Thứ sáu, 15/11/2024 - 13:39

Công nghiệp bán dẫn, biến thách thức thành cơ hội

Công nghệ bán dẫn đang là câu chuyện thời sự, được quan tâm hàng đầu không chỉ của riêng Việt Nam, mà còn trên toàn thế giới.

Công nghiệp bán dẫn, biến thách thức thành cơ hội

Theo số liệu của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn toàn cầu (SEMI), từ những năm 2000, doanh thu của ngành này đã đạt khoảng 300 tỉ USD. Đến năm 2022, con số này đã tăng lên 520 tỉ USD và dự kiến sẽ vượt 600 tỉ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt khoảng 1.000 tỉ USD vào năm 2030.

SEMI cũng dự báo, thị trường bán dẫn của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 7,01 tỉ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng ngành bình quân mỗi năm khoảng 6,69% trong giai đoạn 2023 - 2028.

Để có thể biến con số dự báo này thành hiện thực, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách có tính cách mạng về chiến lược phát triển, nguồn nhân lực… để đón đầu ngành công nghiệp này.

Đặc biệt, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét những chính sách đặc biệt cho ngành công nghệ cao, trong đó có bán dẫn. Doanh nghiệp khi đầu tư vào trong các khu công nghiệp, khu chế xuất tại Việt Nam không cần phải xin giấy phép, chỉ cần đăng ký đầu tư và trong vòng 15 ngày sẽ cấp giấy đăng ký đầu tư.

Các thủ tục tiền kiểm như lâu nay, vốn rườm rà, tốn nhiều công sức và tiền bạc của doanh nghiệp gồm: Xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy sẽ được chuyển sang hậu kiểm để tạo thuận lợi nhất có thể cho doanh nghiệp…

Tuy vậy, ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam hiện vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, hạn chế như cơ sở hạ tầng, đặc biệt hạ tầng liên quan đến công nghiệp bán dẫn chưa được đồng bộ.

Nguồn lao động chất lượng cao trong ngành này của Việt Nam chưa nhiều. Chúng ta đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn. Nhưng đào tạo có đáp ứng được nhu cầu thị trường và yêu cầu cụ thể của các tập đoàn hay không hiện vẫn đang là dấu hỏi.

Chính sách để các tập đoàn lớn nhìn thấy cơ hội ổn định, lâu dài khi làm ăn ở Việt Nam về lĩnh vực này chưa đồng đều, mới chỉ tập trung ở Hà Nội và gần đây là Đà Nẵng…

Công nghiệp bán dẫn đang là một cuộc đua thật sự của Việt Nam và nhiều nước trong khu vực. Cơ hội của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn đang đi kèm với thách thức nhưng ngược lại, thách thức cũng sẽ tạo ra cho chúng ta cơ hội nếu sớm khắc phục được những khó khăn, hạn chế.

Cuối cùng, Việt Nam muốn xây dựng hệ sinh thái bán dẫn hướng đến tự chủ, phát triển bền vững như mục tiêu đề ra, thì song song với việc đón “sóng” đầu tư nước ngoài, chúng ta cũng cần có các chính sách ưu đãi, thuận lợi để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn!

Lượt xem: 1
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật