Bình Dương là một kỳ tích của Việt Nam về phát triển kinh tế và công nghiệp hóa
Ngày 20/4, trình bày tham luận về phát triển chuyên đề kinh tế phát triển đô thị tại Hội thảo kỷ niệm 25 năm thành lập tỉnh Bình Dương, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ khẳng định: "Bình Dương là một kỳ tích của Việt Nam về phát triển kinh tế, công nghiệp hóa".
Thay đổi căn bản cách tiếp cận phát triển
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Bình Dương là một tỉnh có điểm xuất phát thuần nông, nghèo với điều kiện phát triển hết sức khó khăn nhưng có vị trí nằm liền kề TP HCM và là tỉnh đi sau nên Bình Dương đặt ra phương châm "đột phá và tiến vượt" và "nguyên lý Gravity - nước chảy chỗ trũng".
Vị trí này tạo cơ hội, đồng thời gây áp lực phát triển mạnh đối với Bình Dương. Cộng hưởng cơ hội và áp lực phát triển tạo cho Bình Dương một vị thế mới, đặt tỉnh vào một tình thế phát triển khác, trong bối cảnh đó, tỉnh buộc phải thay đổi căn bản cách tiếp cận phát triển.
Ngay sau khi tách tỉnh, Bình Dương có hai thay đổi quan trọng là xây dựng khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) kiểu mới, hiện đại và thông minh. Đây là sáng kiến phát triển quan trọng có từ sự hợp tác giữa Việt Nam - Singapore, được vận hành thực tế và sớm, được xác nhận là một hình mẫu thành công.
PGS.TS Trần Đình Thiên phát biểu tại hội thảo |
Bên cạnh đó, Bình Dương đột phá cải cách xin cơ chế chứ không xin tiền. Đây là cơ chế "xin - cho" để thoát "xin - cho". Công thức phát triển này rất đơn giản, rõ ràng nhưng thực sự là một bước tiến có ý nghĩa lịch sử.
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định, hai thay đổi này của Bình Dương là hai đột phá đúng nghĩa, nhằm vào hai tuyến "trục" của quá trình đổi mới kinh tế của Việt Nam: Thị trường - mở cửa hội nhập quốc tế.
Cũng theo TS Trần Đình Thiên, dường như cho đến nay vẫn chưa có địa phương nào làm quyết liệt và triệt để như Bình Dương, nhằm mục tiêu khó thực hiện bậc nhất là đoạn tuyệt với "lợi ích xin - cho", hướng tới tự chủ nhiều hơn trong điều hành và quản lý quá trình chuyển đổi, nhằm tăng tính tự chịu trách nhiệm và chủ động đổi mới, sáng tạo.
TS Thiên khẳng định, sự thay đổi công thức phát triển của Bình Dương rất đơn giản, cũng tương tự như nguyên lý đổi mới kinh tế ban đầu trên cả nước (chuyển sang "khoán hộ trong nông nghiệp" và "thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần").
Nhờ đó, Bình Dương đã tạo được đột phá chiến lược, thực hiện bứt phá thành công và xác lập "kỳ tích phát triển": Duy trì tốc độ tăng trưởng cao liên tục nhiều năm, thay đổi căn bản cơ cấu kinh tế, nhảy vọt "đẳng cấp" phát triển, vươn lên mức GRDP/người thuộc nhóm cao nhất nước.
Đổi mới sáng tạo không ngừng và tiến vượt
Cũng theo PGS.TS Trần Đình Thiên, từ một tỉnh nghèo, Bình Dương đã tiến kịp và đang vượt qua các địa phương đi trước, thậm chí đi đầu cả nước, tại nhiều phương diện chủ yếu.
Cụ thể, khi mới tách tỉnh, quy mô kinh tế của Bình Dương chỉ đạt 3.919 tỷ đồng nhưng đến cuối năm 2021, quy mô kinh tế tỉnh đạt 408.861 tỷ đồng, gấp 104,3 lần năm 1997; Tốc độ tăng trưởng GRDP theo giá so sánh giai đoạn 1997–2021 đạt 10,86%/năm. Hiện nay, GRDP/đầu người của Bình Dương vượt TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, vươn lên đứng thứ 3 cả nước.
Tháng 2/2022, Bình Dương được vinh danh là một trong 21 cộng đồng có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới (Smart 21) của năm 2022. Đây là lần thứ 4, Bình Dương lọt vào danh sách "Top Smart 21" của ICF (Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới).
PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, những thành tích trên của Bình Dương mang bóng dáng của một kỳ tích phát triển. Bình Dương đã kiên trì theo đuổi thực thi một chiến lược phát triển thông minh, dựa chủ yếu vào cách tiếp cận đột phá, hướng tới đổi mới sáng tạo không ngừng và tiến vượt.
Khoảng 10 năm sau tách tỉnh, Bình Dương tiếp tục đột phá chiến lược lần 2, tiếp tục mở rộng, xây dựng KCN VSIP 2 theo logic mở và xây dựng thành phố mới Bình Dương.
Thành phố mới Bình Dương là tổ hợp đô thị - công nghiệp - dịch vụ hiện đại. Tuy có vẻ ít gây "đột biến" song về logic, cả hai nội dung đó vẫn bảo đảm nhất quán với tinh thần đột phá, vươn lên đẳng cấp phát triển mới.
Chiến lược "thiên lệch công nghiệp hóa" (ồ ạt thu hút đầu tư công nghiệp - công nghệ thấp, sử dụng lao động thiếu kỹ năng, tiền lương thấp và gây ô nhiễm môi trường), vẫn phát huy hiệu lực tốt trong điều kiện Bình Dương nhưng tỉnh đã sớm lựa chọn chuyển hướng sang nhấn mạnh "hiện đại hóa" với ưu tiên thu hút đầu tư công nghiệp - công nghệ cao và phát triển đô thị hiện đại ở đẳng cấp cao nhất là đô thị thông minh.
Việc thực thi chiến lược mới giúp Bình Dương khả năng "vượt trước" các nguy cơ gây ách tắc phát triển (điển hình là các vấn đề dân cư và đô thị) do cách phát triển thiên lệch công nghiệp hóa gây ra.
Những năm gần đây, Bình Dương ráo riết chuyển sang đột phá lần 3 với việc xây dựng đô thị thông minh và khởi công xây dựng KCN VSIP 3 với định hướng tạo lập hệ sinh thái công nghiệp - công nghệ cao.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, việc xây dựng đô thị thông minh được Bình Dương "tự" triển khai trên thực tế từ mấy năm trước. Với cách làm tận dụng lợi thế "đi sau" đã giúp Bình Dương tiến vượt lên và đạt được kết quả vượt trội, xét cả theo tiêu chuẩn đua tranh thế giới ở đẳng cấp cao nhất.
Việc nỗ lực phát triển đô thị thông minh sớm sẽ giúp Bình Dương giải quyết hiệu quả hàng loạt vấn đề mang tính thời đại có độ thách thức rất cao như giao thông, y tế, giáo dục, logistic…