Thứ sáu, 22/11/2024 - 21:07

Cơ chế, chính sách tài chính cho Thủ đô chưa tương xứng

Một đại biểu Quốc hội ví von, cơ chế, chính sách tài chính cũng như nguồn lực dành cho Thủ đô như "một chiếc áo quá chật", rất nhỏ so với nhu cầu phát triển...

Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) bày tỏ băn khoăn đến nguồn lực thực thi khi luật được thông qua.

Theo ông Khải, giai đoạn 2021 - 2025, tổng nhu cầu chi cho đầu tư phát triển của Thủ đô là 650 nghìn tỷ đồng, song khả năng đáp ứng của ngân sách Hà Nội chỉ là 284,1 nghìn tỷ đồng, với mức thiếu hụt là 365,8 nghìn tỷ đồng hay 56% tổng nhu cầu chi.

Dự báo tổng nhu cầu chi này sẽ tăng lên 704,8 nghìn tỷ đồng cho giai đoạn 2026 - 2030 song mức thiếu hụt dự kiến cũng sẽ tăng lên mức 394,2 nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, theo quy hoạch Thủ đô có 10 tuyến đường sắt đô thị với nhu cầu vốn đầu tư khoảng 1 triệu tỷ đồng. "Hiện nay Hà Nội mới đang triển khai một tuyến nhưng còn dở dang, nguồn vốn đầu tư 9 tuyến còn lại chưa rõ lấy ở đâu và bao giờ có thể hoàn thành", ông Khải nêu vấn đề.

Cơ chế, chính sách tài chính cho Thủ đô chưa tương xứng
Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam)

Đại biểu Trần Văn Khải ví von, cơ chế, chính sách tài chính cũng như nguồn lực dành cho Thủ đô như "một chiếc áo quá chật", rất nhỏ so với nhu cầu phát triển trong điều kiện bình thường, chứ chưa nói thực hiện Quy hoạch Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Thậm chí, ngay cả so với ưu đãi đặc thù dành cho TP HCM quy định tại Nghị quyết 98/2023/QH15 thì cơ chế, chính sách dành cho Thủ đô cũng hoàn toàn chưa tương xứng.

Do đó, đại biểu đặt ra vấn đề là Hà Nội sẽ lấy đâu ra nguồn lực để thực thi khi luật có hiệu lực thi hành?

Đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, cần có dự liệu con số cụ thể nguồn thu, huy động dự kiến và số chi cho phát triển hàng năm, từng giai đoạn, chi cho các dự án kế hoạch mở rộng, lĩnh vực ưu tiên như văn hoá, khoa học, giáo dục...

"Nếu không xác định được rõ nguồn lực tài chính, con người, cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực thì Luật Thủ đô sẽ thiếu tính thực tiễn và nhiều mục tiêu đề ra chỉ dừng ở khẩu hiệu, khó khả thi", ông Khải nhận định.

Vì vậy, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần giải trình rõ hơn, bằng con số cụ thể các nguồn lực dự kiến huy động, các cơ chế cần thiết để thu hút đầu tư khi luật có hiệu lực thi hành, từ đó bổ sung các cơ chế, chính sách đột phá để Thủ đô phát triển xứng tầm.

Lượt xem: 17
Tác giả: Khánh My
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật