Thứ bảy, 23/11/2024 - 00:08

Đề xuất giải pháp tạo sức bật cho Đà Nẵng phát triển logistics tuyến hành lang Đông - Tây

Các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm giúp thành phố Đà Nẵng tạo sức bật trong phát triển logistic tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.

Cảng Đà Nẵng hiện là một khâu quan trọng trong chuỗi dịch vụ logistics của khu vực miền Trung Việt Nam - ẢNH: Cảng ĐÀ NẴNG

Cảng Đà Nẵng hiện là một khâu quan trọng trong chuỗi dịch vụ logistics của khu vực miền Trung (Ảnh: Cảng Đà Nẵng)

UBND TP Đà Nẵng vừa tổ chức “Diễn đàn Phát triển dịch vụ logistics trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây”. Diễn đàn có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Công thương, các địa phương trong cả nước, cùng hơn 230 doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Kết nối giao thương chưa như kỳ vọng

Tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Phước Sơn, cho biết đây là cơ hội gợi mở, tạo điều kiện để các cơ quan, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, các đơn vị liên quan thẳng thắn chia sẻ, trao đổi, đề xuất sáng kiến đóng góp vào việc hoàn thiện các điều kiện, chính sách phát triển dịch vụ logistics của các địa phương gắn với Hành lang Đông - Tây các nước Myamar, Thái Lan, Lào, Việt Nam.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhận định, sau 25 năm hình thành tuyến hành lang kinh tế này, các địa phương vẫn chưa thực sự được các quốc gia tập trung, quan tâm đầu tư đúng mức để trở thành một hành lang kinh tế xuyên biên giới thực sự.

Ông Sơn cho rằng, hạ tầng giao thông kết nối cũng như hạ tầng công nghiệp, thương mại, dịch vụ còn chậm phát triển, quy mô thị trường sản xuất, tiêu dùng hàng hóa còn nhỏ, dẫn đến dịch vụ logistics trên hành lang chưa thực sự phát triển như kỳ vọng.

“Việc thúc đẩy hoạt động thương mại xuyên biên giới tại các địa phương trên tuyến là rất cần thiết để dịch vụ logistics Hành lang kinh tế Đông Tây thực sự phát triển mạnh mẽ”, ông Sơn nhấn mạnh.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương chia sẻ về vai trò của Đà Nẵng trong phát triển logistics (Ảnh Đ.Minh)

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương chia sẻ về vai trò của Đà Nẵng trong phát triển logistics (Ảnh Đ.Minh)

Đồng quan điểm trên, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương nhận định, ngành dịch vụ logistics của Đà Nẵng vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần phải khắc phục kịp thời.

Ông Hải đánh giá, hiện nay trên địa bàn TP Đà Nẵng có gần 1.500 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics như: Dịch vụ vận tải, kho bãi, giao nhận…của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Mặc dù có lợi thế rất lớn để phát triển, nhưng ngành dịch vụ logistics của thành phố còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Cơ sở hạ tầng logistics thành phố chưa đồng bộ và xứng tầm với vai trò trung tâm dịch vụ logistics của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung để kết nối hiệu quả với Hành lang kinh tế Đông - Tây.

Bên cạch đó, quy mô, vốn, kinh nghiệm và trình độ quản lý của đội ngũ doanh nghiệp ngành logistics trên địa bàn còn hạn chế, khó khăn trong thu hút nguồn hàng. Việc thu hút nguồn hàng từ khu vực Tây Nguyên và luồng hàng đến các thị trường tiêu thụ như Lào, Campuchia, Thái Lan chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Đại diện Bộ Công Thương và Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng thảo luận về các giải pháp phát triển logistics (Ảnh Út Vũ)

Đại diện Bộ Công Thương và Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam thảo luận các giải pháp phát triển logistics (Ảnh Út Vũ)

Phát triển các Trung tâm logistics xứng tầm khu vực

Hiện nay, các Trung tâm logictics tập trung của Đà Nẵng bao gồm cảng Liên Chiểu (69ha), trung tâm logictics đường bộ Hòa Nhơn (54ha), trung tâm logictics đường sắt Hòa Liên (10ha), Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng (8ha) và Trung tâm logictics tại Khu công nghệ cao (20ha).

Ngoài ra, TP Đà Nẵng dự kiến sẽ phát triển nhiều trung tâm logictics nhỏ lẻ và kho bãi để hỗ trợ các trung tâm logictics tập trung, cũng như phân phối hàng hóa cho các vùng lân cận với diện tích 65ha vào năm 2045.

Bà Sonechanh Phoutthavong - Tham tán thương mại Nước CHDCND Lào tại Việt Nam cho rằng, tiềm năng cơ hội hợp tác kinh doanh giữa các tỉnh có chung biên giới 2 nước nói riêng, giữa Lào và Việt Nam nói chung, cũng như tiềm năng, cơ hội hợp tác đầu tư phát triển logistics tại 5 tỉnh Nam Trung Lào là rất lớn.

Theo đó, bà Sonechanh Phoutthavong kêu gọi các doanh nghiệp của TP Đà Nẵng nói riêng, doanh nghiệp Việt Nam nói chung quan tâm đến cơ hội đầu tư tại Lào.

Cảng Chu Lai phục vụ xuất khẩu hàng rời cho các doanh nghiệp tại miền Trung

Cảng Chu Lai, tỉnh Quảng Nam phục vụ xuất khẩu hàng rời cho các doanh nghiệp tại miền Trung

Nói về thực trạng hoạt động xuất nhập khẩu tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đến các cảng biển miền Trung, ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện hạ tầng logistics trên địa bàn tỉnh Quảng Trị còn hạn chế.

Mặc dù đã có 9 trung tâm logistics và hệ thống kho bãi đã được quy hoạch từ cấp Chính phủ, bộ ngành đến cấp tỉnh, năng lực thông quan cảng Cửa Việt chưa lớn (1,4 triệu tấn/năm) nhưng tuyến Đường 9 có lúc tắc nghẽn do lưu lượng xe cao 500-700xe/ngày…

“Quảng Trị có nhiều lợi thế và điều kiện về phát triển dịch vụ logistics nhất là với các nước ASEAN trên Tuyến hành lang Đông – Tây, do vậy tỉnh Quảng Trị xác định mục tiêu là phải tập tung phát triển mạnh dịch vụ này, từng bước xây dựng Quảng Trị trở thành điểm trung chuyển hàng hoá của các nước trong khu vực, tạo đột phá mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, ông Tiến nhấn mạnh.

Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị (Nguồn: dulich24.com)

Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị (Nguồn: dulich24.com)

Cần tập trung vào các dự án trọng điểm

Trình bày tham luận tại diễn đàn, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, cần trả lời câu hỏi làm sao tiếp tục tiết giảm được chi phí logistic là nhiệm vụ chiến lược để phát triển sản xuất tại Quảng Nam và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung?

Để đạt được mục tiêu trên, Quảng Nam đang tập trung nỗ lực thực hiện các nội dung và giải pháp như: Quy hoạch đầu tư hạ tầng (Cảng hàng không sân bay Chu Lai, Cảng nước sâu Chu Lai, Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang với Cửa Khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Ooc); đẩy mạnh cải cách hành chính gắn chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới.

Cùng với đó, phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến dịch vụ logistics, nhất là phát triển nguồn nhân lực cao, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế; Tiếp tục kiến nghị với Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương về hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật logistics.

“Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị, tham gia cách mạng công nghiệp 4.0 gắn phát triển nguồn lực chất lượng cao, cải thiện môi trường đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, và tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng để phát triển điện, viễn thông… là các giải pháp mà tỉnh Quảng Nam đang tập trung triển khai thực hiện”, ông Bửu thông tin.

Cửa khẩu quốc tế Nam Giang, tỉnh Quảng Nam (Nguồn: internet)

Cửa khẩu quốc tế Nam Giang, tỉnh Quảng Nam (Nguồn: internet)

Ông Lê Quảng Đức - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng cho biết, đến nay Cảng Đà Nẵng thu hút được 14 hãng tàu container, hàng tuần đón khoảng 30 chuyến. Trong thời gian tới, Đà Nẵng ưu tiên phát triển, mở rộng Cảng Liên Chiểu, đây là một trong chiến lược cốt lõi dần thay thế Cảng Tiên Sa, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao lượng hàng hoá thông quan…

Được biết, Đà Nẵng đang tập trung triển khai các công trình kết cầu hạ tầng trọng điểm như: quy hoạch tái thiết các khu đô thị xung quang cảng biển, ga hàng hóa Kim Liên, Khu công nghiệp Liên Chiểu, xây dựng mới cảng Liên Chiểu, di dời ga đường sắt, nâng cấp quốc lộ 14B, 14G và Sân bay Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, thành phố có chính sách ưu đãi, hỗ trợ và thu hút nguồn hàng từ các nước láng giềng thông qua nhiều hình thức gồm hỗ trợ trực tiếp, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang nước bạn.

Đồng thời, thu hút đầu tư các khu công nghiệp, khu chế xuất lớn trên địa bàn... liên kết phát triển, giảm chi phí hàng hoá, nâng cao tính cạnh tranh trên Tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây.

Lượt xem: 93
Tác giả: Đoàn Minh - Út Vũ
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật