Công bằng vì con người: Thách thức của nền kinh tế số
Dự báo kinh tế số của Việt Nam sẽ lớn thứ 2 ở Đông Nam Á đạt 220 tỷ USD giá trị hàng hóa vào năm 2030, điều này đã đặt ra thác thức về công bằng vì con người.
Để có những đánh giá toàn diện về tác động của nền kinh tế số, chuyển đổi số đến sự công bằng của con người trong xã hội, sáng 8/12 tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội thảo "Thúc đẩy phát triển bao trùm trong xã hội số".
Chủ trương của Đảng và Nhà nước là tăng trưởng kinh tế phải đi song hành với công bằng xã hội và chủ trương này đã được thực hiện nhất quán, để đảm bảo không có ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.
Tuy nhiên, với mục tiêu hướng đến xây dựng nền kinh tế số, chính quyền số, thời gian qua nền tảng xã hội số ở Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, cùng với đó là sự chuyển đổi số diễn ra với tốc độ nhanh chóng tại các ngành kinh tế, doanh nghiệp, địa phương trên cả nước.
Toàn cảnh hội thảo |
Kinh tế số của Việt Nam được dự báo sẽ lớn thứ 2 Đông Nam Á, đạt 220 tỷ USD về tổng giá trị hàng hóa vào năm 2030. Việt Nam hiện có hơn 70% cư dân tiếp cận tốt internet và dịch vụ số hóa, điều này đã giúp bùng nổ mạng xã hội và thúc đẩy thương mại điện tử.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng cách số trong đối tượng phụ nữ, người già, hộ dân tộc thiểu số, miền núi, hộ nghèo. Theo các chuyên gia tại hội thảo, không phải mọi nhóm dân cư đều hưởng lợi như nhau từ quá trình tăng trưởng kinh tế số. Một số nhóm sẽ chịu tác động tụt lại phía sau.
Báo cáo của Ngân hàng thế giới (2021) đã chỉ ra những nhóm đối tượng không tiếp cận được với internet hoặc tiếp cận được nhưng chất lượng đường truyền kém là những nhóm cần sự hỗ trợ của chính sách để nhằm giảm bớt bất bình đẳng do quá trình chuyển đổi số.
Theo đề xuất của các chuyên gia tại hội thảo, Chính phủ cần có cả 02 nhóm giải pháp để tạo dựng nền kinh tế số và nhóm chính sách giảm thiểu rủi ro bất bình đẳng số giữa các nhóm dân cư.
Trong đó, ưu tiên hàng đầu là tăng cường độ sẵn có của internet và các dịch vụ trực tuyến ngày càng rộng rãi; tăng cường kỹ năng của các nhóm dân cư để có khả năng tiếp cận internet; tăng cường khía cạnh tài chính của độ bao trùm của công nghệ số hóa trực tuyến tới mọi nhóm dân cư; tăng cường an ninh mạng; thúc đẩy lợi ích kết nối số.
Tại hội thảo các chuyên gia cũng đã đưa ra các giải pháp thúc đẩy xây dựng chính quyền số ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi; nâng cao trình độ văn hóa; đảm bảo sự hài lòng của người lao động trong xã hội số.