Bản lĩnh, trí tuệ, chủ động, linh hoạt trước chính sách thuế đối ứng của Mỹ
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ tinh thần chung là không hoảng hốt, hoang mang, lo sợ mà giữ vững bản lĩnh, trí tuệ, bình tĩnh xử lý chủ động, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nắm chắc tình hình để ứng phó.
Các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề cần xây dựng kịch bản ứng phó khác nhau, tìm kiếm các giải pháp để duy trì khả năng cạnh tranh.
6 nhóm hàng có thể chịu ảnh hưởng lớn nhất
Kinh tế Việt Nam hiện nay hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Với một nền kinh tế có độ mở kinh tế lớn, mọi biến động về kinh tế, chính trị của thế giới sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam.
Hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Mỹ chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của cả nước. Do đó, việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% với Việt Nam sẽ là một thách thức rất lớn, tác động mạnh tới nhiều nhóm mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là 6 nhóm hàng hoá chiếm tỷ trọng hơn 74% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong năm 2024 vừa qua là: Máy vi tính điện tử và linh kiện; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng; điện thoại các loại và linh kiện; dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ.
Bà Nguyễn Thu Oanh - Trưởng Ban Thống kê Dịch vụ và Giá (Cục Thống kê - Bộ Tài chính) phân tích, trong các nhóm hàng chịu ảnh hưởng lớn trên, 3 nhóm hàng dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ, các nhà sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này. Khi Mỹ áp thuế đối ứng, các nhà sản xuất nội địa sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường thay thế. Vì vậy, kim ngạch xuất khẩu 3 nhóm hàng này có thể suy giảm do phải đối mặt với vấn đề chi phí cao hơn, số lượng đơn hàng giảm sút.
Đối với nhóm hàng máy vi tính điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, điện thoại các loại và linh kiện, khối doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 93% tổng kim ngạch xuất khẩu. Việc áp thuế đối ứng có thể khiến các doanh nghiệp FDI chuyển một phần hoạt động sản xuất hoặc hàng hoá hoàn thiện sang các quốc gia khác.
Tuy nhiên, các nhóm hàng này sẽ chịu tác động ít hơn bởi với đặc thù là ngành có quy mô sản xuất và đầu tư lớn. Thuế quan cao có thể tác động tiêu cực tới quyết định đầu tư trong tương lai của các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, việc Mỹ đánh thuế cao lên tất cả các thị trường có thể làm gia tăng lạm phát, ảnh hưởng tới sức tiêu dùng hàng hoá và từ đó ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.
Tin tưởng vào sự lãnh đạo, ngoại giao tài tình của các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương diễn ra vào sáng 6/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tinh thần chung là không hoảng hốt, hoang mang, lo sợ mà giữ vững bản lĩnh, trí tuệ, bình tĩnh xử lý chủ động, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nắm chắc tình hình để ứng phó.
Đề xuất một số giải pháp nhằm giảm thiểu tác động tích cực với chính sách thuế đối ứng của Mỹ, bà Nguyễn Thu Oanh cho rằng, Việt Nam cần tăng cường đối thoại song phương với Mỹ để làm rõ các yếu tố lợi ích thương mại song phương giữa hai quốc gia, khẳng định Việt Nam là đối tác thương mại công bằng và đáng tin cậy. Đồng thời, tiếp tục chủ động, tích cực và dùng nhiều kênh, nhiều biện pháp khác nhau nhằm cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước.
Việt Nam cũng cần cải thiện những yếu tố mà Mỹ cho rằng Việt Nam đang bảo hộ, cạnh tranh không lành mạnh. Tăng cường khai thác hiệu quả, tận dụng lợi thế của các FTA để gia tăng xuất khẩu thay thế lượng hàng xuất khẩu suy giảm tại thị trường Mỹ. Đồng thời, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Bên cạnh đó các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề cần xây dựng kịch bản ứng phó khác nhau, tìm kiếm các giải pháp để duy trì khả năng cạnh tranh.
Với tinh thần chỉ đạo của Thủ tưởng Chính phủ, chúng ta tin tưởng vào sự lãnh đạo, ngoại giao tài tình của các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong các cuộc đàm phán thoả thuận với Mỹ.