Thứ hai, 25/11/2024 - 13:07

Chính sách tỷ giá linh hoạt giúp kinh tế Việt Nam giải tỏa áp lực

Một trong những nỗ lực giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát năm 2022 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là điều hành linh hoạt tỷ giá.

Với bối cảnh hiện nay, tác động của tỷ giá với từng nhóm doanh nghiệp có thể khác nhau và vì thế, các doanh nghiệp cũng cần có chiến lược riêng để dự phòng rủi ro tỷ giá, đặc biệt giai đoạn cuối năm 2022 và đầu 2023 có thể có những yếu tố đan xen tác động. Tuy nhiên, việc điều hành tỷ giá trong năm 2022 của NHNN, nổi bật là việc nới biên độ tỷ giá đã phần nào tạo ra không gian rộng lớn hơn để các chủ thể, trong đó các nhà xuất khẩu, nhập khẩu, nhà đầu tư nước ngoài và người dân lựa chọn cách thức tỷ giá cân bằng trên cơ sở cung cầu thị trường.

Đến thời điểm gần kết thúc năm 2022, tỷ giá USD trung tâm tăng không nhiều so với đầu năm, chỉ khoảng 2,4%. Tuy nhiên, tỷ giá USD tham khảo tại Sở giao dịch NHNN và tỷ giá tại ngân hàng thương mại đã tăng khá mạnh hơn 7%, còn tỷ giá tại các ngân hàng thương mại đã tăng khoảng 9%.

 

Sự chênh lệch mặt bằng tỷ giá hiện tại so với đầu năm theo đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh liên quan đến ngoại tệ. Tuy nhiên, động thái này cũng nằm trong diễn biến chung của các đồng tiền trên thế giới so với USD và thực tế đồng VND đang mất giá ít hơn.

chinh sach ty gia linh hoat giup kinh te viet nam giai toa ap luc hinh anh 1

(Ảnh minh họa - KT)

Theo phân tích của SSI Research, việc nới biên độ lên (+-5%) cho phép tỷ giá USD/VND niêm yết tại các NHTM được điều chỉnh linh hoạt hơn so với tỷ giá trung tâm. Trong ngắn hạn, điều chỉnh này là cần thiết khi tỷ giá sẽ vẫn còn chịu nhiều áp lực từ bên ngoài.

TS Nguyễn Quốc Việt- Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Không chỉ có nới biên độ tỷ giá mà NHNN đã sử dụng hàng loạt chính sách linh động, bao gồm dự trữ ngoại hối, nghiệp vụ trên thị trường mở, tín phiếu và lãi suất….tất cả sự điều chỉnh như vậy tôi cho rằng có thể điều tiết để chuẩn bị cho tháng căng thẳng cuối năm, từ cuộc chạy đua tăng lãi suất và sức ép căng thẳng giữa đồng Việt Nam và Đô la Mỹ.

Chúng ta thấy rõ ràng dòng vốn sẽ có sự bất ổn, lãi suất thực của đồng Việt Nam sẽ co hẹp về biên độ, khiến NHNN cần cân hắc giữa yếu tố lãi suất và tỷ giá”.

Theo các chuyên gia kinh tế, tỷ giá hối đoái tăng có lợi cho nhà xuất khẩu do xuất khẩu hàng hoá sang các nước khác rẻ hơn, ngược lại bất lợi cho nhập khẩu do hàng hoá từ bên ngoài sẽ trở nên đắt hơn. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp nhập khẩu muốn hạn chế rủi ro tỷ giá trong những tháng tới đây nên tham gia thị trường mua ngoại tệ kỳ hạn, hoặc quyền chọn hoặc tham gia vào thị trường phái sinh để bảo vệ đồng tiền.

Việc chấp nhận đồng nội tệ mất giá ở mức độ nào đó là phù hợp với bối cảnh chung, nhưng mức độ mất giá cụ thể là bao nhiêu sẽ là yếu tố phải tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng, cần có sự tính toán trên sự cân đối các yếu tố lạm phát, cán cân thương mại, cán cân thanh toán quốc tế, thanh toán nợ…

Tiến sỹ Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng học viện Ngân hàng TP.HCM phân tích: “Trong điều hành vĩ mô, chúng ta luôn định hướng là điều hành ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát, đấy là mục tiêu hàng đầu, xuyên suốt. Nhưng trong những thời điểm cụ thể thì có những mục tiêu sẽ được ưu tiên hơn, thời điểm hiện tại điều hành tỷ giá rất quan trọng, quan trọng hơn cả vì liên quan đến kỳ vọng lạm phát.

Chúng ta đều nói rằng lạm phát ở Mỹ, châu Âu rất cao, Việt Nam là nước nhập khẩu rất nhiều, có khả năng bị nhập khẩu lạm phát về. Chính vì vậy nếu biến động tỷ giá quá lớn sẽ dẫn đến đồng tiền mất giá và lạm phát. Và nếu lạm phát xảy ra thì nó sẽ liên quan đến yếu tố lãi suất, Ngân hàng buộc phải tăng lãi suất. Còn khi mà kiểm soát được lạm phát tốt thi sẽ kiểm soát được lãi suất và các vấn đề liên quan khác như đầu tư, tiêu dùng, GDP”.

Thực tế, thị trường ngoại tệ của Việt Nam đang đón nhận khá nhiều thông tin tích cực, nhiều yếu tố đang khá thuận lợi đối với mục tiêu bảo vệ ổn định tỷ giá hối đoái của Việt Nam như là Việt Nam không còn nằm trong danh sách giám sát về thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ. Theo báo cáo mới nhất, trong 3 tiêu chí để Mỹ xem xét khả năng thao túng tiền tệ của các đối tác thương mại thì Việt Nam chỉ còn vượt ngưỡng duy nhất một tiêu chí về thặng dư thương mại hàng hoá và dịch vụ với Mỹ.

Theo Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 10,6 tỷ USD  (cùng kỳ năm trước xuất siêu 0,6 tỷ USD). Một số thương vụ gọi vốn, huy động vốn quốc tế được các công ty công bố như: Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế (DFC) ký kết cho ngân hàng SeABank vay 200 triệu USD; ADB và ngân hàng VPBank ký kết gói vay xã hội trị giá 500 triệu USD… Mặc dù tổng giá trị các thương vụ này không lớn so với quy mô giao dịch thị trường ngoại tệ nhưng được coi là rất quý giá bởi ngoài việc bổ sung nguồn cung thì còn khẳng định niềm tin của tổ chức tài trợ vốn quốc tế đối với Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Huân nhận định: “Tôi đánh giá rất cao việc NHNN đã nới biên độ từ 3%-5% ở giai đoạn cuối năm nay, điều này sẽ làm giảm việc sử dụng dự trữ ngoại hối. Lực cầu ngoại tệ ở tháng cuối năm rất cao, vì vậy nếu sử dụng nhiều dự trữ ngoại hối để bình ổn tỷ giá thì dường như là vô nghĩa, lãng phí lượng dự trữ ngoại hối. Và chúng ta thấy qua được giai đoạn cầu đô la tăng cao vào cuối năm, vì doanh nghiệp cần nhập hàng, người dân cầ đô la vào cuối năm, gây áp lực lên tỷ giá nhưng điều này chỉ mang tính chu kỳ và khi qua tính chu kỳ đó thì NHNN đã bắt đầu giảm giá bán USD đi, cách điều hành như vậy tôi thấy phù hợp và theo tín hiệu của thị trường”.

Có thể thấy, điều hành tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh tài chính, tiền tệ quốc tế biến động mạnh, nhiều đồng tiền phá giá ở mức cao là một thách thức rất lớn.Từ đầu năm tới nay, trong bối cảnh đồng tiền nhiều nước mất giá rất mạnh so với đồng USD, đồng tiền Việt Nam vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất so với khu vực và thế giới.

Tuy nhiên "ổn định không có nghĩa là cố định" mà phải theo sát mọi diễn biến để điều hành phù hợp với biến động của thế giới. Mục tiêu là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, vẫn tiếp tục là ưu tiên xuyên suốt, lâu dài./.

Lượt xem: 13
Tác giả: Bảo Ngọc/VOV1
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật