Thứ ba, 17/09/2024 - 02:50

Chính thức ký kết mới Hiệp định Thương mại Việt Nam – Lào sau 3 năm đàm phán

Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 10/4/2024 gồm các thông tin thị trường, công nghiệp đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:

Chính thức ký kết mới Hiệp định Thương mại Việt Nam – Lào sau 3 năm đàm phán; Kỳ vọng làn sóng đầu tư mới của Đài Loan (Trung Quốc) vào Việt Nam; Bộ Công Thương sẽ xử lý khách quan yêu cầu điều tra chống bán phá giá thép cán nóng nhập khẩu; Tăng cường triển khai các giải pháp cấp điện mùa khô năm 2024.

Ký kết mới Hiệp định Thương mại Việt Nam – Lào sau 3 năm đàm phán

undefined
Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào mới sau khi ký kết và đi vào thực thi sẽ góp phần giải quyết các vấn đề phát sinh; tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động thương mại giữa Việt Nam - Lào

Sáng ngày 8/4/2024, tại Viêng - chăn, Lào, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Malaithong Kommasith đã ký Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào mới. Bản Hiệp định mới hướng tới các mục tiêu trong đó có thúc đẩy tiếp cận thị trường cho hàng hóa, dịch vụ và tạo sự kết nối phát triển ổn định, bền vững và lâu dài.

Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào được ký lần đầu năm 2015. Chính phủ Việt Nam và Lào giao Bộ Công Thương hai nước đàm phán, sửa đổi, bổ sung để xây dựng Hiệp định Thương mại Việt Nam – Lào mới phù hợp với bối cảnh hiện nay. Sau quá trình đàm phán kéo dài 3 năm, hai Bên đã thống nhất được các nội dung Hiệp định mới.

Bản Hiệp định mới hướng tới mục tiêu tăng cường, củng cố hơn nữa quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, thúc đẩy tiếp cận thị trường cho hàng hóa, dịch vụ và tạo sự kết nối phát triển ổn định, bền vững và lâu dài. Các điều khoản của Hiệp định được xây dựng dựa trên nguyên tắc phù hợp với các luật, quy định và chính sách tương ứng của mỗi nước; bình đẳng, cùng có lợi; cùng hướng tới việc tạo thuận lợi tối đa trong việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và cung ứng dịch vụ, dành cho nhau những ưu đãi đặc biệt về thương mại hàng hóa và dịch vụ .

Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào mới sau khi ký kết và đi vào thực thi sẽ góp phần giải quyết các vấn đề phát sinh; tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động thương mại giữa Việt Nam - Lào; đặc biệt việc rà soát và đưa ra các ưu đãi về thuế suất thuế nhập khẩu đi trước lộ trình giảm thuế của Việt Nam và Lào trong ASEAN sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại Việt Nam - Lào.

Kỳ vọng làn sóng đầu tư mới của Đài Loan (Trung Quốc) vào Việt Nam

undefined
Hiện Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư hàng đầu của các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc)

Ngày 8/4, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Đài Loan (Trung Quốc) đã diễn ra tại Hà Nội. Đây là sự kiện do Công ty cổ phần Xúc tiến đầu tư và thương mại DVL IPT phối hợp Tổng hội Thương mại Đài Loan Thế giới tổ chức.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đánh giá, quan hệ hợp tác kinh tế đầu tư thương mại Việt Nam Đài Loan (Trung Quốc) đã phát triển tích cực và ngày càng sâu rộng trên nhiều lĩnh vực.

Hiện Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư hàng đầu của các doanh nghiệp Đài Loan. Trong năm 2023, nguồn vốn đầu tư từ Đài Loan (Trung Quốc) đạt 2,2 tỷ USD, tăng gấp 4 lần so với năm 2022. Tính lũy kế, Đài Loan (Trung Quốc) hiện đứng thứ 4/105 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, với gần 3.200 dự án và tổng vốn đăng ký hơn 39,5 tỷ USD, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam.

Trong khuôn khổ diễn đàn đã diễn ra tọa đàm "Việt Nam sự lựa chọn đúng đắn cho các nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc)", Triển lãm quốc tế Xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam - Đài Loan (Trung Quốc) 2024 có sự tham gia của gần 100 gian hàng với các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà xưởng, kho bãi, logistics, các nhà cung cấp, cơ sở sản xuất của địa phương và các nhà phân phối, doanh nghiệp xuất khẩu trên cả nước.

Triển lãm diễn ra đã tạo điều kiện giới thiệu, kết nối doanh nghiệp Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) hợp tác thương mại, cũng như để các địa phương giới thiệu tiềm năng thế mạnh đến các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc).

Bộ Công Thương sẽ xử lý khách quan yêu cầu điều tra chống bán phá giá thép cán nóng nhập khẩu

undefined
Bộ Công Thương sẽ xử lý khách quan yêu cầu điều tra chống bán phá giá thép cán nóng nhập khẩu

Mới đây, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ đang thẩm định hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá thép cán nóng nhập khẩu và khẳng định sẽ xử lý khách quan, minh bạch.

Căn cứ theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, trong trường hợp doanh nghiệp nhận thấy có dấu hiệu về hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước, đại diện ngành sản xuất trong nước có thể nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

Trên cơ sở các ý kiến, bằng chứng của tất cả các bên liên quan và đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp chính đáng của các doanh nghiệp trong vụ việc này, Cơ quan điều tra sẽ tiến hành thẩm định chi tiết hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật để báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định điều tra hoặc không điều tra.

Quá trình điều tra, Cục Phòng vệ thương mại sẽ yêu cầu các bên liên quan cung cấp chứng cứ để xem xét một cách toàn diện, khách quan. Từ đó, cơ quan này đưa ra kiến nghị và Bộ Công Thương sẽ đưa ra kết luận cuối cùng về việc áp thuế hay không và mức thuế là bao nhiêu. Kể cả khi Bộ Công Thương quyết định khởi xướng điều tra cũng sẽ chưa có biện pháp nào áp dụng đối với thép nhập khẩu.

Tăng cường triển khai các giải pháp cấp điện mùa khô năm 2024

Theo Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, trong năm 2024, tình hình cung cấp điện được dự báo gặp rất nhiều khó khăn do không có nhiều nguồn điện bổ sung, diễn biến thời tiết khắc nghiệt, trong khi đó phụ tải tăng trưởng khá cao. Vì thế, Bộ Công Thương đã chủ động, tăng cường chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp cấp điện mùa khô.

Theo Cục Điều tiết Điện lực, để đáp ứng nhu cầu điện năng trong năm 2024, ngay từ cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ cũng như lãnh đạo Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cơ quan triển khai rất nhiều giải pháp để đảm bảo cung ứng điện. Theo đó, Bộ Công Thương đã phê duyệt kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2024, kế hoạch cung cấp than, khí cho sản xuất.

Khác với những năm trước, năm nay, Bộ Công Thương đã phê duyệt kế hoạch cung ứng điện riêng cho các tháng cao điểm mùa khô. Tại các kế hoạch nêu trên, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị cơ quan liên quan triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo cung ứng điện.

Cục Điều tiết Điện lực, các cục vụ liên quan trực tiếpđã tích cực triển khai các giải pháp theo chỉ đạo của Bộ Công Thương. Cụ thể, việc đảm bảo than cho các nhà máy điện trong và ngoài EVN đã được thực hiện tốt. Các đơn vị phát điện truyền tải, phân phối điện cũng đã tích cực rà soát các thiết bị máy móc, chủ động khắc phục các khiếm khuyết khi phát ra, tăng cường kiểm tra hành lang tuyến đường dây để hạn chế thấp nhất các sự cố. Các công ty, tổng công ty đã chủ động báo cáo với UBND tỉnh, thành phố Trung ương, các Sở Công Thương có tiếp xúc với khách hàng để triển khai các chương trình tiết kiệm điện theo Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ về công tác tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025.

Lượt xem: 26
Tác giả: Thực hiện Nhóm phóng viên
Tin liên quan