Thứ sáu, 20/09/2024 - 06:07

Đồng bào Công giáo tích cực tham gia phát triển kinh tế

Phong trào thi đua yêu nước, sống "Tốt đời đẹp đạo" của đồng bào Công giáo đã phát triển rộng khắp, nổi bật là phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo.

áng nay 12/10, khai mạc phiên trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần VIII, nhiệm kỳ 2023 – 2028.

Theo Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, trong nhiệm kỳ vừa qua, đời sống vật chất của đồng bào công giáo không ngừng được cải thiện, bộ mặt các giáo xứ, họ đạo ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Đồng bào Công giáo tích cực tham gia phát triển kinh tế
Sáng 12/10, khai mạc phiên trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Người Công giáo Việt Nam lần VIII

Nổi bật trong đó phải kể đến phong trào thi đua yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo của đồng bào công giáo đã phát triển rộng khắp.

Phát huy truyền thống yêu nước của đồng bào Công giáo, đường hướng mục vụ "Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” và tinh thần: “Hiệp hành - Chia sẻ - Phục vụ”, góp phần hiện thực hóa mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", thời gian qua, các phong trào thi đua yêu nước, sống "Tốt đời đẹp đạo" của đồng bào Công giáo đã phát triển rộng khắp, nổi bật trong đó có lĩnh vực phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo.

Nhiều mô hình sản xuất kinh doanh của đồng bào Công giáo đã phát huy hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình này chủ yếu tập trung vào chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi, phát triển sản xuất theo quy mô trang trại, gia trại để nâng cao giá trị, sản lượng hàng hóa; phát triển ngành nghề truyền thống với quy mô lớn hơn, chuyên nghiệp hơn.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp do người Công giáo làm chủ đã đổi mới công nghệ, hiện đại hóa sản xuất kinh doanh, đã và đang khẳng định được mình trên thị trường trong nước, vươn ra thị trường nước ngoài. Đồng thời, các doanh nghiệp của đồng bào Công giáo góp phần tạo việc làm cho người dân tại địa phương; tham gia hoạt động từ thiện, xã hội.

Ghi nhận tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG. Với lĩnh vực kinh doanh chủ yếu là may xuất khẩu, hiện nay, công ty thường xuyên tạo công ăn việc làm cho gần 19.000 công nhân lao động với thu nhập bình quân đạt trên 9 triệu đồng/người/tháng, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động của tỉnh Thái Nguyên và nhiều tỉnh lân cận.

Doanh nhân Nguyễn Văn Thời - Ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG - chia sẻ: "Là người Công giáo, tôi luôn thấm nhuần lời Chúa dạy trong Phúc Âm, là một doanh nhân, tôi muốn đem lại nhiều lợi ích cho cho quê hương Thái Nguyên nói riêng và cho toàn xã hội nói chung".

Thời gian qua, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG luôn quan tâm công tác ủng hộ người nghèo, các hoạt động xã hội, từ thiện. Bản thân ông Thời luôn tham gia đầy đủ các chương trình hỗ trợ tết vì người nghèo hàng năm do tỉnh và các huyện tổ chức như: Chương trình “Tết vì người nghèo”, “Tết sum vầy”, “Xuân mới an vui đến mọi nhà”; Ủng hộ quỹ “Vì người nghèo”, với số tiền ủng hộ hàng năm lên tới hàng tỷ đồng.

Khi được hỏi về trách nhiệm và những dự định trong tương lai, ông Nguyễn Văn Thời nhấn mạnh: “Tôi đã đề ra và luôn nêu cao phương châm hoạt động của doanh nghiệp: Tất cả vì hạnh phúc của người lao động và niềm tin cho khách hàng; cố gắng không chỉ đảm bảo quyền lợi cho người lao động mà còn nâng cao chế độ phúc lợi để người lao động yên tâm sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Từ đó đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, tạo niềm tin và mối quan hệ với nhiều bạn hàng gần xa. Với tư cách là Chủ tịch Uỷ ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Thái Nguyên, tôi mong muốn chú trọng việc tuyên truyền sâu rộng để xây dựng xứ họ đạo thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh được tốt hơn”.

Bên cạnh đó, nhiều tổ chức Công giáo đã hỗ trợ những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn phát triển sản xuất; hỗ trợ việc làm cho lao động nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt trong xã hội, tiêu biểu như: Cộng đoàn Betania - Hội dòng mến Thánh giá Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) tổ chức chương trình dạy nghề may thêu và tạo việc làm cho nhiều phụ nữ nghèo, khuyết tật.

Hay giáo xứ Nam Hà, giáo xứ Xuân Mỹ (Đồng Nai) tổ chức chương trình "Đại lý hỗ trợ các hộ nghèo chăn nuôi," vận động các hộ kinh doanh ứng bán thức ăn chăn nuôi cho các hộ nghèo và thu tiền sau khi bán được vật nuôi...

Cộng đoàn giáo dân còn tích cực tham gia phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó có Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Tín ngưỡng tôn giáo; chung tay xây dựng nông thôn mới…

Linh mục Martinô Nguyễn Hoàng Hôn - Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Cà Mau – cho biết: Theo tinh thần Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1980: “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, là kim chỉ nam cho người Công giáo Việt Nam. Đây cũng là động lực cho quý linh mục, tu sĩ và bà con giáo dân tích cực tham gia công tác bác ái xã hội tại địa phương, đặc biệt là cuộc vận động của Chính quyền, Mặt trận các cấp cũng như của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, sống “tốt đời đẹp đạo”.

Thực hiện chương trình phát động đó, 5 năm qua bà con công giáo ở Cà Mau đã tích cực đóng góp xây cầu giao thông nông thôn, làm nhà tình thương, khoan giếng nước ngọt cho người nghèo. Từ năm 2017 – 2022, bà con nơi đây đã xây được 129 cây cầu giao thông bằng bê tông cốt thép, rộng 2m hoặc có một số ít cây 3m, theo tiêu chí nông thôn mới. Chiều dài các cây cầu tùy kinh rạch lớn nhỏ, từ trên dưới 20m - 38m, nằm trong một số ấp, xã thuộc Cái Nước và các huyện lân cận với tổng kinh phí là 7.678.000.000 đồng.

Làm được cây cầu là sinh hoạt khu xóm đó khởi sắc, các em học sinh đến trường dễ dàng, người dân có thể đi bộ, đi lại bằng xe đạp, xe Honda an toàn hơn, nối liền các ấp, xã. Khi có đám cưới, đám tang, đám giỗ… tình làng nghĩa xóm được nối kết thân thương và gần gũi hơn”, linh mục Martinô Nguyễn Hoàng Hôn bày tỏ.

Chính từ kinh tế phát triển, đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào giáo dân ngày càng được chăm lo, bản sắc văn hóa của dân tộc được giữ gìn và phát huy. Nhiều hoạt động đền ơn, đáp nghĩa được triển khai thực hiện, có ý nghĩa giáo dục, nhân văn sâu sắc. Sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục đào tạo, dạy nghề và giải quyết việc làm ngày càng có nhiều kết quả thiết thực. Đối tượng chính sách, hộ nghèo được Nhà nước và xã hội chăm lo tích cực với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Là tổ chức xã hội, đại diện cho phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam luôn nỗ lực dấn thân thực hiện tốt đường hướng gắn bó, “đồng hành với dân tộc”. Với sự năng động, nhiều sáng tạo trong các hoạt động phong trào thi đua yêu nước của người Công giáo đã và đang góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Lượt xem: 24
Tác giả: Thanh Tâm
Tin liên quan