Chương Mỹ nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm OCOP
Huyện Chương Mỹ (Hà Nội) được đánh giá là địa phương có nhiều làng nghề và vùng sản xuất nông nghiệp tập trung nên có lợi thế để phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Hiện tại, huyện đang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đa dạng hóa sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm OCOP Chương Mỹ trên thị trường.
Nhiều tiềm năng nguồn sản phẩm OCOP
Sở hữu nhiều làng nghề và vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, Chương Mỹ được đánh giá là địa phương có nhiều lợi thế phát triển các sản phẩm OCOP. Trên địa bàn huyện có 175/208 làng có nghề, 35 làng nghề truyền thống đã được công nhận; 94 hợp tác xã; 559 trang trại chăn nuôi, trồng trọt; 6 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; 10 mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp.
Cùng với đó, là hàng trăm sản phẩm nông nghiệp, làng nghề đặc trưng, có thương hiệu trên thị trường như: Gạo hữu cơ Đồng Phú; Bưởi Chương Mỹ; Rau an toàn Chúc Sơn; Trứng gà Tiên Viên; Mây tre giang đan Phú Nghĩa; Nón lá Văn La… Nhiều sản phẩm đã được cấp mã truy xuất nguồn gốc và được đông đảo người tiêu dùng tin tưởng.
Nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, từ năm 2019 đến nay, huyện Chương Mỹ đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình OCOP và coi đây là nhiệm vụ quan trọng phát triển kinh tế, xây dựng Nông thôn mới. Ban chỉ đạo Chương trình OCOP huyện đã chỉ đạo các xã rà soát, đánh giá các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp để xây dựng cơ sở dữ liệu, làm nền tảng xây dựng các sản phẩm OCOP.
Bưởi Diễn là một trong những sản phẩm OCOP đặc trưng của huyện Chương Mỹ |
Cùng với đó, huyện đã đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng, chủ lực nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, phấn đấu có sản phẩm nông nghiệp được xếp hạng 5 sao. Đồng thời, xây dựng và thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển nông nghiệp chuyên canh tập trung, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.
Hết năm 2021 vừa qua, huyện Chương Mỹ có thêm 40 sản phẩm OCOP được đánh giá từ 3 sao trở lên. Trong đó, một số chủ thể tiêu biểu có nhiều sản phẩm OCOP được cấp sao như: Công ty TNHH Rosa Valley Việt Nam với các sản phẩm Nước cất hoa hồng Karose; Nước gội đầu hoa hồng Karose Shine; Rửa mặt tẩy da chết hoa hồng Karose Face Scrub...; Công ty TNHH mây tre đan Việt Quang với các sản phẩm bộ đèn đan vảy rồng, bát bộ ba, làn đan mắt cáo, khay chữ nhật...; Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn với các sản phẩm rau củ quả...
Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn Hoàng Văn Thám chia sẻ: Các sản phẩm OCOP được thành phố Hà Nội cấp sao đã góp phần nâng cao giá trị kinh tế, củng cố niềm tin của người tiêu dùng và mở ra thị trường rộng lớn hơn. Chương trình OCOP đã tạo thêm nhiều cơ hội cho sản xuất nông nghiệp cũng như làng nghề. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục lựa chọn thêm các sản phẩm để đăng ký tham gia Chương trình OCOP.
Tập trung thực hiện các mục tiêu quan trọng
Xác định OCOP là chương trình quan trọng nhằm phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, Ban chỉ đạo Chương trình OCOP huyện Chương Mỹ đã ban hành các Kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2022.
Theo đó, huyện sẽ kiện toàn hệ thống quản lý, điều hành Chương trình OCOP đồng bộ từ cấp huyện đến cấp xã. Rà soát, đánh giá các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp của huyện để xây dựng cơ sở dữ liệu về các sản phẩm tiêu biểu của huyện; Làm nền tảng xây dựng các sản phẩm OCOP của huyện.
Nhận định về tiềm năng phát triển Chương trình OCOP của thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội cho biết: Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước, với 1.350 làng nghề và làng có nghề. Trong đó có 305 làng nghề đã được công nhận làng nghề truyền thống, chiếm khoảng 60% tổng số làng nghề của cả nước.
Công ty TNHH mây tre đan Việt Quang là một trong nhũng chủ thể có nhiều sản phẩm OCOP của huyện Chương Mỹ |
Các làng nghề đa dạng loại hình và phong phú về sản phẩm, được phát triển theo nhiều nhóm nghề khác nhau như chế biến lâm sản, nông sản, sơn mài, khảm trai, mây tre, giang đan, thêu ren, cơ khí, kim khí, điêu khắc, may mặc, sinh vật cảnh...
Hiện Hà Nội có khoảng 7.200 sản phẩm, tương thích với 6 nhóm ngành hàng Chương trình OCOP, bao gồm: 2.881 sản phẩm thực phẩm (39,9%); 2.417 sản phẩm lưu niệm - nội thất - trang trí (33,5%); 1.396 sản phẩm vải và may mặc (19,3%)...
Để thực hiện tốt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, mới đây Hà Nội đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Thành phố xây dựng Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm của Hà Nội. Mục tiêu của chương trình này là tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% sản phẩm làng nghề, nông nghiệp hiện có. Đồng thời củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp, triển khai thực hiện từ 10 đến 20 làng văn hóa, làng nghề du lịch..
Trang thông tin có sự phố hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội |