồng; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 1.561,1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do cạnh tranh quốc tế, đơn hàng giảm. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 6 tháng năm 2023 đạt 79,1 triệu USD, giảm 19,2%; trong đó xuất khẩu đạt 49,4 triệu USD, giảm 16,3%; nhập khẩu đạt 29,7 triệu USD, giảm 23,6%. Xuất siêu 6 tháng đầu năm đạt 19,7 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 20,2 triệu USD).

Tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực trọng điểm 6 tháng cuối năm

Đối mặt với những khó khăn, thách thức đối với thực hiện nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm 2023, tỉnh Ninh Thuận đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó: Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Tăng cường giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn theo lộ trình phù hợp.

Cùng với đó, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, tập trung phát triển một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng và còn dư địa lớn để làm động lực cho tăng trưởng, như: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; năng lượng, cảng biển, công nghiệp chế biến, khai khoáng; du lịch.

Kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc về đền bù, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, hậu kiểm, kiên quyết xử lý, thu hồi một số dự án trọng điểm chậm tiến độ, hoặc không có khả năng thực hiện, nhất là các dự án du lịch, nông nghiệp công nghệ cao.

Lượt xem: 6
Tác giả: Đức Thảo
Tin liên quan