Thứ tư, 18/09/2024 - 12:23

Đẩy lùi tham nhũng qua hiện đại hóa lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc

Ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa trong quản lý là một trong những biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Do đó, ngành Tài chính đã có nhiều đột phá về hiện đại hóa, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan mật thiết đến người dân, doanh nghiệp như: thuế, hải quan, kho bạc, từ đó, góp phần đẩy lùi tham nhũng một cách hiệu quả.

Ngành Tài chính đã có nhiều đột phá về hiện đại hóa lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc. Ảnh: internet

Ngành Tài chính đã có nhiều đột phá về hiện đại hóa lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc. Ảnh: internet

Đột phá trong lĩnh vực thuế

Với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ, ngành Tài chính đã và đang triển khai nhiều dự án, nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế và chuyển đổi số một cách toàn diện, đột phá.

Đến nay, dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử đã được triển khai tại 100% Cục Thuế và Chi cục Thuế địa phương. Đã có trên 99% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai, nộp và hoàn thuế điện tử; hoàn thành triển khai hóa đơn điện tử cho 100% doanh nghiệp, tổ chức và hộ, cá nhân kinh doanh... Từ ngày 01/10/2023 đến ngày 31/7/2024, đã có 9.409.916 hồ sơ khai thuế điện tử của doanh nghiệp được tiếp nhận và 525.841 tài khoản dịch vụ thuế điện tử dành cho cá nhân đã được đăng ký.

Triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử, Tổng cục Thuế đã hoàn thành kết nối với 57 ngân hàng thương mại để cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử cho doanh nghiệp và 22 ngân hàng thương mại để cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử cho cá nhân. Thống kê từ ngày 01/10/2023 đến ngày 31/7/2024, các doanh nghiệp đã nộp tiền thuế thông qua 2.670.858 giao dịch nộp thuế điện tử với số tiền là trên 502.133 tỷ đồng.

Hóa đơn điện tử cũng đã được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố. Kết quả từ khi triển khai đến ngày 31/7/2024, số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý là hơn 7,9 tỷ hóa đơn (trong đó có 2,2 tỷ hóa đơn có mã; hơn 5,71 tỷ hóa đơn không mã; 1,7 triệu hóa đơn theo lần phát sinh). Hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền cũng được triển khai rốt ráo. Đến ngày 31/7/2024, có 64.009 doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công, với số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là hơn 464,8 triệu hóa đơn.

Để hỗ trợ người nộp thuế thuận tiện nhất trong thực hiện các thủ tục, ngành Tài chính đã triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử eTax Mobile. Thống kê từ ngày 01/10/2023 đến ngày 31/7/2024 cho thấy, số lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng eTax Mobile 520.373 lượt, số giao dịch qua ngân hàng thương mại là 918.292 giao dịch với tổng số tiền đã nộp thành công 1.793 tỷ đồng.

Đặc biệt, để tạo điều kiện tốt nhất để nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thực hiện thuận lợi chính sách pháp luật thuế, ngành Tài chính đã triển khai Cổng Thông tin điện tử cho nhà cung cấp nước ngoài. Đến ngày 31/7/2024, đã có 97 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai thuế thành công. Đến ngày 31/7/2024, số lượng sàn gửi dữ liệu cung cấp thông tin đến cơ quan thuế là 381 sàn thương mại điện tử tương ứng với 1.697 lượt nộp hồ sơ...

Hệ thống tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng được cơ quan thuế triển khai hiệu quả nhằm mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh trong việc thực hiện các nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Tính từ ngày 01/10/2023 đến ngày 31/7/2024, Tổng cục Thuế đã tiếp nhận 4.602 hồ sơ đăng ký thuế lần đầu và 717 hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế của cá nhân không kinh doanh qua Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Cùng với những cải cách mạnh mẽ trên, Tổng cục Thuế đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Tổng cục Quản lý đất đai và các đơn vị liên quan hỗ trợ triển khai dịch vụ thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất trên Cổng dịch vụ công quốc gia cho 63/63 tỉnh, thành phố. Đồng thời, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Cục Cảnh sát giao thông hỗ trợ người nộp thuế thanh toán lệ phí trước bạ phương tiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tính từ ngày 01/10/2023 đến ngày 31/7/2024, đã có 159.060 giao dịch nộp nghĩa vụ tài chính qua Cổng dịch vụ công quốc gia với số tiền trên 1.219 tỷ đồng.

Nhiều bước tiến trong hiện đại hóa hải quan, kho bạc

Cùng với lĩnh vực thuế, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực hải quan, kho bạc ngày càng hiệu quả với những bước tiến quan trọng. Công nghệ thông tin đã được ứng dụng toàn diện trong các mặt công tác nghiệp vụ hải quan, trong công tác chỉ đạo điều hành; đẩy mạnh triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN; triển khai dịch vụ công trực tuyến...

Ngành Hải quan đã hoàn thành mục tiêu triển khai 5 hệ thống điện tử: E-Declaration (Thủ tục hải quan điện tử), E-payment (Thanh toán thuế điện tử); E-C/O (Chứng nhận xuất xứ hàng hóa băng phương thức điện tử); E-Permit (Giấy phép điện tử) và E-Manifest (Bản lược khai hàng hóa điện tử). Về cơ bản, các khâu thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóá xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh như: khai báo, nộp hồ sơ hải quan, phân luồng kiểm tra, trừ lùi giấy phép, thông quan hàng hoa... hiện đã được thực hiện thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.

Hiện nay, tổng số thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan là 225 thủ tục. Trong đó, có 214 thủ tục do cơ quan Hải quan thực hiện và 11 thủ tục do cơ quan khác thực hiện. Trong số 214 thủ tục hành chính do cơ quan Hải quan thực hiện, có 132 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 61 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần; 21 thủ tục hành chính được cung cấp thông tin trực tuyến. Các hệ thống dịch vụ công trực tuyến của ngành Hải quan đã tiếp nhận và xử lý 12,7 triệu hồ sơ.

Để tạo thuận lợi thương mại, cơ quan hải quan cũng đã quản lý, giám sát và đảm bảo vận hành Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống công nghệ thông tin tập trung của ngành Hải quan ổn định 24/7. Từ đó, đảm bảo an ninh, an toàn, đường truyền thông suốt phục vụ đắc lực cho việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

Trong lĩnh vực kho bạc, Kho bạc Nhà nước đã triển khai các hoạt động trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, trở thành kho bạc điện tử, tạo nhiều thuận lợi cho khách hàng trong giao dịch. Hiện nay, 100% thủ tục hành chính lĩnh vực kho bạc đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan đẩy mạnh thu phí, lệ phí và thu phạt trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng nộp ngân sách đối với nhà cung cấp nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian tổ chức thu.

Thuế, hải quan, kho bạc là những lĩnh vực có quan hệ mật thiết với người dân, doanh nghiệp. Những dấu ấn, kết quả tích cực trong hiện đại hóa 3 lĩnh vực này đã giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp. Qua đó cũng phát huy hiệu quả trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của ngành Tài chính.

Lượt xem: 4
Tác giả: Trần Huyền
Tin liên quan