Thứ sáu, 20/09/2024 - 04:47

Cơ cấu thu ngân sách Nhà nước cho thấy kinh tế còn khó khăn

Theo Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, tình hình thu ngân sách Nhà nước năm 2023 ước hoàn thành dự toán nhưng thực chất vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi thu nội địa giảm so với dự toán...

Thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, mặc dù nền kinh tế nước ta đối mặt với nhiều khó khăn thách thức nhưng với nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, việc điều hành ngân sách đạt nhiều kết quả khả quan.

Đánh giá cao kết quả đạt được song Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách cũng đề nghị quan tâm, tập trung xem xét kỹ hơn một số vấn đề.

Cụ thể, tình hình thu ngân sách Nhà nước ước hoàn thành dự toán nhưng thực chất vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi thu nội địa giảm so với dự toán. Điều này cho thấy tình hình kinh tế còn khó khăn được phản ánh qua cơ cấu thu.

Mặt khác, thu ngân sách Nhà nước chịu nhiều ảnh hưởng từ các chính sách miễn, giảm thuế phí nhưng báo cáo của Chính phủ chưa có đánh giá định lượng, hiệu quả của các chính sách này đối với nền kinh tế.

Cơ cấu thu ngân sách Nhà nước cho thấy kinh tế còn khó khăn
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Lê Quang Mạnh

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách nhận thấy, thu ngân sách Trung ương dự kiến hụt thu, điều này ảnh hưởng đến vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, đặc biệt là việc cân đối nguồn lực cho việc thực hiện mục tiêu phát triển liên kết vùng theo nghị quyết của Đảng.

Cùng với đó, thu ngân sách địa phương có sự không đồng đều, nhiều địa phương ước không đạt dự toán. Do đó, Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh cho rằng, các địa phương cần phấn đấu tăng thu hoàn thành dự toán.

Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh cũng cho biết, một số ý kiến quan ngại trong việc thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng, một số trường hợp vướng mắc gây bức xúc cho doanh nghiệp, người nộp thuế, cần sớm có giải pháp khắc phục để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp đồng thời không để xảy ra tình trạng lợi dụng gây thất thoát ngân sách Nhà nước.

Đồng thời, tình hình cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp Nhà nước chưa sự chuyển biến tích cực, cần có giải pháp đẩy nhanh tiến độ.

Về chi ngân sách Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách cũng lưu ý một số vấn đề.

Cụ thể, tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển trong 8 tháng năm 2023 đã có những cải tiến tích cực cao hơn so với cùng kỳ của năm 2022 nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, cần tiếp tục có giải pháp cụ thể, quyết liệt, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện cam kết tiến độ giải ngân.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách cũng đề nghị nâng cao trách nhiệm, tính chủ động của các Bộ, ngành, địa phương trong công tác chuẩn bị đầu tư; Chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện để đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong những tháng cuối năm.

Về chi thường xuyên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách nhận thấy đối với nguồn chi đã được phân bổ cơ bản đảm bảo các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, đảm bảo nguồn để thực hiện tăng lương tối thiểu cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, tăng lương hưu, trợ cấp cho các đối tượng từ ngày 1/7/2023.

Về chương trình mục tiêu quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, qua giám sát cho thấy việc giải ngân nguồn vốn ở nhiều địa phương còn chậm, cần giải pháp tháo gỡ tổng thể để đẩy mạnh triển khai.

Lượt xem: 8
Tác giả: Hậu Lộc
Tin liên quan