Thứ tư, 04/12/2024 - 14:59

Đông Nam Bộ phấn đấu tăng trưởng kinh tế “2 con số”

Chiều 2/12, Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ lần thứ 5 với chủ đề tăng trưởng kinh tế “2 con số” vùng Đông Nam Bộ năm 2025 - thách thức, cơ hội và giải pháp đã được tổ chức. Tại Hội nghị các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ đã thẳng thắn đưa ra nhiều phương án, giải pháp, kiến nghị tại Hội nghị để tháo gỡ nhiều khó khăn, phát triển kinh tế trong năm 2025.

Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng nhiều lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các tỉnh, thành phố cùng các Ban, Sở, ngành địa phương vùng Đông Nam Bộ.

Phát biểu khai mạc Hội nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hội nghị tập trung rà soát, đánh giá việc triển khai các công việc đã thống nhất sau Hội nghị lần thứ 4, rút ra các bài học kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo để làm tốt hơn sau mỗi hội nghị, vướng mắc phải giải quyết, khó khăn phải vượt qua; góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 vừa qua, thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ với mục tiêu tăng trưởng "2 con số", toàn diện, bao trùm, chất lượng, bền vững trong giai đoạn tới.

Đông Nam Bộ phấn đấu tăng trưởng kinh tế “2 con số”
Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có tham luận về kết quả đạt được, khó khăn của tỉnh trong năm 2024 và đề xuất cho năm 2025.

Theo đó, năm 2024 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong thời gian qua, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng vùng tại các Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ; cùng sự quan tâm, hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương, hệ thống hạ tầng giao thông Vùng đã được quan tâm đầu tư theo hướng liên kết các tỉnh trong vùng và vùng - vùng, đã có những bước phát triển quan trọng, làm nền tảng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong đó, dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được khởi công ngày 18/6/2023, tỉnh đã sử dụng ngân sách tỉnh để triển khai đầu tư 3 tuyến giao thông kết nối đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với các địa phương ven biển để phúc đẩy phát triển du lịch, đô thị. Dự án cầu Phước An phấn đấu hoàn thành trong năm 2027.

Để kết nối với cầu Phước An, tỉnh sử dụng ngân sách đầu tư tuyến đường ven biển ĐT994 với chiều dài 70km, tổng mức đầu tư khoảng 7.500 tỷ đồng. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng để triển khai đầu tư tuyến đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh. Tổng nguồn vốn đầu tư các tuyến giao thông kết nối đang triển khai đầu tư khoảng 32.000 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương 11.000 tỷ đồng, địa phương 31.000 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương tập trung, hỗ trợ thêm để các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ có điều kiện phát triển nhanh hơn, sớm hoàn thành mục tiêu Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 của Chính phủ.

Đông Nam Bộ phấn đấu tăng trưởng kinh tế “2 con số”
Giao thông kết nối các tỉnh Vùng Đông Nam Bộ chưa đồng bộ, còn gặp nhiều khó khăn

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thống nhất dự kiến kế hoạch hoạt động Hội đồng Vùng năm 2025 đồng thời, xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm Tỉnh tập trung thực hiện năm 2025 và nỗ lực để thực hiện các nhiệm vụ trên.

Tại Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức, có tham luận về những công tác hoạt động về kinh tế, xã hội, nhiệm vụ đạt được trong năm 2024 và các dự án trọng điểm như dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, dự án Vành đai 3 - TP Hồ Chí Minh, Vành đai 4 - TP Hồ Chí Minh, Cầu Phước An, Cầu Bạch Đằng 2, Dự án cầu thay phà Cát Lái. Đồng thời, ông có nhiều kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ như về rà soát cơ chế, chính sách để phù hợp cho phát triển…

Đặc biệt tỉnh Đồng Nai kiến nghị Chính phủ, chấp thuận cho tỉnh để lại nguồn thu vượt dự toán ngân sách năm 2025 - 2027 để dành cho đầu tư phát triển. Cùng với đó, tỉnh Đồng Nai đề xuất mức tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt 10%, cùng với đó là các giải pháp để đạt được đề xuất trên.

Về phía tỉnh Bình Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Lộc Hà cũng có tham luận và báo cáo về các thành quả đạt được trong năm 2024 như tốc độ tăng trưởng kinh tế ước tăng 8,01%, đứng thứ 2/6 địa phương trong Vùng; GRDP bình quân đầu người đạt 182,6 triệu đồng, tăng là 8 triệu đồng so với năm 2023; thu ngân sách 71.234 tỷ đồng, đạt 110% vượt dự toán Thủ tướng Chính phủ giao; chi giải ngân vốn đầu tư công ước cuối năm 2024 dạt 105% so với kế hoạch.

Thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt trên 2 tỷ USD vượt chỉ tiêu đề ra; kim ngạch xuất khẩu đạt 34,5 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 24,5 tỷ USD tăng cao so với cùng kỳ và vượt chỉ tiêu;. Tỉnh tiếp tục duy trì thông dư thương mại trên 10 tỷ USD, đã khánh thành nhiều công trình giao thông kết nối trong và ngoài tỉnh…

Tỉnh Bình Dương có kiến nghị: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và cơ quan Trung ương sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể các nội dung đã được Trung ương, Quốc hội thông qua, để khơi thông nguồn lực, chủ động bố trí vẫn triển khai các công trình ngay từ đầu năm 2025; ban hành cơ chế đặc thù cho vùng Đông Nam Bộ; huy động nguồn lực đầu tư cho các công trình liên kết vùng, tạo bứt phá trong năm 2025.

Trong đó, tỉnh Bình Dương kiến nghị cho phép các tỉnh trong vùng được giữ lại toàn bộ 100% nguồn thu từ khai thác quỹ đất cũng như 100% số thu ngân sách vượt so với chỉ tiêu trung ương giao nhằm tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển địa phương; phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu công trình hoặc các hình thức huy động vốn không phụ thuộc vào hạn mức trần nợ công; điều chỉnh tỷ lệ điều tiết thời kỳ ổn định ngân sách 2026 - 2030 theo hướng tăng tỷ lệ giữ lại cho địa phương…

Đông Nam Bộ phấn đấu tăng trưởng kinh tế “2 con số”
Các tỉnh Đông Nam Bộ mong muốn sớm ban hành cơ chế đặc thù cho vùng (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, hội nghị lắng nghe được các tham luận khác của tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Long An, TP Hồ Chí Minh đều tập trung đánh giá, làm rõ tình hình triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển vùng Đông Nam Bộ, những việc đã làm được, những việc chưa làm được, nhận diện các khó khăn, thách thức, những vấn đề đặt ra trong công tác điều phối, liên kết nội vùng, liên vùng, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương.

Đặc biệt, các tỉnh đề xuất, kiến nghị một số phương hướng, giải pháp trọng tâm và các nhiệm vụ cụ thể, giao các bộ, ngành, địa phương thực hiện, nhất là để thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025 và giai đoạn tới, như các giải pháp đột phá phát triển lĩnh vực logistics; xây dựng trung tâm tài chính TP Hồ Chí Minh; xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; cơ bản hoàn thành sân bay Long Thành trong năm 2025 với hệ thống giao thông kết nối, hệ sinh thái sân bay hoàn chỉnh; triển khai dự án đường vành đai 3 và thúc đẩy triển khai đường vành đai 4 TP Hồ Chí Minh; đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, đường cao tốc từ Đắk Nông qua Bình Phước tới Bình Dương, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài kết nối với Campuchia; nâng cấp sân bay Côn Đảo…; sớm tìm hướng giải quyết vướng mắc cho dự án chống ngập, ngăn triều với tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng tại TP Hồ Chí Minh; kết nối hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, phát triển nguồn nhân lực.

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, kết luận hội nghị Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điểm lại kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế xã hội của Vùng, Thủ tướng biểu dương TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai… đã đạt được những thành tựu quan trọng góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Đông Nam Bộ phấn đấu tăng trưởng kinh tế “2 con số”
Dự án chống ngập, ngăn triều với tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng tại TP Hồ Chí Minh được hội nghị quan tâm

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ rõ những vấn đề còn hạn chế của Vùng Đông Nam Bộ như giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn của nước, giao thông còn nhiều điểm nghẽn, tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ còn hạn chế. Thủ tướng đề nghị thời gian tới GDP của toàn vùng phải đạt trên 7%, cao hơn của cả nước.

Năm 2025, Thủ tướng yêu cầu vùng ưu tiên cho tăng trưởng, phấn đấu tăng trưởng 2 con số, vì theo Thủ tướng có tăng trưởng được thì quy mô kinh tế mới tăng trưởng được, mới cải thiện được tăng năng suất lao động, mới có nguồn lực để đầu tư cho phát triển, mới bảo đảm được an ninh quốc phòng, ổn định chính trị, nâng cao đời sống vật chất cho người dân.

Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục hoàn thiện thể chế, tiếp tục rà soát, tháo gỡ các vướng mắc. Theo Thủ tướng muốn tăng trưởng được thì vẫn phải thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng và tập trung vào các động lực tăng trưởng mới là kinh tế xanh, số, tuần hoàn, kinh tế chi thức…

Đông Nam Bộ phấn đấu tăng trưởng kinh tế “2 con số”
Dự án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được Thủ tướng Chính phủ quan tâm

Thủ tướng chỉ rõ 6 yêu cầu cần phải làm trong đó nêu rõ, phải tích cực đào tạo nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; cơ cấu lại quản trị theo hướng thông minh hơn, áp dụng trí tuệ nhân tạo; quản lý phải chặt chẽ hơn; phải đề xuất các cơ chế chính sách để tháo gỡ các khó khăn và xây dựng cơ chế đặc thù cho vùng.

Thủ tướng đã giao các nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành địa phương trong vùng để thực hiện có hiệu quả các dự án, tạo điều kiện khơi thông nguồn lực, hoàn thành các dự án trọng điểm của vùng.

Đặc biệt về các nhiệm vụ cụ thể liên quan đến đường vành đai 4, Thủ tướng giao TP Hồ Chí Minh là cơ quan chủ quản đầu tư xem xét lại cần có những cơ chế chính sách gì để triển khai hiệu quả. Trong quá trình huy động nguồn lực có thể phát hành trái phiếu, thực hiện theo hình thức BT, vay ưu đãi để làm. Thủ tướng nhấn mạnh, trong Quý 1 năm 2025 phải phê duyệt xong những cơ chế chính sách đặc thù để đảm bảo triển khai được nhiệm vụ này.

Cùng với đó Thủ tướng đã giao nhiệm vụ, thời gian cụ thể, rà soát lại các dự án xem có lãng phí hay không nhất là đối với các dự án như cảng Cần Giờ, các dự án giao thông kết nối vùng, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP Hồ Chí Minh, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Giầu Giây….

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng các bộ ngành địa phương trong Vùng cùng quyết tâm phấn đấu đạt mục tiêu đề ra, góp phần xây dựng đất nước nhanh và bền vững trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vương mình của dân tộc.

Link bài gốc Copy link
 
Lượt xem: 11
Tác giả: VĂN QUÂN
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật