Cây quế “vàng xanh” ở tỉnh Lào Cai, giúp người dân phát triển kinh tế
Những năm gần đây, cây quế được coi là “vàng xanh” trong động lực phát triển kinh tế, xã hội ở tỉnh Lào Cai. Vùng nguyên liệu quế của tỉnh Lào Cai phát triển nhanh, chỉ sau tỉnh Yên Bái.
Khoảng 10 năm trở về trước đời sống người dân ở xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên gặp rất nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người chỉ dưới 15 triệu đồng/tháng. Từ khi những đồi sắn, đồi keo được chuyển sang trồng quế, đời sống của người dân nơi đây đã từng bước được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người tăng lên 40 triệu đồng/tháng.
Giờ về Xuân Hòa không còn cảnh người dân chạy ăn từng bữa, xen trong câu chuyện chỉ thấy bà con bàn về chuyện nhà này mua xe ô tô gì, nhà kia xây nhà tiền tỷ.
Ông Hoàng Văn Chức, ở thôn Bản Vắc, xã Xuân Hòa đã gắn bó với cây quế hơn 20 năm cho biết, hiện kinh tế thu nhập gia đình từ việc tỉa cành, bán lá cây quế một năm cũng được trên 100 triệu đồng. Khi cây quế trên 10 năm tuổi bán trắng cả đồi cũng được hơn 700 triệu đồng/ha.
“Cả làng đều trồng quế hết… Trước trồng sắn, gỗ tạp không bán được. Trồng quế 3 năm là tỉa dần bán tiêu dần rồi. Giờ được nhiều tiền rồi” - ông Hoàng Văn Chức chia sẻ.
Xã Xuân Hòa có trên 3.000 ha cây quế, là vùng trọng điểm trong thủ phủ quế của huyện Bảo Yên. Hiện gần 1.800 hộ dân ở đây đều tham gia vào chuỗi trồng, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm từ cây quế. Ông Cổ Văn Chuông, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên, cho biết: Cây quế cho thu nhập cao hơn các cây trồng khác, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị.
“Cũng muốn có các doanh nghiệp vào đầu tư sâu hơn như chưng cất tinh dầu chất lượng tốt hơn… Hay như thân, cành chế biến các sản phẩm khác như than.. như vây sẽ tận dụng hết sản phẩm từ cây quế” - ông Cổ Văn Chuông nói.
Cây quế ở tỉnh Lào Cai hiện được người dân chủ động trồng và phát triển tại một số vùng thấp ở huyện Bắc Hà, Văn Bàn, Bảo Yên, Bảo Thắng. Sau gần 50 năm trồng quế, người dân đã có kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc, khai thác và sơ chế sản phẩm quế. Cùng với đó, tư duy kỹ thuật về lâm nghiệp chuyển biến tích cực, phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với quản lý bảo vệ rừng bền vững.
Ông Trần Văn Thanh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai, cho biết: “Diện tích quế bà con trồng chăm sóc rất rốt, độ che phủ cao. Lợi ích từ quế lớn, nên bà con rất chịu khó canh tác bảo vệ, công tác phòng chống cháy rừng rất tốt”.
Với hiệu quả kinh tế cao, ổn định, từ năm 2012 trở lại đây diện tích trồng quế tại Lào Cai tăng gấp 8 lần, trở thành vùng nguyên liệu quế đứng thứ 2 trên cả nước. Theo dự tính, diện tích vùng nguyên liệu quế của tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới và từng bước chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững, phấn đấu trên 30% diện tích trồng quế được cấp chứng nhận hữu cơ.
Tuy nhiên, việc phát triển quế với tốc độ nhanh cũng đang đặt ra bài toán trong việc đáp ứng các quy chuẩn chất lượng, biến động về giá cả, thị trường đầu ra. Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của các cơ quan hữu quan, phương thức tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm từ cây quế ở tỉnh Lào Cai đã có nhiều đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, hình thành các hợp tác xã thu mua, sơ chế sản phẩm quế.
Ông Lê Văn Long, Công ty TNHH hương gia vị Sơn Hà, cho hay: Thị trường tiêu thụ quế của tỉnh Lào Cai chủ yếu là Ấn Độ, Trung Quốc, châu Âu và Bắc Mỹ, nhu cầu rất lớn, nhưng đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng cao.
“Định hướng của chúng tôi sẽ làm ra những sản phẩm chất lượng cao cho thị trường tiêu chuẩn chất lượng cao. Muốn làm việc đó chúng tôi sẽ có hỗ trợ tại vùng nguyên liệu, đào tạo tập huấn cho nông dân để họ hiểu quy trình trồng đảm bảo và hỗ trợ xây dựng được chuỗi bền vững” - ông Lê Văn Long nói
Nhằm phát huy tiềm năng cây quế, tỉnh Lào Cai đã có chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định cây quế là một trong 6 sản phẩm, ngành hàng chủ lực của tỉnh. Theo ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở NN &PTNT tỉnh Lào Cai: Để phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững, trong đó tập trung phát triển cây quế, tỉnh Lào Cai đã lồng ghép các chính sách đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất đối với các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh trong ngành quế.
“Đầu tiên phải xác định chế biến sâu các sản phẩm từ cây quế là then chốt. Hiện chúng tôi đang thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư tại Lào Cai, trong đó quan tâm đến các dây chuyền chế biến sâu, tạo ra đa dạng sản phẩm, đáp ứng được những thị trường khó tính” - ông Đỗ Văn Duy cho biết.
Hiện, ở Lào Cai có khoảng 4.200 hộ dân trồng, phát triển kinh tế từ trên 57.000 ha quế. Nếu cây quế được quan tâm phát triển thành công, đạt được mục tiêu, thì với giá trị trên 700 triệu đồng/ha như hiện nay, trong tương lai gần tỉnh Lào Cai sẽ có thêm hàng nghìn nông dân trở thành tỷ phú từ cây quế.